Nâng cao cảnh giác với đại dịch toàn cầu của động vật

Nước Mỹ trong thời gian gần đây đang có nhiều lo ngại về dịch cúm gia cầm có thể lây lan sang động vật có vú, bao gồm cả con người. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang triển khai nhiều nỗ lực nhằm kiểm soát dịch.

Những con bò sữa tại một trang trại gia súc ở bang Illinois, Mỹ. Ảnh: Reuters

Những con bò sữa tại một trang trại gia súc ở bang Illinois, Mỹ. Ảnh: Reuters

Mỹ nỗ lực ngăn chặn cúm gia cầm

Theo truyền thông Mỹ, từ cuối tháng 3 vừa qua, virus H5N1 đã được phát hiện trong các đàn bò sữa ở 9 bang. Trước những diễn biến phức tạp, chính quyền Mỹ mới đây đã đưa ra thông báo về việc cấp gần 200 triệu USD nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch cúm gia cầm sang bò sữa.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dành 98 triệu USD để hỗ trợ mỗi trang trại bò sữa 28.000 USD cho các nỗ lực kiểm soát virus lây lan giữa động vật và con người. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) cho biết, sẽ cấp 101 triệu USD thông qua Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) để bảo vệ sức khỏe người dân và nguồn cung thực phẩm. FDA cũng sẽ cấp 8 triệu USD để đảm bảo an toàn cho nguồn cung sữa thương mại.

Theo nhận định của CDC, cúm gia cầm hiện gây rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng ở mức thấp, các nhà khoa học đang theo dõi sự biến đổi của virus.

Trong một báo cáo được công bố vừa qua, FDA xác nhận, khoảng 20% mẫu sữa thương mại cho kết quả dương tính với virus H5N1. Xoay quanh vấn đề này, truyền thông Mỹ dẫn các nguồn phân tích chỉ ra rằng, các xét nghiệm sữa tiệt trùng từ cơ quan chức năng cho thấy, quá trình tiệt trùng diệt được virus.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu, liệu cúm gia cầm có thể lây truyền qua việc tiêu thụ sữa chưa tiệt trùng hoặc phô mai hay không. Việc có virus trong sữa khiến nhiều chuyên gia đưa ra khuyến cáo không nên tiêu thụ các sản phẩm từ sữa tươi.

Truyền thông Mỹ cho biết, có những bằng chứng cho thấy, virus cúm gia cầm là nguyên nhân dẫn đến cái chết của một số lượng lớn mèo uống sữa tươi tại các trang trại phát hiện virus.

Tiến sĩ Gigi Gronvall, chuyên gia về miễn dịch tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins ở Baltimore nhấn mạnh, việc uống sữa tươi vốn đã có rủi ro mắc các bệnh như brucellosis - một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và sẽ rủi ro hơn do sự xuất hiện của virus H5N1. Vì vậy, các nhà chức trách nước này khuyến cáo người dân nên sử dụng sữa tiệt trùng.

Được biết, hiện nay, Mỹ là quốc gia duy nhất báo cáo cúm gia cầm ở gia súc, nhưng có lo ngại rằng, loại virus này cũng có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho con người. Vào tháng 4 vừa qua, một công nhân trang trại chăn nuôi bò ở bang Texas đã nhiễm virus cúm gia cầm, trở thành trường hợp đầu tiên được ghi nhận virus lây truyền từ động vật có vú sang người. Rất may, người này chỉ bị các nhiễm trùng nhẹ và đến nay đã bình phục hoàn toàn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Canada trong tuần trước đã bắt đầu thực hiện kiểm tra nhập khẩu chặt chẽ hơn đối với gia súc từ Mỹ. Colombia cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự.

Nâng cao cảnh giác

Cúm gia cầm là một bệnh nhiễm virus, chủ yếu ảnh hưởng đến chim, các loài gia cầm. Tuy nhiên, một số chủng cúm gia cầm cũng có thể lây nhiễm sang các loài động vật khác, bao gồm cả con người.

Virus cúm gia cầm đầu tiên và được biết đến nhiều nhất là H5N1, được phát hiện lần đầu tiên ở ngỗng nhà tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 1996. Đây cũng là loại virus đang được ghi nhận xuất hiện trong cơ thể gia súc ở Mỹ.

Phó Giáo sư Meghan Davis thuộc Trường Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) chia sẻ, H5N1 là loại virus có thể gây ra đại dịch toàn cầu cho động vật. Nhiều chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, có thể đợt bùng phát dịch tại Mỹ đã bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2023 chưa được phát hiện cụ thể. Điều này khiến cho việc dịch lây lan phức tạp, khó xác định mức độ lan rộng.

Hiện nay, chưa có trường hợp nhiễm cúm gia cầm nào được xác nhận ở bên ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo, có nguy cơ dịch bệnh này lây lan ra toàn cầu thông qua các đàn chim di cư. Theo đó, các loài gia súc ở nhiều quốc gia cũng có thể nhiễm cúm gia cầm.

Trong thời gian qua tại Mỹ, một số trang trại đã tiêu hủy hàng triệu con gà để ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm. Trong khi đó, chưa có trang trại bò nào tiến hành tiêu hủy bò bị nhiễm cúm, bởi loại virus này chưa gây tử vong ở bò như đối với gà.

Liên quan tới việc cúm gia cầm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, giới chuyên gia cho biết, trong gần 30 năm qua mới ghi nhận 860 người trên toàn cầu nhiễm loại virus này và khoảng một nửa trong số đó tử vong. Điều này cho thấy, mức độ lây nhiễm ở người tuy không cao, nhưng mức độ nguy hiểm khi nhiễm bệnh rất cao.

Nhân công làm việc trong các trang trại hoặc người tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh là đối tượng có nguy cơ nhiễm virus cao nhất. Hiện nay, chưa có vaccine cúm gia cầm ở người. Những người nhiễm H5N1 thường được kê đơn thuốc kháng virus để kiểm soát các triệu chứng.

Theo thống kê của WHO, từ năm 2003 đến ngày 1/4/2024, ghi nhận 889 trường hợp nhiễm virus cúm H5N1 ở người tại 23 quốc gia, trong đó có 463 trường hợp tử vong. Kể từ năm 2021, chỉ có 28 trường hợp nhiễm chủng cúm này ở người.

Cúm H5N1 (cúm A) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, nhưng kể từ năm 2020, số đợt bùng phát ở các loài chim đã tăng theo cấp số nhân, cùng với xu hướng gia tăng số lượng động vật có vú mắc bệnh. Chủng virus này đã làm chết hàng chục triệu gia cầm, trong khi các loài chim hoang dã, động vật có vú trên cạn và dưới biển cũng mắc bệnh.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-canh-giac-voi-dai-dich-toan-cau-cua-dong-vat-post475876.html