NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG:Khát vọng làm giàu trên quê hương

Với chí tiến thủ cùng nỗ lực phấn đấu không ngừng, chàng trai trẻ Trần Minh Đạo đã gặt hái nhiều thành công trên quê hương mình

Năm 2019, du khách khắp nơi đổ về TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tìm thăm một địa điểm du lịch khá đặc biệt lúc bấy giờ, đó là ngôi nhà úp ngược ở địa chỉ 22 Sa Nhiên, xã Tân Khánh Đông. Ngôi nhà ấy cách Làng hoa Sa Đéc khoảng 2 km - thuộc sở hữu của anh Trần Minh Đạo (SN 1983), được thiết kế từ ý tưởng của anh Trần Thanh Nguyên - với 5 căn phòng (khách, ngủ, bếp, cà phê, vệ sinh) có tất cả thiết bị phục vụ đều được cố định trên trần nhà chắc chắn. Đó là một phần nhỏ trong tổng thể Khu Du lịch Sa Nhiên Garden.

Kiên trì vượt khó

Anh Trần Minh Đạo là lứa lao động xuất khẩu đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp sang Hàn Quốc. Với ước muốn đơn giản là sau những năm tháng làm việc ở nước bạn - một quốc gia công nghiệp phát triển - sẽ mang về số vốn và kiến thức để thay đổi cuộc sống bản thân và gia đình.

Thời gian ở Hàn Quốc, với vốn ngoại ngữ khá, anh được giao nhiệm vụ trợ lý cho các quản đốc, giám đốc người Hàn Quốc. Công việc chuyên môn của anh là kỹ thuật hàn. Nhà máy anh làm việc thuộc tập đoàn nổi tiếng với sản phẩm ô tô và cả đóng tàu biển trọng tải hàng chục vạn tấn.

Công việc của anh và đồng nghiệp đòi hỏi sự cẩn thận, tay nghề cao, tinh thần trách nhiệm. Lãnh đạo nhà máy luôn nhắc nhở anh và các bạn tôn trọng kỷ luật, tập trung tinh thần, tay nghề để sản phẩm đạt chất lượng cao - đồng nghĩa với tiền lương, tiền thưởng sẽ được tăng lên. Những hành vi lãng phí, làm mất mát hay đánh cắp tài sản cá nhân, của chung sẽ bị chế tài nghiêm khắc.

Anh Đạo và các bạn với niềm tin, nghị lực làm chủ bản thân đã xây dựng cuộc sống tiết kiệm, lành mạnh, luôn tôn trọng pháp luật và những điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Mọi thắc mắc, kiến nghị đều thông qua tổ chức đại diện để được giải quyết hợp tình, hợp lý.

Anh Đạo luôn yên tâm với nơi làm việc, không nhảy việc theo lời hứa hẹn lương cao, tiện nghi cuộc sống tốt hơn… của những cơ sở sản xuất khác. Anh tranh thủ ngày nghỉ, lễ, Tết đi thăm danh lam thắng cảnh của nước bạn nhằm nâng cao nhận thức, kinh nghiệm sống và cả kinh nghiệm kinh doanh để sau này về nước vận dụng.

Anh Trần Minh Đạo hướng dẫn công nhân làm đẹp cảnh quan tại Khu Du lịch Sa Nhiên Garden

Một kỷ niệm anh nhớ mãi, đó là có lần hàn một thanh kim loại làm tay vịn cầu thang cho thủy thủ đoàn lên xuống giữa các tầng. Một đồng nghiệp đã làm qua loa rồi báo cáo hoàn thành. Nào ngờ bộ phận kiểm tra sản phẩm phát hiện đã yêu cầu người này thực hiện lại thao tác cho đúng yêu cầu kèm mức phạt khá cao. Từ vụ việc này, anh nhận ra việc kiểm tra, đánh giá sản phẩm được người Hàn Quốc thực hiện nghiêm túc.

Trước khi công nhận sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật, sẽ có kiểm định của tổ sản xuất, kỹ thuật nhà máy, chuẩn quốc gia và chuẩn hàng hải quốc tế. Bài học ở đây là tính mạng con người và tài sản. Mỗi vết hàn chưa chuẩn dù nhỏ đến đâu cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản con người.

Mạnh dạn khởi nghiệp

Hết thời gian lao động, anh Đạo về nước. Quyết tâm của anh là xây dựng kinh tế gia đình phát triển. Anh tập trung vốn liếng và kêu gọi anh em trong gia đình lập một trang trại nuôi heo.

Sa Đéc có thế mạnh về sản xuất bột, cây lương thực phong phú, ít thiên tai, thời tiết tốt, hệ thống thú y khá mạnh nên anh rất tự tin. Mảnh đất của ông bà để lại khá lớn, anh vẫn giữ nghề truyền thống là trồng hoa kiểng bán đi khắp nơi. Kinh nghiệm anh học được từ Hàn Quốc là kinh doanh dựa trên chữ tín, đặt lòng tin và mong được tin tưởng từ bạn hàng. Áp dụng bước đầu, anh đã thành công, khi nơi gần hay xa, đơn hàng ít hay nhiều anh đều đáp ứng.

Nhưng một biến cố xảy ra, dịch tả heo châu Phi vào thời điểm đó đã gây thiệt hại đến chăn nuôi khiến anh thất thu. Thế nhưng, anh không nản lòng. Những năm 2015 về sau, hiểu chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh du lịch, kết hợp phát triển trồng hoa kiểng, xây dựng thương hiệu Làng hoa Sa Đéc, anh lại vào cuộc.

Cùng với người thân, anh xây dựng Khu Du lịch Sa Nhiên Garden ngay trên mảnh đất hàng chục ngàn mét vuông của gia đình, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương. "Ngôi nhà úp ngược" ra đời, là một điểm dừng chân của du khách gần xa khi về thăm Làng hoa Sa Đéc, có lúc tiếp đến hàng ngàn người trong ngày. Vốn đầu tư từng bước thu lại, anh và cộng sự phấn khởi. Địa phương quan tâm, ủng hộ.

Tiếp đó, anh đầu tư 800 triệu đồng thiết kế mô hình tàu cướp biển Caribe có tổng diện tích sàn 300 m2 với nhiều phòng, vật dụng y như thật để đón du khách. Hình ảnh con tàu cướp biển với nội thất rất đẹp, không khác gì con tàu mà du khách thấy trên phim, nên khách đến tham quan ngày càng đông. Dịch COVID-19 bùng phát làm việc kinh doanh của anh chững lại một thời gian nhưng anh vẫn tiếp tục công việc và nay đã thu hồi được vốn.

Hiện ngoài việc duy trì khu du lịch, anh Đạo còn cùng công nhân ươm cây con, trồng cây kiểng, hoa các loại bán khắp nơi để phát triển kinh tế gia đình, địa phương. "Làng hoa chắp cánh cho tôi và bạn bè bay xa và cùng trở về xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhờ đi xuất khẩu lao động mà tôi mới có cơ ngơi ngày nay. Các bạn trẻ muốn đổi đời hãy mạnh dạn ra nước ngoài làm việc, học hỏi để có kiến thức và trở về khởi nghiệp, đóng góp cho quê hương" - anh Đạo bày tỏ.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỮU NHÂN (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khat-vong-lam-giau-tren-que-huong-196240315203845308.htm