Nạn rượu giả tràn lan Lục địa đen

Khung cảnh mua bán tấp nập tại chợ Elig-Edzoa ở thủ đô Yaoundé của Cameroon bất ngờ dừng lại khi hàng chục chiếc xe tải, xe van đỗ xịch lại trước cổng chợ. Hơn bốn chục cảnh sát đổ xuống từ những chiếc xe, lùng sục từng kiot một để rồi bê ra không biết bao nhiêu thùng carton in nhãn các thương hiệu rượu nổi tiếng. trước sự chứng kiến của đám đông, cảnh sát áp giải những thùng rượu cùng chủ của chúng lên ô tô.

Khung cảnh trên lặp đi lặp lại hàng chục lần trên khắp Cameroon. Nhân ngày Vì quyền người tiêu dùng thế giới (15/3) mới đây, cảnh sát Cameroon đã ra quân truy tìm, thu giữ và xử lý những đối tượng sản xuất và buôn bán rượu giả. Chiến dịch này diễn ra sau khi có biểu tình kéo dài nhiều tuần ở Yaoundé. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ phải giải quyết ngay vấn nạn người chết tràn lan vì uống phải rượu giả. Đây không phải là thảm họa của riêng Cameroon. Rượu giả đang đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của cả một thế hệ trên đất châu Phi.

Một chai rượu giả bị cảnh sát Zimbabwe thu giữ.

Họa từ miệng mà tới

Trong năm 2022 có 428 người Cameroon tử vong vì ngộ độc rượu, mà đa số các trường hợp là uống phải rượu giả. Con số này tăng 32% so với năm 2021. Chính quyền Yaoundé cho rằng số người chết hoàn toàn có thể cao hơn trên thực tế vì có ít hơn 30% dân số nước này đến bệnh viện khi mắc bệnh. Tại nhiều vùng ở Cameroon vẫn còn tâm lý tự mua thuốc tây về chữa hay nhờ cậy các ông thầy lang.

Ông Delor Magellan Kamseu Kamgain, chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng quốc gia Cameroon, giải thích lý do vì sao lại có thêm nhiều người chết vì rượu giả: “Ngay từ khi đại dịch COVID-19 mới bắt đầu thì số người tử vong vì rượu giả đã tăng rồi, nhưng chỉ số này sau một thời gian tạm ổn địch gần đây lại bắt đầu nhảy lên. Xu hướng tiêu thụ rượu của người Cameroon không hẳn tăng, nhưng vấn đề là người dân không có đủ tiền để mua rượu chính hãng. Suy thoái kinh tế và lạm phát tăng mạnh buộc người lao động phải tìm đến rượu giả”.

Ông Delor còn cho biết thêm rằng khả năng tuyên truyền, giáo dục của các tổ chức như Hiệp hội người tiêu dùng chỉ có hạn. Mấu chốt ở vấn đề nằm ở sự “mạnh tay” trong cách xử lý rượu làm nhái của chính quyền. Yaoundé cũng đồng quan điểm này. Mới đây Bộ trưởng Thương mại Cameroon Luc Magloire Atangana Mbarga mới đây đã công khai tuyên chiến với rượu giả trên khắp nước này. Ông cho biết đã lập ra một ban thanh tra chuyên tiếp nhận thông tin tố cáo rượu giả từ người dân và thưởng tiền cho những người tố cáo. Mặt khác quân đội và cảnh sát sẽ thắt chặt việc kiểm soát cửa khẩu và đường biên giới nhằm ngăn chặn các đối tượng buôn lậu tuồn rượu giả vào Cameroon.

Đám tang tập thể cho những nạn nhân chết ở vũ trường Enyobeni.

Phía nam châu Phi là quốc gia nhỏ bé Zimbabwe cũng đang đối mặt với vấn nạn rượu giả. Đất nước này chỉ có 200 quán bar và 350 cơ sở bán rượu có đăng ký mà trong 3 tháng đầu năm 2023 đã có 46 người chết vì uống phải rượu giả, chưa kể những trường hợp sống sót nhưng chịu tổn thương gan, thận, giác mạc, v.v... Đa số người dân nghèo Zimbabwe mua rượu từ các kiot, sạp hàng chợ. Tại những nơi này bày bán đủ các “thương hiệu” rượu có tiếng như Two Keys, Jack Daniels hay King Stallion Brandy với mức giá “trời ơi đất hỡi”: 0,5 USD cho một chai rượu mạnh 250ml.

Một người đàn ông chuyên pha rượu giả ở thị trấn Mbare, Zimbabwe chia sẻ: “Cuộc đời tôi thay đổi sau khi tôi bỏ nghề sửa xe mà đi pha rượu. Không nghề nào lãi bằng nghề này... Tôi mua ethanol rồi pha với thật nhiều nước và phẩm màu. Có mỗi thứ rượu này thôi nhưng mỗi chai tôi lại dán một cái nhãn giả khác nhau... Ai cũng biết là rượu rẻ thế này thì chỉ có là giả, nhưng họ cũng chỉ muốn uống cho say thôi chứ cần gì rượu ngon. Những người mua rượu chúng tôi làm nhiều nhất là đám thanh niên thiếu tiền nhưng thừa mạo hiểm”.

Chính phủ Zimbabwe năm ngoái đã nâng mức khung hình phạt đối với những đối tượng sản xuất và buôn bán rượu giả lên bằng với những kẻ tội phạm ma túy. Phát ngôn viên cảnh sát Zimbabwe Paul Nyathi phát biểu: “Các đồng chí cảnh sát ở địa phương đã quán triệt tinh thần xử lý trực tiếp và gắt gao mỗi khi tìm thấy rượu giả. Từ đầu năm đến nay cảnh sát đã bắt giữ được 4.000 đối tượng sản xuất, tàng trữ và mua bán rượu giả”.

Bên trong nhà kho của một kẻ buôn rượu giả ở Johannesburg, Nam Phi.

Về phía mình, người đàn ông làm rượu giả ở Mbare cho biết: “Bây giờ tuần nào cũng có cảnh sát đi khám xét những nơi họ cho là làm rượu giả. Việc buôn bán của chúng tôi vì thế cũng không được như xưa nữa. Tôi không thể để người ta công khai chở cồn hay chai lọ đến nhà mình nữa mà phải làm lén lút. Rượu cũng không được để ở ngay mặt tiền cửa hàng nữa. Chỉ khi nào có khách hỏi mua thì mới đem rượu ra”.

“Cái khó ló cái khôn”, một số đối tượng pha chế rượu trái phép ở Zimbabwe đã nghĩ ra cách pha đủ thứ vào rượu giả để làm thành “rượu thuốc” chữa được bách bệnh. Trong khi tình hình COVID-19 ở nước này vẫn chưa được kiểm soát 100%, vẫn còn nhiều cá nhân, gia đình vì thiếu hiểu biết đã mua những thứ “rượu thuốc” này để rồi “tiền mất tật mang”. Vì thứ hàng hóa này thường được mua bán qua điện thoại hoặc mạng xã hội nên cảnh sát cũng gặp khó khăn trong việc truy tìm những đối tượng sản xuất và mua bán.

Cuộc chiến nóng bỏng

Ngoài những cơ sở làm nhái rượu nhỏ lẻ cung cấp cho thị trường địa phương, còn có một số trung tâm sản xuất rượu giả chuyên xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Nhà báo điều tra nổi tiếng người Nam Phi Stefaans Brümmer viết: “Việc sản xuất rượu giả phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ethanol. Các cơ sở làm nhái rượu nhỏ lẻ có thể mua ethanol từ nhà thuốc hay cửa hàng bán dụng cụ cơ khí, nhưng nếu đã pha chế rượu giả với quy mô lớn thì thường tội phạm sẽ tìm cách đặt cơ sở ở gần các khu công nghiệp có nhà máy hóa chất nhằm tiết kiệm chi phí và giảm bớt rủi ro khi vận chuyển nguyên liệu”.

Ethanol, nước và phẩm màu là ba nguyên liệu để pha chế whisky, brandy hay vodka giả.

Trong một vài năm trở lại đây Nam Phi và một số quốc gia châu Phi khác có chính sách kiểm soát việc mua bán cồn công nghiệp nhằm vừa chống rượu giả, vừa ngăn chặn hành vi đầu cơ làm ảnh hưởng đến sản xuất. Tuy nhiên việc làm nhái rượu với số lượng lớn vẫn tiếp diễn ra. Cuối tháng hai vừa qua đã diễn ra một cuộc đấu súng giữa cảnh sát thành phố Mahikeng (Nam Phi) và một đối tượng buôn bán rượu giả 45 tuổi. Cảnh sát sau đó đã bắt được tên này và thu giữ số rượu nhái trị giá 380.000 ZAR. Tên này khai mình sở hữu một cơ sở sản xuất rượu giả có quy mô khá lớn. Hắn mua ethanol với giá 6.000 ZAR cho 100 lít từ “tay trong” trong các nhà máy hóa chất chuyên phục vụ việc sản xuất của các mỏ bạch kim, vàng và kim cương trong vùng. Rượu giả được làm ra lại được bán cho chính công nhân của những khu mỏ trên.

Ngoài vụ đấu súng kể trên, một dấu hiệu khác cho thấy sự manh động của những kẻ làm rượu giả là câu truyện cướp nắp chai tại một nhà máy ở Durban. Vào ngày 30-12-2022, nhân lúc nhà máy đóng cửa để công nhân nghỉ năm mới, 5 kẻ bịt mặt trang bị súng lục đã đe dọa bảo vệ nhà máy để buộc người này mở cửa cho chúng. Ước tính hơn 5.000 nắp chai đã bị bọn cướp lấy mất. Hiệp hội Thương hiệu đồ uống Nam Phi đã ra tuyên bố cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng trước rượu giả được đóng trong chai cũ nhưng lại có nắp thật.

Câu chuyện trên lại một lần nữa “châm ngòi” cho nỗi lo rượu giả của người dân Nam Phi. Chưa đầy một năm trước, vào ngày 26/6/2022 đã có 21 thanh niên Nam Phi cùng chết trong một đêm vì rượu giả. Các nạn nhân tuổi từ 13 và 17 là khách hàng của vũ trường Enyonbeni tại khu ngoại ô Scenery Park, thành phố East London. Các em đều là học sinh đi ăn mừng sau khi thi cuối kỳ xong, lại trùng lúc quán bar tổ chức tiệc mừng sinh nhật cho một DJ. Sau khi bữa tiệc bắt đầu được một lúc thì một số người ăn bắt đầu bị đau ngực, nôn mửa, khó thở, mất thị giác.

Không khó để mua được tem nhãn dán vào những chai rượu giả.

Một trong số ít các nạn nhân sống sót sau thảm họa kể lại: “Mọi người đều cố chạy ra ngoài, nhưng mấy ông bảo vệ quán đã đóng hết cửa rồi. Họ còn xịt bình xịt hơi cay vào mặt chúng em. Em bị xịt vào mắt nên không nhìn thấy gì, nhưng nhờ có bạn nắm tay kéo ra ngoài được”.

Đến khi cảnh sát đến được hiện trường thì đã có 17 nạn nhân tử vong. Các em chết gục mặt trên ghế, trên bàn, trên sàn nhảy. 4 nạn nhân khác không may tử vong sau khi đã nhập viện. Những trường hợp còn lại phải ở lại điều trị lâu dài để xử lý các tổn thương nội tạng. Tất cả các em đều có nồng độ chất độc methanol trong máu cao gấp hai, ba lần so với ngưỡng an toàn. Hiện ông chủ vũ trường Enyonbeni và hai bảo vệ đã bị đưa ra tòa vì các tội: Bán rượu giả, bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi, kinh doanh quán bar – vũ trường không phép, và thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trong lễ quốc tang cho các nạn nhân của thảm họa Enyonbeni: “Tội lỗi nằm ở dưới chân những kẻ đang kiếm lời trên ước mơ và mạng sống của thanh thiếu niên Nam Phi bằng việc phá luật bán rượu giả cho các em”. Tổng thống Cyril cũng hứa sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát các quán bar, vũ trường, đồng thời tăng cường lực lượng cho công cuộc chống rượu giả. Đây là những hành động mang tính sống còn với Nam Phi trong bối cảnh lượng đồ uống có cồn được người dân nước này tiêu thụ có xu hướng tăng trong khi tình trạng thanh niên thất nghiệp đã nhảy vọt.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nan-ruou-gia-tran-lan-luc-dia-den-i695719/