Nạn đạo ý tưởng trong mỹ thuật Việt

Trong khi vụ tranh giả, tranh mạo danh các tác phẩm của họa sĩ Phạm An Hải tại Hà Nội vừa qua vẫn chưa được xử lý, thì hàng loạt tác phẩm khác lại tiếp tục bị các họa sĩ tố là đạo ý tưởng.

Bức tranh khắc gỗ Câu chuyện trăm trứng (họa sĩ Đàm Văn Thọ) - bị tố là đạo bức Khỏa thân 5

Sơn mài đạo khắc gỗ

Sáng 5.9, họa sĩ Lê Thế Anh (giảng viên Khoa Thiết kế mỹ thuật, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) đã bức xúc lên tiếng về việc tác phẩm sơn mài An lạc của tác giả Nguyễn Trường An (từng học chuyên khoa mỹ thuật truyền thống, ngành sơn mài tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM) đang được trưng bày tại triển lãm Báo cáo sáng tác mới từ các trại sáng tác 2017 (diễn ra từ ngày 22.8 - 6.9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) là “đã đạo trắng trợn tác phẩm khắc gỗ A di đà Phật của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân”.

“An lạc (gồm 2 bức) đã đạo tới 90% A di đà Phật (gồm 3 bức), chỉ khác chất liệu. Nếu Trường An bê luôn một bức nữa vào thì sẽ đạo tới 100%. Tôi rất khâm phục kỹ thuật khắc gỗ của họa sĩ Khắc Hân. Chỉ bằng hai màu đen trắng, họa sĩ Khắc Hân đã tạo nên được tác phẩm có bố cục rất cân đối, đúng tính chất nhà Phật, đậm chất triết học Á Đông. Còn Trường An lại cắt cúp bố cục tranh và che giấu bằng việc chuyển sang chất liệu sơn mài, song hoàn toàn không hiểu gì về ý nghĩa của tác phẩm gốc”, họa sĩ Lê Thế Anh nói.

Khi được thông tin về sự việc trên, họa sĩ Nguyễn Khắc Hân nhắn tới “kẻ đạo tranh” rằng: “Bạn tự hạ thấp mình quá. Tôi chỉ có điều nhắn nhủ với bạn và những người đang có ý đồ như bạn rằng, hãy làm việc và sáng tạo bằng chính cái đầu và trí tuệ của mình”.

Điều đáng nói là bức tranh khắc gỗ A di đà Phật của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân đã được trao huy chương vàng tại triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015. Còn An lạc đoạt giải đồng hạng (tài trợ sáng tác) với phần thưởng trị giá 5 triệu đồng từ Trại sáng tác 2017 do Hội Mỹ thuật TP.HCM vừa tổ chức. Sau khi nhận thông tin về việc “đạo”, ban tổ chức đã tháo gỡ tác phẩm An lạc khỏi triển lãm và website.

Bức ký họa Khỏa thân 5 (họa sĩ Nguyễn Đình Đăng)

Khắc gỗ đạo ký họa

Cũng trong tháng 8, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng (hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản) đã bức xúc phản ảnh bức ký họa có tên Khỏa thân 5 (do ông vẽ từ năm 2002 bằng bút sắt trên giấy, thuộc bộ 100 ký họa mẫu khỏa thân nữ tại hội vẽ mẫu khỏa thân nữ ở Tokyo, Nhật Bản từ năm 2001 - 2003) đã bị họa sĩ - thạc sĩ mỹ thuật Đàm Văn Thọ đạo lại thành tác phẩm khắc gỗ Câu chuyện trăm trứng, công bố hồi tháng 8.2017.

Điều đáng nói là phần lớn các họa sĩ mặc dù “đạo” tranh của người khác nhưng vẫn khoe lên mạng và cũng vì thế mà bị phát hiện. Tác giả Nguyễn Trường An đăng hình chụp bên cạnh tác phẩm An lạc và đưa lên Facebook vào ngày 22.8 với dòng chú thích “Mình đâu có tệ lắm đâu”. Còn họa sĩ Đàm Văn Thọ thì khoe tác phẩm Câu chuyện trăm trứng lên Facebook ngày 3.8 và lên trang Vietnam Contemporary Art vào tối cùng ngày. Chỉ đến tối 6.8, họa sĩ Đình Đăng mới nhận được tin nhắn của họa sĩ Văn Thọ xin phép sử dụng ký họa nude để làm tranh, song ông đã cương quyết từ chối và yêu cầu gỡ bỏ bức tranh đạo từ ký họa của mình.

Tranh cãi chuyện đạo mô típ tranh nước ngoài

Nhiều họa sĩ cũng xác nhận tình trạng đang thịnh hành là “bùa” tranh nước ngoài thành của mình. Trong khi một số họa sĩ cho rằng điều này là bình thường khi sáng tác theo trường phái data (sử dụng chất liệu có sẵn để phóng tác thành tác phẩm có tính giễu nhại, châm biếm xã hội) thì phần lớn các họa sĩ khác lại khẳng định đây là đạo thực sự.

Trong số đó, bức tranh sơn dầu Cô gái thỏ của họa sĩ Nguyễn Phan Bách (từng bán được 25.000 USD tại phiên đấu giá của Chọn hồi tháng 3.2017) bị nhiều họa sĩ nghi vấn là đạo bức tranh của họa sĩ người Pháp Louis Treserras.

Bức tranh gốc của họa sĩ Pháp Louis Treserras - Ảnh: NVCC

Bức Cô gái thỏ (họa sĩ Nguyễn Phan Bách)-được cho là đạo của tranh họa sĩ Pháp Louis Treserras

Họa sĩ Lê Thế Anh phân tích trong bức tranh gốc tương tự Cô gái thỏ, Louis Treserras vẽ sơn có độ xốp, trong nhìn được các lớp màu, đôi chỗ để trôi chảy giọt sơn (phần nền không gian) nên không gian này có chất gợi nhiều hơn tả (có vẻ Á Đông) với mục tiêu của họa sĩ là làm nổi bật nhân vật chính. “Ông cũng rất kiệm màu, màu của nền và da thịt mẫu gần như chỉ chênh nhau 1 đến 2 độ. Nhưng bức tranh lại không bị nhàm do có hai miếng đậm của màu đen ở mái tóc và mặt bàn. Đặc biệt màu đen và độ vuông vắn của cái bàn khiến da dẻ cô gái trở nên nõn nà (mà không bị bạc) tôn thêm đường cong (sử dụng nguyên lý cứng mềm, đậm nhạt chuẩn). Đương nhiên bức tranh của Bách không được thế, nó mang màu lợt, nhạt nhòa, nhân vật dính luôn vào nền, trong khi ở tranh gốc cô gái vẫn bật ra đằng trước”, họa sĩ Lê Thế Anh phân tích.

Trước những phân tích đó, họa sĩ Nguyễn Phan Bách “bào chữa” rằng bức Cô gái thỏ của anh sáng tác theo trường phái data, thuần về ý niệm, chứ không rõ ràng vẽ về cô gái nào.

“Cái tâm thức “lụy tình” đặt tình lên trên cả lý có lẽ nên xem lại. Nó phá hỏng sự thượng tôn pháp luật. Nó khiến bao vụ ăn cắp diễn ra rồi chìm. Nó khiến họa sĩ chân chính thì mòn tay vẽ mà sống lay lắt còn kẻ chép thì được giải và bán giá cao. Một số vụ ngoài bắc (như vụ tranh giả Phạm An Hải, Đặng Xuân Hòa) khi kẻ cắp đến xin lỗi thì lại cho qua. Lý do là con cái trong nhà. Ấm ức thì kể nhau nghe bên bàn rượu. Theo tôi, như vậy không được. Nó hèn đi, dung túng cái xấu”, họa sĩ Lê Thế Anh nói.

Lucy Nguyễn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nan-dao-y-tuong-trong-my-thuat-viet-872694.html