Nậm Pồ và những bước đi tiên phong

Sau 10 năm thành lập và phát triển, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) xứng đáng với những bước đi tiên phong khi kết cấu hạ tầng giao thông được mở rộng, hệ thống trường lớp được kiên cố hóa và đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số đã thay đổi cách nghĩ, cách làm về phương thức sản xuất. Có được những bước đi tiên phong này không chỉ nhờ vào sự nỗ lực cố gắng của cán bộ và nhân dân, mà còn được tạo bởi công tác điều hành khoa học của các cấp lãnh đạo địa phương.

Tích cực đổi công tác lãnh đạo, điều hành

Đến Nậm Pồ vào một ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nơi đây. Các tuyến đường chính, các công trình trọng điểm đều mang diện mạo khang trang, mới mẻ.

Một góc bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.

Một góc bản du lịch cộng đồng Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ.

Chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay trên mảnh đất này, đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư huyện ủy Nậm Pồ, bộc bạch: Địa phương đang gấp rút hoàn thành những phần việc còn lại để chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. Là huyện miền núi nghèo nhất cả nước, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nên công tác chuẩn bị càng thêm vất vả. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, chúng tôi rất tự hào bởi đó là kết quả nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ các cấp và sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc địa phương. Việc đổi mới về tư duy lãnh đạo và phương pháp điều hành đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của địa phương…

Phụ nữ dân tộc Thái vui múa bên những nếp nhà sàn mới làm.

Phụ nữ dân tộc Thái vui múa bên những nếp nhà sàn mới làm.

Có dịp tìm hiểu về những chia sẻ này, chúng tôi được biết, sau khi Đại hội Đảng bộ huyện Nậm Pồ thành công, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã chủ động xây dựng và ban hành các chương trình hành động, xây dựng nghị quyết chuyên đề sát với tình hình và đặc điểm địa bàn. Căn cứ vào kế hoạch chung, bộ phận chuyên môn tiếp tục xây dựng kế hoạch và lộ trình tổ chức thực hiện gắn với phân công và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân để cùng triển khai, tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện, lấy công tác dân vận Đảng, dân vận chính quyền làm nòng cốt. Đặc biệt, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, địa phương đã thành lập 121 tổ dân vận tại 121 thôn, bản trên toàn huyện. Thông qua 121 tổ dân vận, đường lối của Đảng, chủ trương và các chính sách của Nhà nước được truyền tải đến nhân dân, tạo sự thống nhất trong nếp nghĩ, cách làm.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính (CCHC) cũng được Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện và các phòng ban chuyên môn thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo và ban hành kế hoạch CCHC, phân tích các chỉ số đạt thấp, những yếu tố tồn tại để xây dựng kế hoạch khắc phục cụ thể. Quá trình thực hiện, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn kết hợp gắn trách nhiệm CCHC với việc đánh giá xếp loại công chức, viên chức.

Lãnh đạo và đại diện các ban ngành huyện Nậm Pồ tham quan mô hình cấy lúa mạ khay cho năng suất cao.

Lãnh đạo và đại diện các ban ngành huyện Nậm Pồ tham quan mô hình cấy lúa mạ khay cho năng suất cao.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và phương pháp điều hành khoa học, huyện Nậm Pồ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong quá trình xây dựng và phát triển. Theo Quyết định số 2031/QĐ-UBND, ngày 4-11-2022 của UBND tỉnh Điện Biên, về việc phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên”, có 19 sở, ngành và 10 huyện, thị xã, thành phố nằm trong danh sách xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Trong đó, ở bảng xếp hạng cấp huyện, huyện Nậm Pồ xếp vị trí thứ nhất với Chỉ số cải cách hành chính đạt tỷ lệ trung bình là 85,57%. Năm 2022 là năm thứ ba liên tiếp huyện Nậm Pồ xếp vị trí đứng đầu trong danh sách xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Ưu tiên cao nhất cho lĩnh vực trọng điểm

Sau 10 năm thành lập huyện, những thành quả đạt được ngày nay dẫu chưa phải quá lớn, song đó là nỗ lực cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, UBND huyện Nậm Pồ xác định tiếp tục phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên của cả hệ thống chính trị để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra.

Đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư huyện ủy Nậm Pồ chụp ảnh cùng học sinh mầm non trong chương trình cải thiện bữa ăn sáng từ nguồn xã hội hóa giáo dục.

Đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư huyện ủy Nậm Pồ chụp ảnh cùng học sinh mầm non trong chương trình cải thiện bữa ăn sáng từ nguồn xã hội hóa giáo dục.

Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, kết cấu hạ tầng giao thông đã được nâng cấp, mở rộng tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, người dân có cơ hội giao thương, thông thương giữa các xã trên địa bàn và các địa phương lân cận. Các mặt hàng nông sản được vận chuyển đến các thị trường lớn, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được quanh năm (tăng 40% so với năm 2013). Các tuyến giao thông huyện, xã, bản được bê tông hóa, trung bình trên 25% tỷ lệ tăng bình quân 18% so với năm 2013.

Từ năm 2013 đến năm 2022, huyện Nậm Pồ đã thực hiện sửa chữa 11 cầu treo dân sinh, làm mới 9 cầu treo khác, 2 cầu sắt và 16 cầu cứng; huy động xã hội hóa xây dựng 4 cầu. Nâng cấp mở mới 252,364 km đường giao thông.

Tổ dân vận xã Nà Hỳ vệ sinh môi trường và đường giao thông liên bản.

Tổ dân vận xã Nà Hỳ vệ sinh môi trường và đường giao thông liên bản.

Công tác giáo dục phát triển mạnh mẽ, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng tăng từ 39 lên 45 trường. Toàn huyện đã có 29 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 25 trường so với năm 2013). Cơ sở vật chất trường, lớp cơ bản được kiên cố hóa với 196 phòng học, 298 phòng học bảo đảm "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng), làm mới 127 gian nhà nội trú cho học sinh dân tộc thiểu số, 21 bếp ăn tập thể và 30 sân khấu ngoài trời…

Đáng chú ý, công tác xã hội hóa giáo dục của huyện Nậm Pồ đi đầu phong trào trong những năm qua, đã có 178 nhà lớp học, phòng ở công vụ được nâng cấp và làm mới với tổng trị giá trên 40,3 tỷ đồng; hỗ trợ ăn trưa cho 4.496 học sinh. Năm học 2021 - 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 8,4 tỷ đồng cho ngành giáo dục Nậm Pồ. Bên cạnh đó, huyện Nậm Pồ cũng đẩy mạnh chương trình làm nhà vệ sinh cho học sinh với việc kêu gọi được 6,331 tỷ đồng, làm mới và nâng cấp 213 phòng vệ sinh cho học sinh các cấp. Chương trình “nước cho em” sau khi phát động đã nhận được 516,945 triệu đồng, hiện vật trị giá 181,55 triệu đồng và thực hiện khoan 26 giếng nước, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các trường học. Chương trình “2.000 đồng mỗi ngày cho ngành giáo dục” được phát động rộng rãi và nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Tính đến giữa tháng 6-2023, có 960 lợn đất đã được phát động thu hút 2.316 người tham gia phong trào…

Việc huy động các nguồn lực để thực hiện xã hội hóa hai lĩnh vực then chốt là kết cấu hạ tầng giao thông và đầu tư cho giáo dục được địa phương xác định là mục tiêu giúp người dân thoát nghèo bền vững. Còn đầu tư cho giáo dục là yếu tố mang tính chiến lược lâu dài nhằm thay đổi nhận thức thế hệ tương lai vươn lên làm giàu cho quê hương.

Lãnh đạo và đại diện các ban ngành huyện Nậm Pồ thăm hỏi các gia đình chính sách.

Lãnh đạo và đại diện các ban ngành huyện Nậm Pồ thăm hỏi các gia đình chính sách.

Nói về những kết quả đạt được của chặng đường 10 năm thành lập huyện, đồng chí Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ, khẳng định, thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung sử dụng các nguồn lực một cách căn cơ và bài bản, không lãng phí, không dàn trải, có chọn lọc, thiết thực và mang tính chiến lược lâu dài. Để phát triển lâu dài, bền vững, việc đầu tiên mà chính quyền các cấp thực hiện là tập trung làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân. Đầu tư cho giáo dục và nâng cao chất lượng công tác xã hội hóa cho giáo dục là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu…

Tích cực đổi mới công tác lãnh đạo trong hoạt động điều hành, tập trung ưu tiên phát triển lĩnh vực trọng điểm trên cơ sở phát huy tinh thần đoàn kết, huyện Nậm Pồ sẽ là điểm sáng của tỉnh Điện Biên trong tương lai.

Bài và ảnh: KHÁNH HIẾU và CTV

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nam-po-va-nhung-buoc-di-tien-phong-731938