Nam Phương Hoàng hậu qua góc nhìn báo chí

Qua 'Nam Phương Hoàng hậu - Vị quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (1934 - 1945)', độc giả sẽ hiểu thêm nữa về tầm quan trọng của cuộc hôn phối giữa Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ở thời bấy giờ, từ đó phóng chiếu đến sự thay đổi hướng về hiện đại của triều đình nói riêng và nước Đại Nam nói chung.

Dựa trên tư liệu từ các tờ báo như Tràng An báo, Hà Thành ngọ báo, Điễn tín, Phụ nữ tân văn, Lục tỉnh tân văn… tác giả Lương Hoài Trọng Tính đã khảo sát từ thời điểm Nguyễn Hữu Thị Lan được chọn làm Hoàng hậu, đến khi nhà Nguyễn chính thức cáo chung. Song song cùng đó, người viết cũng dựa vào bộ chính sử như Quốc triều chánh biên toát yếu, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam Hội điển sử lệ… để đưa ra các so sánh và những khác biệt của hôn phối này.

Hoàng hậu Nam Phương (trong tương lai) cầm hoa do bà Hoài Ân Vương phi trao trong đoàn rước dâu chuẩn bị Lễ tấn nội đình. Ảnh: L'Illustration năm 1934

Cuộc hôn nhân đặc biệt

Nhà Nguyễn từ khi trung hưng đến lúc cáo chung đã trải qua 143 năm với 13 vị Hoàng đế. Thế nhưng chỉ có hai Hoàng hậu “chánh vị trung cung”, đó là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu và Nam Phương Hoàng hậu. Theo thông lệ của các quốc gia theo thể chế quân chủ, thì Hoàng đế sau khi đăng quang thường sẽ sách lập một vị Hoàng hậu. Đối với nhà Nguyễn thì chuyện sách lập Hoàng hậu lại khá hiếm hoi.

Có nhiều lý do cho điều này, chẳng hạn trong triều Tự Đức thì nguyên phối của Hoàng đế đã được thăng dần cho đến Hoàng Quý phi rồi lại bị phế làm Trung phi, đến khi Hoàng đế băng hà thì lại có chiếu lập làm Hoàng hậu. Trong khi 4 triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, có triều thì lập chính thất làm Hậu, nhưng có triều vì không còn chính thất nên khuyết danh vị, hay là định lập nhưng lại chưa kịp. Cho đến các triều sau đó, do triều chính lận đận, chính sự phiền hà, Hoàng đế có người bị phế, có người bị đày... nên việc lập Hậu cũng như hậu cung không được duy trì.

Bà Nguyễn Hữu Thị Lan trong ngày tấn cung. Nguồn: Tạp chí Indochine

Đến đời vua Bảo Đại, hôn phối của ông không những đặc biệt vì đã lặp lại lệ xưa từ thời Gia Long là lập chính thất làm Hậu, mà còn bởi sự tiến bộ tương đối độc đáo. Theo đó không như truyền thống Hoàng đế nên duyên sắt cầm từ sớm với Hậu được chọn từ các con cháu của quan trong triều, mà cả Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương đều có phần “Tây”, khi cả hai từng có thời gian du học ở Pháp, đều có lối sống hiện đại cũng như góc nhìn rất khác với những truyền thống trăm năm lưu giữ… và tự nên duyên.

Vì vậy đến thời vua Bảo Đại, có thể coi đây là cặp Đế - Hậu mang tính lịch sử của nhà Nguyễn. Do đó báo chí, tạp chí đương thời luôn rất quan tâm đến cuộc hôn phối. Tác giả Lương Hoài Trọng Tính cho biết vào thời điểm đó báo chí ba kỳ đưa tin một cách liên tục. Có báo tập trung khai thác tiểu sử của bà, nhưng cũng có nơi phân tích sâu hơn ý nghĩa mới của cuộc hôn phối. Chẳng hạn Phụ nữ tân văn thì coi đây là một dấu hiệu mới cho phong trào nữ quyền, trong khi Nam Phong văn học khoa học tạp chí số 194 vào tháng 4 năm 1934 có thêm một bài luận ngắn nói về 5 cái đặc sắc của cuộc hôn phối.

Đó là “hợp phép vệ sinh” khi Kim thượng và Hoàng hậu đều 21 tuổi, học nghiệp thì đã thành tựu mới duyên sắt cầm, ngược hẳn với truyền thống chọn vợ từ sớm và nạn tảo hôn. Ngoài ra còn là “tuyển trạch tự do”, nơi cuộc hôn nhân nhờ duyên mà nên, không ai ngăn ép hay là mai mối. Nó cũng đại diện cho “tinh thần bình đẳng”, “phá thành kiến về tôn giáo” khi mà nền tảng của Kim thượng và Hoàng hậu cách khá xa nhau, một người “trâm anh thế phiệt” và người còn lại vốn xuất thân từ con nhà cự phú.

Tuy sinh trưởng trong gia tộc Nguyễn Hữu Hào giàu có nhưng Nguyễn Hữu Thị Lan khó lòng xếp vào hào môn hay là tướng phủ. Ngoài ra việc bà theo Thiên chúa giáo trong khi Kim thượng vẫn là tín đồ Nho Phật cũng đã cho thấy sự hòa hợp mới. Cuối cùng là “chí quả quyết”, nơi Vua cùng Hậu đã dám cùng nhau đương đầu trước những lề thói lạc hậu, ít nhiều không còn phù hợp.

Bài báo trên tờ Phụ nữ tân văn, số 212, ngày 17 tháng 8 năm 1933. Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Chủ đề nóng hổi

Như vậy dưới con mắt nhìn nhận của giới báo chí, thì cuộc hôn phối của hai vị Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan không chỉ là việc của Đế - Hậu, mà nó còn mang nhiều động thái mới cũng như quyết liệt trong phong trào canh tân tử tưởng.

Ký giả của nhiều tờ báo ở thời đại này coi đó là tin “nóng hổi động trời”, vì đó không chỉ là dịp vui riêng của triều đình, mà còn phản ánh phần nào phong cách, suy nghĩ, định hướng cũng như suy luận về cách cai trị, giao thiệp với chính phủ Bảo hộ của vị Quân chủ nước Nam bấy giờ. Do đó cuộc đại hôn này là một điểm mới trong hôn phối của Hoàng gia nói riêng và cả nước Nam lúc này nói chung.

Điều này cũng được thể hiện ở các bài viết vô cùng chi tiết về các lễ nghi trong ngày Tấn Nội ra mắt Hoàng gia và các đình thần, cũng như lễ Sách lập chính thức trở thành Hoàng hậu của nước Đại Nam và là chính thất của vua Bảo Đại. Giờ giấc, bối cảnh, địa điểm, thứ tự gặp gỡ… đã được tường thuật một cách sống động, cho thấy được tầm quan trọng của các sự kiện. Tại đó thông tin luôn được cập nhật, đăng lên nhanh nhất bởi các ký giả tại “trực chiến” di chuyển từ Bắc Kỳ, Nam Kỳ về Huế để gửi tin vào các tòa soạn.

Hoàng hậu Nam Phương mặc áo dài bông được đón tiếp tại Điện Élyseé vào ngày 6.7.1939 bởi Tổng thống Pháp Albert Lebrun. Nguồn: AP

Do sự chú ý của quần chúng đương thời và cũng một phần vì phương tiện truyền thông báo chí ở cả ba miền bấy giờ tương đối phát triển, do đó tin tức được gửi điện tín, điện thoại hay chậm nhất là qua bưu điện. Điều này rồi cũng sẽ được duy trì sau đó, khi Nam Phương Hoàng hậu đồng hành cùng với Hoàng đế trong các chuyến thị sát, tuần du, ngự giá từ Bắc vô Nam, giao thiệp với chính quyền bảo hộ tại Việt Nam hay sang Pháp… thay vì quanh quẩn chỉ trong nội cung như những triều đại trước.

Theo đó trong những năm tại vị, việc hai người xuất hiện cùng nhau là điều thường thấy. Điều này có thể tương đối phổ biến trong thời hiện đại, thế nhưng một thế kỷ trước thì có thể coi là điều hiếm có, hay như tác giả nhận định là “vô tiền khoáng hậu trong lịch sử 143 năm triều Nguyễn”. Hoàng hậu bấy giờ đã đến gần hơn với các thần dân thông qua công tác từ thiện xã hội, quyên góp, chăm lo nhà phước, khuyến khích giáo dục... Trong những chuyến công cán và ngoại giao, một hình ảnh mới của đất nước ta cũng được thiết lập ở nơi xứ người.

Một số hình ảnh tư liệu về vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Ảnh: flickr manhhai

Về mặt trận ngoại giao, những ghi chép về việc đi lại của phái đoàn ngự giá trên những chặng dừng nơi tàu sang Pháp cũng được báo chí trong nước cũng như ngoài nước đưa tin một cách kịp thời. Ở đó Hoàng hậu cùng với Hoàng đế đã có những chuyến tiếp kiến Ai Cập, Sri Lanka và nhiều nơi khác. Điều này cũng đã cho thấy tuy trong hoàn cảnh là một nước thuộc sự bảo hộ của Pháp, thế nhưng qua sự đón tiếp tương đối long trọng, có thể thấy được phần nào sự trọng thị của những nước này đối với phái đoàn của Hoàng hậu nói riêng và nước Đại Nam nói chung.

Tại Pháp, lúc bấy giờ tuy đang trên danh nghĩa bảo hộ Việt Nam, nhưng cung cách tiếp đón, lễ nghi trịnh trọng đối với Hoàng hậu Nam Phương khi bà đến thăm cũng đã cho thấy vai trò, uy tín của bà, mà một phần cũng bởi thái độ thân thiện, hòa nhã cùng với khí chất thanh cao trên cương vị đại diện cho Đại Nam sang Pháp giao hảo. Cũng tại nơi đây, Nam Phương Hoàng hậu đã có những chuyến thăm viếng đến các Chủng viện, Tu viện, cho thấy sợi dây kết nối tôn giáo của bà vẫn luôn mạnh mẽ.

Đối với trong nước, Hoàng hậu Nam Phương cũng rất quan tâm đến các lĩnh vực xã hội, khi đã liên tục thực hiện các hoạt động thiện nguyện, từ thiện, bảo trợ… Tại Nam Kỳ nơi vốn có chính quyền riêng thuộc Pháp, nhưng Hoàng hậu cũng nhiều lần viếng thăm, trước vì đó là quê hương của bà, sau cũng là để thăm các cơ sở giáo dục, nhà thương, y tế, nhà bảo trợ… từ đó động viên, tặng chi phí hoạt động và an ủi các bệnh nhân đang điều trị, trẻ em mồ côi, người già neo đơn…

Bìa sách Nam Phương Hoàng Hậu qua Tư liệu báo chí 1934 - 1945. Ảnh: NXB Tổng hợp

Tại Trung Kỳ bà cũng quan tâm đến giáo dục nữ giới, khi có những chuyến đến trường Đồng Khánh và trao những khoản tài trợ. Đối với giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1929 – 1930, bà cũng chăm lo đến làn sóng di cư lập nghiệp của người miền Bắc vào các nơi phát triển như Đà Lạt, từ đó tìm cách hỗ trợ điều kiện sinh sống, khai thác những khu vực mới và tạo sinh kế cho những người này. Hoàng hậu cũng quan tâm đến mảng giáo dục cho người dân tộc thiểu số tại đây, để xây dựng thêm những cơ sở giáo dục và y tế, thể hiện một sự gần gũi của triều đình đến vùng đất mới Đà Lạt.

Từ những điều trên có thể thấy rằng thông qua báo chí, hình tượng của vị Hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn hiện lên rất khác, vừa hiện đại, thoát ly khỏi những lề thói lạc hậu trói buộc; nhưng cũng nền nã, dịu dàng khi lui về phía sau để làm chỗ dựa vững chắc cho Hoàng đế trong công việc và đời sống. Bằng các góc nhìn mang tính khách quan, Nam Phương Hoàng Hậu - Vị quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (1934 - 1945) đã góp thêm góc nhìn khác về vị quốc mẫu tuy chỉ tại vị khoảng hơn 10 năm, nhưng đã để lại những ấn tượng lớn.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nam-phuong-hoang-hau-qua-goc-nhin-bao-chi-40899.html