Nam Phi cân nhắc đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng bằng than đá

Nam Phi, quốc gia đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng, đang cân nhắc khả năng kéo dài tuổi thọ hoạt động của hai trong số các nhà máy điện chạy bằng than lớn nhất đất nước để tăng cường an ninh năng lượng, Bloomberg trích dẫn.

Theo các nguồn tin của Bloomberg, các nhà máy Kendal và Lethabo, chiếm khoảng 1/5 công suất điện của công ty điện lực nhà nước Eskom, có thể được kéo dài tuổi thọ.

Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện than có thể là một thách thức đối với cả kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của Eskom và Nam Phi đang gặp khó khăn về tài chính.

Hiện tại, hai nhà máy này dự kiến sẽ ngừng hoạt động sau năm 2035.

 Than đá được coi là nhiên liệu ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Oilprice.

Than đá được coi là nhiên liệu ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: Oilprice.

Chính phủ vẫn đang đánh giá liệu có nên cho phép mở rộng hoạt động của các nhà máy hay không, cân nhắc giữa an ninh năng lượng với các cam kết cắt giảm khí thải.

Than là nguồn năng lượng chính của Nam Phi, chiếm khoảng 80% hỗn hợp năng lượng của đất nước. Đất nước này cũng là nước xuất khẩu than lớn thứ năm thế giới.

Tuy nhiên Nam Phi đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng với việc cắt điện hàng ngày làm tê liệt nền kinh tế, vì công ty nhà nước Eskom đã không thể tăng công suất phát điện để theo kịp nhu cầu ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Chính phủ Nam Phi gần đây đã bắt đầu thúc đẩy sản xuất điện tái tạo nhiều hơn.

Tháng trước, Nam Phi đã đưa ra yêu cầu đầu tiên mời các đề xuất mua sắm năng lượng tái tạo với công suất 3.740 megawatt (MW) trong chương trình lớn nhất như vậy ở Châu Phi.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng xứ cờ hoa hỗ trợ Nam Phi chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và sẽ giúp huy động tài chính từ khu vực tư nhân để hỗ trợ quốc gia phụ thuộc vào than đá.

Than đá là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, việc đốt than đá phát thải khí nhà kính, yếu tố tác động lớn nhất tới biến đổi khí hậu. Do đó, việc giảm khai thác than trên thế giới được coi là hành động quan trọng để đạt được các mục tiêu khí hậu đã được thống nhất trên toàn cầu.

Từ năm 2022, để thay thế khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, Ba Lan và Đức buộc phải huy động nhiệt điện dùng than. Ngoài ra, nước Đức nhập khẩu tới 60 triệu tấn than. Thị trường than sôi động trở lại từ khi chiến sự bùng phát bất ngờ mang lại lợi nhuận siêu ngạch cho Thụy Sĩ.

Điệp Nguyễn (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-phi-can-nhac-doi-pho-voi-cuoc-khung-hoang-nang-luong-bang-than-da-post249006.html