Năm học mới và thách thức cũ

Ngành giáo dục đã bước vào năm học mới 2023-2024 với tiếng trống tựu trường vang lên từ cuối tháng 8 nhưng những thách thức cũ thì vẫn còn nhiều. Đó là thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, thiếu cơ chế-bài toán đã tồn tại nhiều năm và ngày càng phức tạp.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu giáo viên, nhưng vẫn còn thiếu 118.253 người so với nhu cầu. Trong đó, mầm non là bậc học thiếu giáo viên trầm trọng nhất, gần 52.000 người, chiếm hơn 50% so với tổng số giáo viên đang thiếu của toàn ngành. Bậc tiểu học thiếu hơn 33.000 giáo viên, bậc THCS thiếu hơn 19.300 người, con số này ở bậc THPT là gần 13.900 người.

Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên do số học sinh đến trường không ngừng tăng lên ở tất cả các cấp học. Chỉ tính riêng bậc học mầm non, năm học 2022-2023, nhu cầu giáo viên do tăng số trẻ đã là 5.500 người. Ở bậc tiểu học, cần thêm 1.500 người để đáp ứng việc chuyển từ dạy học 1 buổi/ngày sang 2 buổi/ngày và dạy các môn học mới là Tin học, Ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở cấp THCS và THPT, nhu cầu giáo viên cũng đều tăng. Trong khi đó, năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 10.000 người nghỉ hưu và gần 9.300 người nghỉ việc.
Năm học mới và thách thức cũ

Giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) tặng quà học sinh lớp 1 trong ngày đầu tiên đến trường

Nếu ở bậc mầm non, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp nhất là khu vực miền núi phía Bắc thì ở các bậc học còn lại, “vùng trũng” là khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Giáo viên thiếu, mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dù đã được đầu tư nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều địa phương vùng khó khăn vẫn còn tình trạng học nhờ, học tạm, thiếu công trình cơ bản như nhà vệ sinh, nước sạch, nhà công vụ giáo viên.

Trong khi đó, ở các thành phố lớn lại thiếu quỹ đất cho giáo dục, lớp học quá tải sĩ số. Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ giáo dục còn chậm, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy và học trong các nhà trường. 71,7% tỉnh, thành phố cho biết thiếu kinh phí; gần 42% cho hay gặp khó khăn trong xác định đơn giá để lập dự toán; hơn 25% khó khăn khi thẩm định giá; 21% bị vướng vì quy trình thủ tục...

Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất là vấn đề của ngành giáo dục đã tồn tại hàng chục năm qua. Trong nhiệm kỳ của mình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã nhận định ngành giáo dục chưa đủ điều kiện tối thiểu để dạy và học. Thiếu nhân lực, vật lực, lại phải thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, áp lực lên đội ngũ cán bộ, nhà giáo là rất lớn, nhưng thu nhập chưa tương xứng. Tăng lương cho giáo viên cũng là vấn đề đã được đặt ra hàng chục năm qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện với rất nhiều kỳ vọng trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ. Giáo viên và cơ sở vật chất là hai yếu tố cốt lõi quyết định thành công của đổi mới, nhưng lại là hai vấn đề mà ngành giáo dục không được quản. Đó là thách thức cũ đặt ra trong năm học mới mà tự thân ngành giáo dục khó giải quyết nếu thiếu sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các địa phương.

Theo qdnd.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202309/nam-hoc-moi-va-thach-thuc-cu-989203/