Năm học mới và nỗi lo cũ

Các khoản thu đầu năm học là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, kiên quyết chống lạm thu từ ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang, các trường, các cơ sở giáo dục (CSGD) đã có những tính toán, cân nhắc đối với những khoản thu đầu năm học mới.CÁC KHOẢN THU NÀO ĐƯỢC THU?

Học sinh Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, TP. Mỹ Tho đầu năm học mới.

Các khoản thu đầu năm học mới là câu chuyện không bao giờ cũ và luôn nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Kim Thư, nhà ở Phường 5, TP. Mỹ Tho, có 2 con đang học ở một trường tiểu học tại TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Đến hẹn lại lên, năm nào đi họp, phụ huynh cũng nghe chống lạm thu. Tuy nhiên, đến với cuộc họp phụ huynh đầu năm, sau khi nghe thông báo các khoản thu đầu năm, đặc biệt là các khoản kêu gọi tự nguyện… Tôi nghĩ rằng, nhà trường chỉ thu đúng, thu đủ theo quy định chứ không nên phát sinh thêm các khoản thu khác…”.

Trước tình trạng lạm thu xảy ra ở nhiều đơn vị trường học, trong mỗi đầu năm học, Bộ GD-ĐT đề nghị Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học.

Theo ngành GD-ĐT Tiền Giang, vấn đề các khoản thu trong trường học, Sở GD-ĐT và Sở Tài chính đã có văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong CSGD và định mức thu, chi trả tiền dạy Tiếng Anh tăng cường bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, có các khoản thu chính bao gồm: Thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; các khoản thu tiền của lớp bán trú như tiền ăn của học sinh, tiền phụ phí (xà phòng, giấy vệ sinh, khăn, nước…), tiền công bảo mẫu, cấp dưỡng; các khoản mua sắm đồ dùng học tập, phục vụ bậc học mầm non; quần áo đồng phục, quần áo thể dục. Các khoản thu này được các trường chỉ đạo tiến hành thực hiện khi đã ổn định biên chế lớp học, thông báo rộng rãi, công khai và được sự thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, minh bạch với phụ huynh học sinh. Việc thu, chi phải đảm bảo đúng nguyên tắc, nội dung, đúng mục đích và tiết kiệm.

Theo Sở GD-ĐT, về vấn đề học phí, hiện các CSGD tạm thời chưa thu, chờ hướng dẫn của cấp trên. Tuy nhiên, trên tinh thần chỉ đạo từ Chính phủ, trong năm học 2023 - 2024, mức thu học phí sẽ theo hướng giữ nguyên, không tăng so với năm học trước.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, mức thu học phí năm trước phụ huynh có thể tham khảo: Đối với cấp học mầm non học 2 buổi/ngày trên địa bàn phường, thị trấn là 133.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã là 66.000 đồng/học sinh/tháng; đối với lớp học 1 buổi trên địa bàn phường, thị trấn là 66.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 33.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với bậc THCS trên địa bàn phường, thị trấn là 66.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 44.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với bậc THPT trên địa bàn phường, thị trấn là 99.000 đồng/học sinh/tháng, trên địa bàn xã 66.000 đồng/học sinh/tháng.

CÔNG TÁC BÁN TRÚ ĐI VÀO NỀN NẾP

Ngay sau khi khai giảng, các CSGD trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bước vào tuần lễ học tập đầu tiên. Cùng với công tác dạy và học, các trường mầm non, tiểu học cũng đã triển khai công tác bán trú năm học 2023 - 2024. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 208 CSGD có bếp ăn tập thể, trong đó có 178 bếp ăn tại trường mầm non công lập, 29 bếp ăn tại trường tiểu học, 1 bếp ăn tại trường THCS. Từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay, công tác bán trú tại các trường đã đi vào nền nếp ổn định.

Đối với TP. Mỹ Tho là địa phương có số trường tổ chức bán trú khá đông, cụ thể có 30 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 1 trường THCS. Trong mỗi năm học, ngành Giáo dục và ngành Y tế phối hợp tổ chức kiểm tra công tác tổ chức bếp ăn bán trú tại các CSGD; để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường thực hiện đúng những quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương, TP. Mỹ Tho Tô Thị Bảy cho biết: “Để bước vào năm học mới, bên cạnh chuẩn bị cho việc dạy và học, trường đã chuẩn bị công tác bán trú rất kỹ như: Lau dọn sạch sẽ dụng cụ, đồ dùng, trang bị mới những thiết bị bán trú đã hư hỏng…; quan trọng hơn là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực phẩm nhập vào phải đảm bảo an toàn, vệ sinh với các yêu cầu: Tươi sống, giàu chất dinh dưỡng. Khu nhà bếp luôn đảm bảo sạch sẽ, dụng cụ, đồ dùng đều được vệ sinh, khử khuẩn…”.

Phó Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang cho biết: Trong các cấp học, mầm non có số lượng trường bán trú đông nhất với 178/188 trường. Trong mỗi năm học, về phía góc độ chuyên môn đã thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các trường, đặc biệt là các trường có tổ chức bán trú không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn và yêu cầu về vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; trong đó lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi… Tất cả trên tinh thần đảm bảo an toàn, khỏe mạnh cho trẻ mầm non.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202309/nam-hoc-moi-va-noi-lo-cu-989557/