Nam Định: TAND huyện không tuân thủ Bộ luật Tố tụng Dân sự

Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án: “Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ" TAND huyện Trực Ninh, đã không tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và áp dụng sai nội dung.

Trong quá trình thụ lý, giải quyết, xét xử vụ án: “Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Uy và bị đơn là ông Trần Quang Úy (tên gọi khác Trần Văn Úy) cùng địa chỉ xóm Cường Sơn, xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trực Ninh, đã không tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự và áp dụng sai pháp luật nội dung.

Điều trước tiên ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy một trong những việc chưa tuân thủ đúng các quy định Bộ luật Tố tụng Dân sự của TAND huyện Trực Ninh là: Trong Đơn khởi kiện đề ngày 09/7/2014 của ông Trần Văn Uy (nguyên đơn) nộp cho Tòa đã không nêu ra bất cứ một vấn đề cụ thể nào để yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, mà ông Uy chỉ nêu: Nay tôi xin trình đơn khởi kiện kính mong quý Tòa giải quyết, giúp đỡ. Vậy nguyên đơn yêu cầu Tòa án giúp đỡ cái gì? Tại sao Tòa chưa làm rõ? Hay yêu cầu không cần phải đưa ra?

Thửa đất của gia đình ông Trần Văn Uy đang bị tranh chấp.

Một điều nữa là TAND huyện Trực Ninh không những đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi thụ lý vụ án, mà còn áp dụng sai văn bản Pháp luật nội dung như: Ở phần Quyết định của Bản án, TAND huyện Trực Ninh chỉ ghi chung chung là áp dụng các Điều 389, 401, 697, 699, 700 Bộ Luật dân sự mà không ghi rõ Bộ Luật dân sự năm 1995 hay 2005?

Nếu TAND huyện Trực Ninh áp dụng các điều này của Bộ Luật dân sự năm 1995 thì khả năng này không xảy ra vì Điều 699, 700 Bộ Luật dân sự năm 1995 quy định về Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất chứ không phải Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; còn nếu áp dụng các điều đó của Bộ Luật dân sự năm 2005 thì dẫn đến việc TAND huyện Trực Ninh đã áp dụng sai Pháp luật nội dung.

Từ việc áp dụng sai pháp luật nội dung cộng với việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa khách quan, thiếu chính xác … dẫn đến việc Bản án đã: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Trần Văn Uy, buộc vợ chồng bị đơn Trần Văn Úy phải thực hiện Hợp đồng; không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu tuyên hủy Hợp đồng do vô hiệu.

Như vậy, những phán quyết trong Bản án sơ thẩm số 08/2016/DS-ST ngày 23/9/2016 của TAND huyện Trực Ninh là không đúng với quy định của Pháp luật. Bởi lẽ:

Thứ nhất: Theo nội dung của cả 2 bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do ông Uy cung cấp cho TAND huyện Trực Ninh thì thửa đất chuyển nhượng ở đây là thửa đất số 390, tờ bản đồ số 1 xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định của ông Hiếng chứ không phải là thửa đất số 2947, tờ bản đồ số 5 xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định của vợ chồng ông Úy.

Cho nên, TAND huyện Trực Ninh ra phán quyết chấp nhận yêu cầu Khởi kiện của ông Trần Văn Uy, buộc vợ chồng ông Trần Văn Úy phải thực hiện Hợp đồng. Điều này có nghĩa là buộc vợ chồng ông Úy phải chuyển nhượng thửa đất không phải của mình cho vợ chồng ông Uy, bà Tuyến. Tệ hại hơn, “Phán quyết” này vô hình dung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hiếng - Chủ sử dụng thửa đất số 390, tờ bản đồ số 1.

Thứ hai: Giả sử thửa đất chuyển nhượng trong cả 2 bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do ông Uy cung cấp cho TAND huyện Trực Ninh là thửa đất số 2947, tờ bản đồ số 5 xã Trực Đại, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định của vợ chồng ông Úy chứ không phải thửa đất số 390, tờ bản đồ số 1 của ông Hiếng thì đúng ra, TAND huyện Trực Ninh phải xác định 195 m 2 đất thuộc thửa đất số 2947, tờ bản đồ số 5 là tài sản chung của vợ chồng ông Úy và theo quy định của Pháp luật thì bà Hoàng Thị Thảo (vợ ông Úy) phải có một nửa diện tích đất 97,5 m 2 trong khối tài sản chung 195 m 2 đất của hai vợ chồng ông Úy.

Điều hết sức khó hiểu trong cả 2 Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dưới mục “Bên chuyển nhượng” (Vợ hoặc chồng) đều không có chữ ký của bà Hoàng Thị Thảo mà chỉ có chữ viết “Hoàng Thị Thảo”. Vậy chữ viết “Hoàng Thị Thảo” dưới mục “Bên chuyển nhượng” (Vợ hoặc chồng) trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có phải do bà Hoàng Thị Thảo (vợ ông Úy) viết ra hay không?

Trong khi Kết luận giám định số 279/GĐKTHS ngày 05/10/2015 của Phòng Kỹ thuật Hình sự - Công an tỉnh Nam Định đã kết luận rõ:“Không đủ cơ sở kết luận chữ viết “Hoàng Thị Thảo” dưới mục “Bên chuyển nhượng” (Vợ hoặc chồng) trên tài liệu cần giám định (Ký hiệu A) so với chữ viết của bà Hoàng Thị Thảo trên tài liệu mẫu (Ký hiệu M1, M2, M3, M4)”.

Qua đây cho thấy: Bà Hoàng Thị Thảo (vợ ông Úy) không ký, không viết vào Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nghĩa là bà Hoàng Thị Thảo không chuyển nhượng 97,5m 2 đất của mình trong khối tài sản chung 195 m 2 đất của hai vợ chồng ông Úy, bà Thảo cho vợ chồng ông Uy, bà Tuyến.

Thế mà, không hiểu TAND huyện Trực Ninh căn cứ vào đâu lại ra phán quyết chấp nhân yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Uy, buộc vợ chồng ông Úy phải thực hiện Hợp đồng?

Tại sao TAND huyện Trực Ninh lại ban cho mình cái quyền buộc bà Thảo phải chuyển nhượng cho vợ chồng ông Uy, bà Tuyến 97,5m 2 đất của bà Thảo (vợ ông Úy) trong khi bà Thảo không ký, không viết vào Hợp đồng chuyển nhượng. Rõ ràng, phán quyết này của TAND huyện Trực Ninh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền định đoạt của chủ sử dụng đất là bà Hoàng Thị Thảo được Pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Thứ ba: Về hình thức của Hợp đồng - Trong cả 2 bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do ông Uy cung cấp cho TAND huyện Trực Ninh đều không ghi ngày, tháng, năm ký kết Hợp đồng. - Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 691 Bộ Luật dân sự năm 1995. - Tại mục 3, phần III của cả 02 bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có nội dung: “Hợp đồng lập tại… và có hiệu lực kể từ ngày UBND huyện xác nhận được chuyển nhượng”.

Nhưng trên thực tế, cả 2 bản Hợp đồng chuyển nhượng mà nguyên đơn Trần Văn Uy cung cấp cho Tòa án đều không có xác nhận của UBND huyện. Cho nên, theo cam kết tại mục 3, phần III của Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì Hợp đồng này chưa phát sinh hiệu lực.

Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ như thế này, mà Tòa vẫn tuyên tiếp tục thực hiện Hợp đồng.

Lẽ ra, Bản án sơ thẩm số 08/2016/DS-ST ngày 23/9/2016 của TAND huyện Trực Ninh phải tuyên hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng Tòa lại tuyên tiếp tục thực hiện Hợp đồng trong khi Hợp đồng đó đã vô hiệu cả về mặt nội dung và hình thức.

Với những phân tích trên đây, chúng tôi đề nghị các cơ quan Bảo vệ Pháp luật tỉnh Nam Định xem xét việc tuân thủ và áp dụng pháp luật trong quá trình thụ lý, giải quyết và xét xử vụ án “Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” của TAND huyện Trực Ninh nhằm đảm bảo việc xét xử khách quan, công bằng và đúng luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ án này.

Nhóm PV Điều tra/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nam-dinh-tand-huyen-khong-tuan-thu-bo-luat-to-tung-dan-su-p42047.html