Năm đầu tự chủ ngân sách: Vượt thách thức để thành công

2023 là năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên được giao tự cân đối ngân sách địa phương, đồng thời điều tiết 4% đối với các khoản thu phân chia theo quy định về ngân sách Trung ương.

Việc tổ chức thành công hàng chục phiên đấu giá quyền sử dụng đất hồi cuối tháng 12-2023 đã góp phần giúp thu ngân sách của tỉnh năm qua hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.

Theo dự toán Bộ Tài chính giao, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh năm 2023 là 19.564 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao là 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 9-2023, toàn tỉnh mới thu được 11.325 tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 84,4% cùng kỳ năm 2022.

Đây là năm tỉnh có số thu thực hiện đến hết tháng 9 thấp nhất so với kế hoạch năm trong hàng chục năm trở lại đây. Trong khi đó, nền kinh tế lại chưa có nhiều dấu hiệu tích cực trở lại nên dù đã bước sang tháng 10, các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn không tránh khỏi những lo ngại về việc khó hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, 2 nguồn thu có dự toán giao lớn nhưng tỷ lệ hoàn thành khá khiêm tốn là thu tiền sử dụng đất và thu thuế xuất nhập khẩu (XNK).

Cụ thể, đối với nguồn thu sử dụng đất, đến hết quý III/2023, Thái Nguyên mới đạt 1.351 tỷ đồng, bằng 28,2% dự toán cả năm và bằng 50,1% cùng kỳ 2022. Thu từ hoạt động XNK đạt 1.953 tỷ đồng, bằng 63,2% dự toán, bằng 79,4% cùng kỳ năm trước và theo tính toán, nguồn thu này sẽ thiếu hụt khoảng 500-600 tỷ đồng so với kế hoạch.

Do đó, để hoàn thành toàn diện chỉ tiêu thu thì nguồn nội địa “có trách nhiệm” bù đắp cho phần hụt thu này. Đây được xem là bài toán không hề đơn giản đối với cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh, đặc biệt là ngành Thuế.

Công chức Chi cục Thuế TP. Thái Nguyên làm việc với người kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Shopee để kê khai việc nộp thuế.

Có nhiều nguyên nhân khiến công tác thu ngân sách của tỉnh gặp khó. Phần lớn doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng khó khăn, khi thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm… Trong đó, lĩnh vực điện tử và sản xuất công nghiệp - khai khoáng chịu nhiều tác động hơn cả. Trong khi đây lại là những ngành nghề, lĩnh vực đóng góp trọng yếu vào sự phát triển chung của tỉnh, cũng như chỉ tiêu nộp NSNN. Riêng lĩnh vực điện tử, doanh thu trong năm 2023 giảm tới trên 5 tỷ USD so với năm trước.

Nguyên nhân thứ hai là thị trường bất động sản không còn sôi động, các giao dịch, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn giảm. Do đó, thu tiền sử dụng đất và các khoản thu từ giao dịch mua bán đối với lĩnh vực này như lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân giảm sâu so với năm 2022.

Ngoài ra, việc nhiều chính sách giảm, giãn thuế được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển được ban hành sau thời điểm đã giao dự toán, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác thu ngân sách.

Có thể kể đến như chính sách giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu; giảm 30% tiền thuê đất của năm 2022, 2023; giảm 2% thuế GTGT đối với các mặt hàng chịu thuế suất 10%; giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước... Từ đó dẫn đến ước thu ngân sách giảm trên 500 tỷ đồng.

Việc ngành Thuế động viên các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu nhập hàng từ các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước tại tỉnh đã giúp bù đắp phần nào sự thiếu hụt đối với khoản thu thuế bảo vệ môi trường. Ảnh: Minh họa

Việc hoàn thành dự toán được giao năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, giúp tỉnh có đủ nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách an sinh xã hội. Hơn nữa, đây lại là năm đầu tiên Thái Nguyên “tự cân đối”.

Vì thế, tại nhiều cuộc họp với các sở, ngành, địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng nhiều lần nhấn mạnh: "Bằng mọi giải pháp, phải thực hiện cho được chỉ tiêu thu ngân sách".

Trước thực tế này, đã có nhiều giải pháp được các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đưa ra. Trong đó, Cục Thuế tỉnh - cơ quan chịu trách nhiệm chính trong thực hiện nhiệm vụ thu - đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp với các địa phương và ngành chức năng để đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất; đề xuất giao thêm chỉ tiêu đối với những địa phương có khả năng để bù đắp cho các nơi có nguy cơ thiếu hụt.

Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh cũng làm việc với chủ đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị để tháo gỡ khó khăn, động viên, đôn đốc kịp thời DN nộp NSNN; làm việc với các DN kinh doanh xăng, dầu nhằm động viên các đơn vị có giải pháp để thực hiện nghĩa vụ đối với NSNN tại tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc kê khai thực hiện nghĩa vụ với NSNN của người nộp thuế (tổng số tiền kiến nghị xử lý qua hoạt động này đạt gần 300 tỷ đồng)…

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường: Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp rất nhiều khó khăn thì với những giải pháp quyết liệt đã thực hiện, kết quả thu ngân sách năm 2023 cho thấy quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.

Năm 2024, thu ngân sách nhà nước của tỉnh được HĐND tỉnh giao 19.515 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 17.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.500 tỷ đồng; thu viện trợ 15 tỷ đồng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202402/nam-dau-tu-chu-ngan-sach-vuot-thach-thuc-de-thanh-cong-04c2a27/