'Nắm đấm thép' phòng chống tội phạm trên toàn tuyến biên giới Tây Nam

Tình hình tội phạm và buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam luôn 'nóng', nhất là thời điểm cuối năm. Các lực lượng của ta chủ động phối hợp với phía Campuchia để ngăn ngừa từ xa tội phạm trên đường biên, nhất là tội phạm buôn lậu, vận chuyển ma túy xuyên biên giới.

Trên tuyến biên giới Tây Nam và vùng nội địa giáp ranh đường biên với Campuchia, các lực lượng biên phòng, công an, hải quan đang sử dụng giải pháp "nắm đấm thép" để trấn áp hiệu quả các loại tội phạm.

Các lực lượng chủ động phối hợp với phía Campuchia để ngăn ngừa từ xa tội phạm trên đường biên, nhất là tội phạm buôn lậu, vận chuyển ma túy xuyên biên giới.

Lực lượng liên ngành tạo điều kiện thông quan hàng hóa, giám sát chặt chẽ phương tiện qua Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, Long An (Ảnh Nguyễn Quang)

Ngăn ngừa người dân tiếp tay buôn lậu

Tỉnh Long An có đường biên giới tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng, Pray Veng, Campuchia với tổng chiều dài trên 132 km, đi qua 20 xã của các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Trong đó có 43,6 km đường biên giới theo sông rạch, số còn lại là đất liền. Toàn tuyến có 5 cửa khẩu cùng nhiều đường mòn, lối mở thông thương qua lại biên giới.

So với mọi năm, cao điểm Tết năm nay, tình hình tội phạm hoạt động trên tuyến biên giới Tây Nam, trong đó có địa bàn Long An tiếp tục diễn biến phức tạp. Khu vực đường biên Long An, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ buôn lậu hàng cấm, pháo nổ, thuốc lá…Đồng thời, ghi nhận tình trạng này có sự tiếp tay của nhiều người dân địa phương.

Thiếu tá Nguyễn Hùng Cường, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Sông Trăng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An cho biết: "Điều kiện qua lại của bà con dễ nên thường bị lợi dụng. Sông hai bờ chỉ hơn 10m, nên có gì xảy ra là nhảy xuống sông. Bà con cứ nghĩ kiếm đồng nào hay đồng đó, ngoài pháo thì vận chuyển bao đường, vài bao thuốc… Điều kiện sống khó khăn, chính vì vậy bà con dễ bị lợi dụng để vận chuyển thuê, mỗi chuyến lấy tiền từ 300.000- 500.000 đồng".

Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Thuận, Phó Trưởng Công an huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, không chỉ tình trạng buôn lậu hàng cấm, thời điểm này, tình trạng người dân tiếp tay vận chuyển lậu hàng tiêu dùng, thuốc lá qua biên giới tiếp tục “nóng”.

Siết chặt hoạt động tuần tra trên tuyến biên giới Tây Nam (Ảnh Nguyễn Quang)

Từ ngày 1/10 đến 27/12, riêng Công an huyện Đức Huệ đã phát hiện bắt giữ hơn 70 vụ buôn lậu với 13 đối tượng, thu giữ gần 230.000 gói thuốc lá và nhiều loại hàng hóa khác như bia, nước ngọt, mỹ phẩm…Trong đó có hơn 40 mô tô, xuồng máy của người dân địa phương dùng để vận chuyển hàng lậu.

Để ngăn ngừa tình trạng này, cùng với triển khai lực lượng đánh bắt, lực lượng liên ngành đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, chăm lo an sinh để người dân biên giới đồng lòng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Thượng tá Nguyễn Quốc Thuận cho biết, Công an huyện Đức Huệ đang cùng với các lực lượng liên ngành trên tuyến biên giới tiếp tục tập trung tuyên truyền vận động người dân không tiếp tay cho đối tượng tội phạm. Địa phương cũng đã chỉ đạo lực lượng từ huyện đến các xã biên giới tăng cường lực lượng tuần tra, phòng ngừa để ngăn chặn các hành vi này.

“Nắm đấm thép” xuyên biên giới

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia dài khoảng 1.137 km, 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với 9 tỉnh biên giới Campuchia. Bên cạnh những thuận lợi về giao thương thì các hoạt động buôn lậu hàng hóa, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia vào Việt Nam cũng phức tạp.

Các lực lượng thường xuyên phối hợp cấp ủy, chính quyền tại cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân dọc biên giới (Ảnh Nguyễn Quang)

Theo Bộ Công an, ma túy được mua bán, vận chuyển từ các tỉnh Kampong Cham, Prey Veng, Svay Rieng vào tỉnh Tây Ninh. Một số đường dây khác vận chuyển trái phép qua tuyến đường mòn dọc biên giới khu vực Tây Nguyên; qua các cửa khẩu Hoàng Diệu, Hoa Lư, tỉnh Bình Phước; qua biên giới thuộc các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đưa vào nội địa tiêu thụ. Không ồ ạt như các mặt hàng khác, ma túy thẩm lậu vào nội địa âm thầm, tinh vi, đòi hỏi công tác đấu tranh triệt phá phải linh hoạt, hiệu quả và không khoan nhượng.

Tại biên giới Tây Nam, việc phòng chống tội phạm ma túy và buôn lậu vô cùng khó khăn, đòi hỏi có sự phối hợp nhịp nhàng từ phía nước bạn Campuchia.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, khu vực này có rất nhiều người Việt sinh sống làm ăn. Trong đó có cả tội phạm và đối tượng vi phạm pháp luật bỏ trốn sang Campuchia ở tại các sòng bạc. Quý 1/2024, Trung tướng Nguyễn Văn Viện làm trưởng đoàn sẽ sang Campuchia làm việc và khảo sát một số tuyến biên giới với các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang và An Giang để có kế hoạch phối hợp sâu hơn nữa…Trong những ngày tới sẽ cử nhiều đoàn sang phối hợp, đặc biệt là những tỉnh giáp biên giữa 2 nước.

Áp dụng "nắm đấm thép" với các loại tội phạm trên tuyến biên giới (Ảnh Biên phòng Long An)

Đại tướng Khing Sarat, Cục trưởng Cục Chống tội phạm ma túy, Tổng cục Công an quốc gia, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an Việt Nam duy trì đường dây nóng và phối hợp đấu tranh chuyên án chung; nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như thành lập thêm các văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) của hai quốc gia tại các tỉnh. Cùng với tăng cường thực thi pháp luật, Việt Nam cũng chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy nói chung, đặc biệt là quan hệ hợp tác giữa các nước láng giềng nói riêng và coi đây là đòi hỏi thực tế khách quan.

"Phía Việt Nam trong đó đã có sự hỗ trợ về kỹ thuật, về thiết bị công nghệ cao, đặc biệt là sự trao đổi thông tin kịp thời để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ, giúp phía Campuchia phối hợp và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm", Đại tướng Khing Sarat cho biết.

Tình hình tội phạm và buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam luôn “nóng”, nhất là thời điểm cuối năm. Trong khi đó, những đặc thù về địa lý tại các tỉnh đang là khó khăn lớn nhất khiến cho cuộc chiến chống tội phạm và buôn lậu luôn cam go và nhiều thách thức đối với lực lượng liên ngành. Việc thắt chặt quản lý đường biên với sự phối hợp từ nước bạn Campuchia là cách đấu tranh, ngăn ngừa hiệu quả các loại tội phạm trước thềm cao điểm Tết Nguyên đán 2024.

Nguyễn Quang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/nam-dam-thep-phong-chong-toi-pham-tren-toan-tuyen-bien-gioi-tay-nam-post1068249.vov