Năm 2024, giá điện sẽ tiếp tục 'leo thang'?

Lý do giá điện chỉ tăng mà không giảm được EVN giải thích là do phải mua điện giá cao. Dự báo trong năm nay, giá điện có thể tiếp tục được điều chỉnh tăng khi EVN vẫn thua lỗ chục nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2023, giá bán lẻ điện được điều chỉnh 2 lần (tăng 3% từ 4/5 và tăng 4,5% từ 9/11), do đó giá bán lẻ điện bình quân cả năm 2023 ước đạt 1.950 đồng/kWh, tăng 68,22 đồng/kWh so với năm 2022.

Lý do khiến giá điện vẫn chỉ tăng mà khó giảm

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86%, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 04/5/2023 và ngày 09/11/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Giá điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, giá điện tăng chưa tác động nhiều vào chỉ số CPI 2023, nhưng sẽ được thể hiện rõ trong năm 2024. "Chưa kể, nhiều khả năng giá điện sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong năm nay. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện dự báo tăng lên, một phần do thời tiết diễn biến cực đoan", bà đánh giá.

Thực tế, EVN cho hay, 2 lần tăng giá điện vẫn chưa đủ bù lỗ cho EVN, khi tập đoàn này vẫn thông báo khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết: Chính phủ đang xem xét cơ chế cho phép tăng giá điện dưới 5% trong khoảng thời gian 3 tháng/lần. Nếu không tăng giá điện thì không giải quyết được lỗ lũy kế của EVN.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN, giải thích hiện nay thủy điện vẫn là nguồn có giá ổn định nhất nhưng nguồn này chỉ chiếm 28,4% trong tổng công suất nguồn điện. Còn năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu cho nên giá của nguồn năng lượng này rất cao, nếu xét theo giá thành 9,35 cent theo cơ chế giá khuyến khích FIT 1 thì vượt giá thành bán ra của EVN.

Với cơ cấu nguồn như vậy, ông Tuấn nhìn nhận, giá thành điện của Việt Nam chủ yếu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kể cả nguồn thủy điện cũng là tài nguyên. Trong khi tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt, giá thành chỉ có tăng, không có chuyện xuống.

“Điều này cần được giải thích rõ để khách hàng thấu hiểu, cũng là câu trả lời cho dư luận câu hỏi tại sao giá điện chỉ tăng, không giảm”, ông Tuấn phân trần.

Doanh nghiệp muốn sớm được mua giá điện không thông qua EVN

Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, giá điện cần phải điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, nguồn vốn cần để thực hiện lên tới 132 tỷ USD, không thể trông chờ vào vốn Nhà nước mà cần huy động thêm các nguồn vốn tư nhân, nước ngoài. Tuy nhiên, muốn các nhà đầu tư tư nhân rót vốn vào dự án điện, chính sách đưa ra cần để họ thấy lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong đầu tư.

Theo ông Hồi, nếu vẫn duy trì giá điện thấp như hiện nay, lộ trình thị trường điện cạnh tranh không thể thực hiện. Chính sách giá, cơ chế đầu tư cần hướng tới đảm bảo sinh lời thì nhà đầu tư mới rót vốn, đảm bảo đủ điện, an ninh trong cung cấp điện.

Tuy nhiên, ông Hồi cũng đề nghị, Luật hóa cao hơn việc điều hành giá, có thể ở mức Nghị định thay thế quyết định của Chính phủ như hiện nay, để cơ chế điều hành giá theo tín hiệu thị trường, mới có thể mở rộng cạnh tranh. Lúc đó, người dân sẽ thấy trong một năm có nhiều lần điều chỉnh tăng, giảm và giá điện từng bước mang tín hiệu thị trường.

Về phía sử dụng điện, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp DEEP C đánh giá thực tế so với nhiều quốc gia trên thế giới thì giá điện của Việt Nam vẫn rẻ hơn, và sắp tới khi chuyển sang dùng năng lượng tái tạo, có thể phải trả giá cao hơn.

Điều quan trọng mà ông Bruno Jaspaert muốn đề cập không phải là “đắt hay rẻ” mà nguồn điện phải ổn định, cũng như doanh nghiệp có thể mua được từ nhiều nguồn, thay vì chỉ mua thông qua EVN.

“Tôi thấy rằng nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền thêm nếu có nguồn điện ổn định, sạch”, ông Bruno Jaspaert nói.

Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp DEEP C thông tin, khu công nghiệp vẫn phải mua nguồn chính từ EVN, vì chưa có ai thay thế được, nhưng có ai muốn chi trả cho phân phối hay không để có nguồn điện xanh, rẻ. Việt Nam hoàn toàn có thể tự chủ về nguồn cung điện nếu phát triển tốt điện gió, mặt trời.

Mới đây, Thủ tướng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền trước ngày 31/12/2023 các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Để đảm bảo cung ứng điện, Bộ Công Thương cho biết đã phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 từ tháng 4 đến tháng 7. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu trước ngày 15/3/2024, EVN có trách nhiệm cập nhật, báo cáo Bộ về kế hoạch đảm bảo điện cho hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện), đặc biệt là miền Bắc trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 với các kịch bản nhằm kiểm soát, ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện, có dự phòng đảm bảo ứng phó với các tình huống cực đoan.

EVN cũng được yêu cầu chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện cập nhật thường xuyên và bám sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nam-2024-gia-dien-se-tiep-tuc-leo-thang-1097693.html