Năm 2023: Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng GDP cao nhất thế giới

GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của năm 2020 và 2021, nhưng thấp hơn các năm còn lại trong giai đoạn 2011 - 2023. Tuy không đạt mục tiêu 6,5% đề ra nhưng Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước

Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tại thời điểm cuối năm 2023, các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với trước đây theo các hướng khác nhau, nhưng hầu hết đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022.

Ở trong nước, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, linh hoạt, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cùng với sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đạt được kết quả khả quan cho thấy nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi mới mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm ước đạt 5,05%. Trong đó, quý I đạt 3,41%; quý II là 4,25%; quý III là 5,47% và ước quý 4 đạt 6,72%.

Phân tích sâu hơn về tình hình tăng trưởng năm 2023, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho hay, nhìn từ phía cung, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định thời gian qua. Kết quả tăng trưởng quý IV ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,13%.

GDP bình quân đầu người ước đạt gần 200 triệu đồng/năm

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động, tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm làm cho tăng trưởng của ngành này đạt 6,86% trong quý IV và cả năm 2023 đạt 3,02%.

Ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng vượt bậc do sự thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giá một số nguyên vật liệu cho xây dựng hạ nhiệt, lãi suất thấp và hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng. Kết quả tăng trưởng quý IV ngành xây dựng đạt 9,32%, cao nhất so với 3 quý đầu năm và cao nhất trong quý IV các năm của giai đoạn 2020-2023.

Một số ngành dịch vụ thị trường trong quý IV tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ đầu năm như: bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 9,88%; vận tải kho bãi tăng 9,97%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,85%.

Nhìn từ phía cầu, trong năm 2023, tiêu dùng tuy chưa thể sôi động trở lại như trước khi đại dịch nhưng cơ bản vẫn ổn định, cả năm đạt 3,52%, đóng góp 2,07 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. “Nhìn chung, cầu tiêu dùng vẫn là nhân tố chủ yếu của tăng trưởng kinh tế” - bà Mai Hạnh nhận định.

Bên cạnh đó, tích lũy tài sản năm 2023 ước tăng 4,09%, đóng góp 1,34% vào tăng trưởng chung, điều này do sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công, vốn trong chương trình phục hồi, đôn đốc tiến độ các công trình sớm hoàn thiện để phục vụ xã hội, tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế.

Đặc biệt, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu khoảng 28 tỷ USD cũng đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thu hút đầu tư nước ngoài chưa phát huy hiệu quả

Sản xuất, lắp ráp ô tô Ford Việt Nam tại Công ty TNHH Ford Việt Nam (TP. Hải Dương).

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, tăng trưởng kinh tế năm 2023 được hỗ trợ bởi một số điểm thuận lợi.

Đó là kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn. Thứ hai, khu vực nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Thứ ba, khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Thứ tư, hoạt động công nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Cùng với đó, Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng…

Bên cạnh đó, một số khó khăn, thách thức cũng đã kìm hãm tăng trưởng năm 2023. Đó là những bất ổn về địa chính trị, kinh tế thế giới gặp khó khăn, tổng cầu phục hồi yếu, lạm phát nhiều nước vẫn ở mức cao, chuỗi cung ứng thiếu ổn định, đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước.

Sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, chưa tạo được sự bứt tốc mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do sụt giảm đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao, thiếu thị trường xuất khẩu đã ảnh hưởng đến nhiều ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt và lạm phát vẫn ở mức cao.

Mặt khác, thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 chưa phát huy hiệu quả khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam, do những khó khăn chung của kinh tế thế giới nói chung và của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2024, khả năng phục hồi của kinh tế thế giới chưa rõ ràng

Nhận định về tăng trưởng kinh tế năm 2024, Tổng cục Thống kê cho rằng năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thực tế, lạm phát ở một số nền kinh tế lớn nhiều khả năng vẫn ở mức cao do tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục xu hướng thấp, chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường. Áp lực từ giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia… Khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng.

Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn.

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn trong năm 2024, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Do đó, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nam-2023-viet-nam-thuoc-nhom-tang-truong-gdp-cao-nhat-the-gioi-142754.html