Năm 2023: Bước ngoặt thay đổi cục diện vũ khí hạt nhân toàn cầu

Từ sự sụp đổ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cho đến những lo ngại thế giới có thể tiến gần hơn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân sau cuộc xung đột Ukraine đã khiến năm 2023 trở thành năm bước ngoặt đối với vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Năm 2023, Nga đã không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine – đây là kết quả đáng chú ý bởi một năm trước đấy, mối lo ngại về kịch bản này đã được đẩy lên mức cao nhất. Triển vọng ảm đạm đến mức Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã nhấn mạnh những lo ngại này khi mở đầu bài phát biểu thường niên của ông trước Đại hội đồng LHQ ở New York.

Vũ khí hạt nhân không mang giá trị quân sự trên chiến trường

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định không sử dụng vũ khí hạt nhân có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Quyết định của ông có thể dựa trên những lo ngại về đạo đức, phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế hoặc có thể là sợ tình trạng leo thang xung đột không thể kiểm soát.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. (Nguồn: AP)

Nhưng quyết định này cũng có thể là kết quả đến từ nhận thức rằng vũ khí hạt nhân, trên thực tế, không mang giá trị quân sự trên chiến trường.

Tuy nhiên, sau gần hai năm xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vẫn chưa thể bị loại bỏ hoàn toàn. Học thuyết hạt nhân của Nga tuyên bố rằng, nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ của mình - bao gồm bốn vùng lãnh thổ (Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia) đã được sáp nhập từ tháng 10/2022.

Không ai có thể biết Điện Kremlin sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp Ukraine thực hiện bất kỳ bước đột phá nào ở những vùng lãnh thổ này sau khi mùa Đông kết thúc hoặc nếu nền kinh tế thời chiến của Nga bắt đầu rạn nứt. Và một sự thật hiển nhiên - cả hai quốc gia đều không có ý định dừng cuộc xung đột.

Ở tuyến đầu xung đột, tình hình tại 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia – nhà máy lớn nhất châu Âu – vẫn rất nghiêm trọng. Địa điểm của nhà máy bị bao vây vẫn tiếp tục hứng chịu hỏa lực từ các bên, hư hại về cấu trúc, mất nguồn điện ngoài tạm thời và tâm lý căng thẳng của các nhân viên vận hành.

Nga bị cáo buộc đã phá hủy đập Kakhovka - hồ chứa làm mát của nhà máy Zaporizhzhia và là nguồn cung cấp nước uống, tưới tiêu chính cho miền Nam Ukraine. Trong khi đó, các nhà phân tích vẫn gặp khó khăn trong việc đưa ra các phương án bảo vệ rõ ràng trước các cuộc tấn công quân sự vào các lò phản ứng hạt nhân.

Những mối quan tâm mới

Trên phạm vi toàn cầu, thế giới chứng kiến mối quan tâm mới về vũ khí hạt nhân khi các nước tìm cách đảm bảo an ninh trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu gia tăng.

Lo ngại “Ukraine hôm nay có thể là châu Á ngày mai”, một số đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản đã gây sức ép lên Washington nhằm tăng cường “chiếc ô hạt nhân” với Seoul và Tokyo.

Pakistan tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình với nhiều đầu đạn, hệ thống phóng hơn cùng ngành công nghiệp sản xuất vật liệu phân hạch đang phát triển.

Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tiếp tục phổ biến công nghệ và vật liệu hạt nhân ở Trung Đông và hơn thế nữa.

Tại Mỹ, một Ủy ban quốc hội đã kêu gọi bổ sung các năng lực hạt nhân mới để đối phó với kho vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng của Trung Quốc - một chiến lược mà các nhà phê bình cho rằng không hiệu quả và có khả năng dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Năm 2023, Nga đình chỉ tham gia New START và hủy bỏ việc phê chuẩn CTBT. (Nguồn: NTI)

Một đòn giáng khác vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu xảy ra vào cuối năm 2023 khi hai hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn gần như đã bị hủy bỏ trong năm nay, trong đó Nga đình chỉ tham gia New START (hiệp ước Mỹ-Nga hạn chế các lực lượng hạt nhân tầm xa được triển khai của cả 2 nước) và hủy bỏ việc phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT), với lý do Washington từ chối phê chuẩn thỏa thuận.

Bất chấp nhiều lời đảm bảo từ các quan chức Nga rằng Moscow sẽ tiếp tục tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân, một số nước phương Tây đã chỉ trích động thái này và kêu gọi Nga xem xét lại lập trường của mình.

Bình luận về tất cả những diễn biến trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân vào năm 2023, MV Ramana, giám đốc Viện các vấn đề toàn cầu Liu tại Đại học British Columbia nói rằng, nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Moscow và Washington vẫn khá cao.

Chuyên gia nhấn mạnh: "Luôn có nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga và điều đó vẫn tiếp tục xảy ra".

Bất chấp những diễn biến này, cộng đồng giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân vẫn đang phải đối đầu với tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Mỹ tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân mà cụ thể là với Trung Quốc.

(theo The Bullentin, Sputnik)

Đức Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nam-2023-buoc-ngoat-thay-doi-cuc-dien-vu-khi-hat-nhan-toan-cau-256185.html