Năm 2010, Vinamilk vươn lên bằng nội lực

(Vietstock) – Năm 2010 là một năm nền kinh tế Việt Nam hồi phục sau khủng hoảng. Vì vậy, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu có xu hướng gia tăng trở lại. Nắm bắt cơ hội này, Vinamilk (HOSE: VNM) đã tăng cường các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường.

Trong đó, công ty đã đẩy mạnh phát triển nguồn nguyên liệu, mở rộng sản xuất và tấn công sang các lĩnh vực khác, thậm chí vươn sang thị trường nước ngoài, thể hiện một cách sống động sự lớn mạnh không ngừng của doanh nghiệp này. Trên thị trường sữa Việt Nam hiện nay, có rất ít doanh nghiệp sữa sản xuất 100% sữa tươi. VNM là một trong số ít doanh nghiệp cam kết sản xuất sữa tươi 100%. Bà Mai Kiều Liên cho biết: “VNM đầu tư dài hạn vào ngành chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp hiện đại cùng hệ thống sản xuất hiện đại thể hiện cam kết của công ty trong việc cung cấp cho người tiêu dùng sữa tươi 100% bổ dưỡng”. Tháng 4/2010, VNM đã nhập về 371 con bò sữa từ Newzealand. Tiếp đó, tháng 6/2010, VNM tiếp tục nhập 350 con bò sữa cao sản từ Úc đưa về trang trại bò sữa của công ty tại Nghệ An, nâng tổng số đàn bò ở đây lên hơn 1,500 con, dự kiến sẽ tăng lên 3.000 con trong năm 2011. Hiện tại, VNM có 5 trang trại chủ chốt trải dài trên các miền của đất nước là Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định và Lâm Đồng với tổng số đàn bò hơn 5,500 con. Dự kiến, trong thời gian tới, VNM sẽ nâng tổng số đàn bò ở các trang trại lên 10,000 con. Bằng chiến lược đầu tư mang tính chất lâu dài, trong tương lai không xa, mục tiêu của VNM là tự túc được khoảng 50% nguyên liệu sữa tươi từ các trang trại, thay thế dần nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh việc mở rộng đàn bò sữa để chủ động nguồn nguyên liệu, năm 2010 VNM không ngừng mở rộng quy mô các nhà máy sản xuất để tập trung phát huy thế mạnh của mình vào ngành công nghiệp sản xuất sữa. Tháng 8/2010, VNM đã khởi công nhà máy sữa lớn nhất Đông Nam Á tại Bình Dương. Đây là nhà máy chuyên về sản xuất sữa nước với công suất ban đầu đạt 400 triệu lít/năm và trong giai doan 2 sẽ nâng lên 800 triệu lít/năm, Đó là dự án Nhà máy Megafactory tại khu CN Mỹ Phước - Bình Dương. Dự kiến, Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2012, đáp ứng nhu cầu phát triển khu vực phía Nam của VNM. Nhà máy chế biến sữa bột tại khu CN Việt Nam - Singapore chuyên sản xuất các sản phẩm sữa bột với công suất 2,000tấn/năm. Tổng giá trị của hai dự án lên đến 240 triệu USD. Khi đi vào hoạt động, dự kiến trong quý 3 và quý 4/2012, hai dự án này sẽ góp phần giúp VNM cung ứng ra thị trường những dòng sản phẩm chất lượng, giàu giá trị dinh dưỡng, đáp ứng sự mong mỏi ngày càng cao của giới tiêu dùng. Tháng 10/2010, VNM đã hoàn thành công trình xây dựng mở rộng và nâng công suất nhà máy sữa Tiên Sơn (KCN Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), cho công suất sữa đặc 85 triệu hộp/năm, sữa chua 36 triệu lít/năm. Một dự án nữa dự kiến đi vào hoạt động trong quý 3/2011 là Nhà máy sữa Đà Nẵng tại khu CN Hòa Khánh (Đà Nẵng) chuyên sản xuất sữa tươi và sữa chua với công suất 70 triệu lít sữa tươi và 24 triệu lít sữa chua/năm. Tổng giá trị đầu tư 23 triệu USD. Được biết, mức tiêu thụ sữa của người dân Việt Nam mới chỉ bằng 1/7 so với mức trung bình của các nước phát triển, do đó năng lực sản xuất còn rất lớn. Song không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, VNM còn mở rộng thị trường xuất khẩu sữa bột cho trẻ em sang Trung Đông, sữa đặc có đường sang Campuchia và Philippine, Myanmar, Lào, sữa đậu nành sang Úc. Hiện tại, hoạt động xuất khẩu đem về doanh số 80 triệu USD mỗi năm cho VNM. Mới đây, VNM đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể là mua 19.3% cổ phần của Công ty Miraka Limited tại New Zealand. VNM đang xem xét việc nâng vốn đầu tư lên để cùng đối tác này xây dựng nhà máy có công suất thiết kế 32,000 tấn bột sữa một năm, với tổng vốn đầu tư là 121 triệu đô la New Zealand, tương đương với 1,623 tỷ đồng Việt Nam. Đây là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của VNM. Bên cạnh việc đẩy mạnh thị trường ra nước ngoài, VNM cũng lấn sân sang các lĩnh vực khác ở thị trường nội địa. Theo đó, công ty đẩy mạnh mảng hàng nước giải khát có lợi cho sức khỏe và dự án quy hoạch lại quy mô sản xuất Miền Nam. Nhà máy sản xuất nước giải khát tại Bình Dương bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2010 được đánh giá là khá tiềm năng, phù hợp với tốc độ tăng trưởng của công ty cũng như xu thế tiêu dùng. Với sự tăng trưởng tốt trong năm qua, VNM vừa được tạp chí Forbes Asia trao giải thưởng top 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực châu Á năm 2010. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp của Việt Nam được tạp chí chuyên xếp hạng Forbes Asia ghi nhận. Ngoài ra, VNM còn được VNR bình chọn đạt Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Nielsen Singapore công bố đạt Top 10 thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích nhất Việt Nam năm 2010 đứng cạnh những thương hiệu đa quốc gia - xét riêng về ngành giải khát thì Vinamilk đứng vị trí số 1… Mục tiêu năm 2011, Vinamilk sẽ trở thành công ty có doanh số 1 tỷ USD và mục tiêu đến năm 2017, Vinamilk sẽ lọt vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỉ USD/năm. Hiện VNM chiếm lĩnh 40% thị phần sữa trên toàn quốc. Tính đến hết năm 2010, doanh thu của công ty đạt khoảng 16,000 tỷ đồng. Năm 2011, VNM đặt mục tiêu sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu. Công ty đang tập trung cho chiến lược phủ điểm phân phối trải dài khắp đất nước (hiện có trên 160,000 điểm bán lẻ).

Nguồn VietStock: http://www.vietstock.vn/channelid/737/tin-tuc/177103-nam-2010-vinamilk-vuon-len-bang-noi-luc.aspx