Na Rì chú trọng quy hoạch vùng trồng cây ăn quả có múi

Với lợi thế khí hậu, đất đai phù hợp phát triển cây cam, quýt, huyện Na Rì từng bước quy hoạch vùng trồng phù hợp nhằm phát triển cây ăn quả đặc sản của địa phương.

 Ông Triệu Hữu Tài, thôn Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc chăm sóc vườn cây cam, quýt của gia đình.

Ông Triệu Hữu Tài, thôn Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc chăm sóc vườn cây cam, quýt của gia đình.

Làm giàu từ trồng cây ăn quả

Trên địa bàn huyện Na Rì có nhiều hộ khá lên nhờ trồng cam, quýt, điển hình như: Hộ ông Hoàng Đình Việt, Hoàng Văn Khang… ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư; hộ ông Đinh Duy Lý, Triệu Hữu Tài, thôn Khuổi Nằn, thị trấn Yến Lạc; hộ ông Nông Thanh Bộ, thôn Nà Nưa, xã Cường Lợi… Cây ăn quả có múi đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Ông Đinh Duy Lý cho biết: “Với hơn 10ha đất đồi, tôi trồng dần theo kiểu gối lứa. Đến nay, đồi cây ăn quả của gia đình có hơn 8ha, tập trung vào cam Đường Canh, bưởi Diễn, quýt ngọt... Hai năm gần đây, mỗi năm vườn cây ăn quả của gia đình tôi thu được trên 10 tấn quả, thu nhập 300 - 400 triệu đồng. Hiện tôi tạm dừng việc mở rộng diện tích để tập trung chăm sóc, xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng quả, mở rộng thị trường vào các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác”.

Những năm qua, sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu rau quả Hà Nội cùng Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn với các dự án “Xây dựng mô hình trồng cam Xã Đoài”, “Trình diễn trồng cây cam CS1”… đã giúp người dân Na Rì thay dần những diện tích cây ăn quả bản địa năng suất, giá trị kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập. Đối với cây cam Xã Đoài, theo đánh giá của bà con, sau 4 năm trồng, chăm sóc đúng quy trình năng suất thu hoạch bình quân khoảng 9 tấn/ha. Với giá bán từ 20.000 đồng/kg trở lên, 1ha cam Xã Đoài cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng lứa quả đầu tiên, những năm tiếp theo năng suất quả tăng dần. Đối với cam Đường Canh từ năm thứ 4 trở đi cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 6,75 tấn/ha... Bà con đã thay đổi tư duy, xóa dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển sang trồng tập trung, liên kết theo mô hình kinh tế tập thể. Hiện trên địa bàn huyện đã có 02 HTX trồng, sản xuất cây ăn quả có múi gồm HTX Khuổi Nằn 2, thị trấn Yến Lạc và HTX Kim Lư.

Ông Nông Minh Thu- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết: Với sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, người trồng cây ăn quả đã chủ động cải tạo đất, trồng cây có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế gia đình. Phòng tiếp tục tham mưu việc nghiên cứu, nhân rộng vùng trồng cây ăn quả có múi phù hợp thổ nhưỡng, đất đai; đẩy mạnh tập huấn tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế cho bà con; khắc phục dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, vận động người dân liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tiêu thụ ổn định.

Quy hoạch vùng trồng, nâng cao giá trị, phát triển bền vững

Thực hiện Kế hoạch 774/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về phát triển cây ăn quả đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, huyện Na Rì đã ban hành Kế hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025.

Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, huyện quy hoạch vùng phát triển cây ăn quả có múi tập trung tại các xã Kim Lư, Đổng Xá, Liêm Thủy, Trần Phú, Cư Lễ, Văn Minh, Sơn Thành, Văn Vũ, thị trấn Yến Lạc… Đây là những địa phương có điều kiện về đất đai, khí hậu phù hợp, chủ động tưới tiêu, diện tích đất tập trung... Từ việc tích cực chuyển đổi đất trồng cây ăn quả có múi giá trị kinh tế cao, đến nay, toàn huyện Na Rì đã có trên 800ha cây ăn quả các loại, trong đó nhiều nhất là cam và quýt (quýt 170ha và trên 364ha cam Đường Canh, cam Vinh).

Huyện tiếp tục định hướng người dân phát triển theo hướng tập trung, đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo thay thế những diện tích cây đã già cỗi để xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa theo quy trình an toàn hữu cơ; tiếp tục áp dụng hiệu quả các chính sách hiện hành của cấp trên để khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện hiệu quả Đề án phát triển cây ăn quả; hình thành vùng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích, năng suất và sản lượng, nâng cao giá trị kinh tế.

Thời gian tiếp theo, Na Rì tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành chuyên môn để chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho bà con; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như bón phân, cắt tỉa, tạo tán, đốn phục hồi… Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện tăng diện tích cây ăn quả cam, quýt lên hơn 560ha; tiếp tục xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về ATTP, VietGAP, sản phẩm hữu cơ, đi đôi với việc quảng bá sản phẩm… Thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

Tùng Vân

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202207/na-ri-chu-trong-quy-hoach-vung-trong-cay-an-qua-co-mui-abd29c9/