Myanmar bước vào chặng đường lịch sử mới

Nguyễn Ngọc Trường

(Toquoc)-Cuộc bầu cử bổ sung ngày 1/4 sẽ tạo ra tác nhân mới, hình thái mới, không gian chính trị mới và những thách thức cho các nhà chính trị Myanmar.

Myanmar vừa tiến hành một cuộc thử nghiệm dân chủ thực sự, với cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội nước này ngày 1/4/2012 để bầu thêm 45 ghế vào Hạ nghị viện và Thượng nghị viện. Gọi là bầu cử bổ sung là để thay thế những đại biểu đã đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối năm 2010, song sau đó được bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính phủ mới.

Trong số 129 điểm bỏ phiếu thuộc thị trấn Caomu (Kawhmu), cách thành phố Rangon khoảng 2 giờ chạy xe, nơi Aung San Suu Kyi, ngọn cờ dân chủ Myanmar, đại diện Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ra tranh cử, kết quả kiểm phiếu của một số điểm đã được chính quyền thị trấn này công bố. Bà Aung San Suu Kyi đã thắng cử một ghế nghị sĩ đại diện cho Caomu tại Hạ viện Liên bang Myanmar, với 75% phiếu ủng hộ. NLD còn khẳng định đã giành được ít nhất 10 ghế trong tổng số 45 ghế. Theo các nguồn tin báo chí phương Tây, NLD tuyên bố giành được 40 trong tổng số 45 ghế; tại Thủ đô Naypyitaw họ tuyên bố giành được cả 4 ghế.

Tại trụ sở NLD Rongun: Quần chúng chào mừng thắng lợi áp đảo của NLD trong bầu cử bổ sung ngày 1/4

Tối 1/4, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Surin Pitsuwan, cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra “khá êm ả”, dù có một số khiếu nại về sai phạm nhưng “không nghiêm trọng”. Phát biểu tại thủ đô Phnôm Pênh, ông nhấn mạnh: “Đây là điềm lành đối với Mianma”.

Có thể “điềm lành” này sẽ mang lại một thời kỳ phát triển mới, đưa Myanmar ra khỏi tình trạng cô lập, cấm vận của phương Tây, để hội nhập vào trào lưu phát triển mạnh mẽ cùng các nước láng giềng Đông Nam Á.

Kết quả cuộc bầu cử bổ sung được thế giới theo dõi sát sao và khích lệ. Nó sẽ thể hiện mức độ cải cách thực chất của chính quyền dân sự Naypyitaw. Qua đó, xóa bỏ mọi nghi ngại của phương Tây để tiến tới nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế áp đặt lâu nay - một trong các mục tiêu mà chính quyền nước này theo đuổi hơn một năm qua. Ngay dù đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi có giành được 40 ghế như họ tuyên bố, thì cũng chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi trong tổng số 664 ghế tại Hạ nghị viện, nơi giới quân nhân và những lực lượng thâncận của quân đội trong Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) chiếm trên 80% số ghế. Nhưng cuộc bầu cử ngày 1/4 vẫn được xem là một mốc lịch sử trên con đường dài nhằm hiện đại hóa và dân chủ hóa đất nước một thời được xem là “vương quốc bí ẩn” này.

Bà Aung San Suu Kyi: Thắng lợi bầu cử "sẽ là sự bắt đầu của một kỷ nguyên mới" đối với Myanmar.

Chế độ độc tài ở Myanmar thiết lập từ năm 1962 cho đến khi một chính phủ dân sự được bầu ra hồi tháng 3/2011. Trongnửa thế kỷ, sự độc tài hà khắc gặp các cuộc chống đối quyết liệt trong nước và chúng cũng bị đàn áp quyết liệt. Đầu tiên phải kể đến cuộc nổi dậy của giới ủng hộ dân chủ được gọi là cuộc “Cách mạng bốn con Tám” (ngày 8/8/1988) dẫn đến kết cục gần 3.000 người bị giết chết. Vào năm 2007, cuộc nổi dậy của các nhà sư, hay còn gọi là cuộc “cách mạng màu nghệ”, đòi quyền tự do chính trị và kinh tế, cũng bị đàn áp, với hơn 200 người bị giết chết. Trong thời gian này, Myanmar tự biệt lập mình với thế giới bên ngoài, đất nước bị cấm vận và người dân kiệt quệ.Năm 2006, Myanmar bị từ chối đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN. Lúc đó, không những ASEAN chưa sẵn sàng trao cho Myanmar chiếc ghế Chủ tịch, mà nhiều đối tác quan trọng của ASEAN có thể tẩy chay các diễn đàn ASEAN. Tại Bali vừa rồi, sau những chuyển biến chính trị tích cực của chính quyền Naypyitaw, Myanmar cuối cùng đã được trao chức Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014.

Myanmar bắt đầu thể hiện những bước phát triển mạnh từ tháng 3/2011, trong đó nổi bật là tiến trình lập pháp, bộ máy chính quyền chuyển từ vai trò quân sự sang vai trò dân sự,thả tù chính trị, cho phép người lao động có quyền thành lập tổ chức công đoàn và bãi công, nới lỏng kiểm duyệt báo chí, tiến hành một số bước cải cách chính trị, lên kế hoạch cải cách kinh tế...

Một trong các sự kiện được quốc tế chú ý nhiều, đó là việc Tổng thống Thein Sein thông báo dừng thực hiện dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc đầu tư xây dựng. Người ta đặt nhiều câu hỏi về động cơ thực sự của quyết định gây nhiều tranh cãi của ông Thein Sein. Có đúng là ông từ bỏ dự án này vì “tôn trọng ý chí của dân chúng”? Nếu được xây dựng, con đập trên sông Irrawaddy - con sông Cái của người Myanmar - có thể biến một vùng rộng lớn bằng diện tích của Singapore thành biển nước. 90% lượng điện sản xuất từ nhà máy thủy điện này được đưa sang Trung Quốc.

Một nhà phân tích phương Tây cho rằng đằng sau quyết định của chính phủ Myanmar là mối quan ngại nổ ra bạo lực chống Trung Quốc như từng diễn ra ở Rangon vào năm 1967. Mặt khác, một bộ phận quân đội Myanmar chưa bao giờ giấu giếm thái độ thù địch đối với Trung Quốc. Cùng lý do tiềm ẩn này, giới quan sát cho rằng, một trong những động cơ của cải cách mở cửa “thân phương Tây” còn ẩn chứa mối lo ngại của giới cầm quyền Myanmar về việc đất nước đang ngày càng bị lún sâu vào quỹ đạo kinh tế của Trung Quốc. Mở cửa đất nước sẽ thu hút đầu tư nước ngoài từ Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác nhằm cân bằng lại ảnh hưởng to lớn của nước láng giềng khổng lồTrung Quốc. Nhưng để thực hiện quan hệ kinh tế với phương Tây, Myanmar cần phải tiến hành những cải cách dân chủ cần thiết.

Về phía giới cầm quyền, cải cách như thế nào mà vẫn bảo đảm quyền lợi lâu dài và sự an toàn (không bị trả thù) đối với giới quân nhân và các nhóm lợi ích giàu có gắn bó với quân đội. Việc bảo đảm quyền lực trọng yếu và rất lớn đã được quy định trong Hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo. Hiến pháp quy định 25% số ghế trong Quốc hội là của quân đội; quân đội nắm các bộ chủ chốt; quân đội có quyền dừng thực hiện Hiến pháp. Nền kinh tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của một nhóm người trung thành với giới quân nhân.

Bức tranh toàn cảnh ấy được phác thảo trong “Lộ trình hướng tới dân chủ phát triển và có tổ chức” gồm 7 bước, do chính quyền quân sự Than Swe đề ra năm 2003, hướng tới xây dựng nước Myanmar “dân chủ có kỷ cương”. Các bước bao gồm triệu tập đại hội quốc dân, soạn thảo hiến pháp, trưng cầu dân ý thông qua hiến pháp, tổng tuyển cử, triệu tập quốc hội, bầu chính phủ, xây dựng đất nước phát triển, hiện đại và dân chủ.

Tiến trình này gặp nhiều chống đối và không ít thất bại. Nhưng chính quyền quân sự đã có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để kết hợp giữa thủ thuật chính trị, pháp lý với đàn áp, giam cầm các nhà hoạt động chính trị đối lập. Bà Suu Kyi bị cầm tù và giam lỏng 3 lần, kéo dài 18 năm, chỉ được trả tự do một tuần sau khi cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành vào tháng 11/2010. Trong cuộc bầu cử bổ sung lần này, bà đã bước vào tuổi 66, sức khỏe đã giảm sút. Bà dự định đi vận động cho NLD khắp cả nước nhưng giữa chừng phải giới hạn lộ trình vì đau tim.

Tổng thống Thein Sein, cũng bước vào tuổi 66, người đang phải đeo một máy trợ tim, liệu có thể trở thành một kiểu “Mikhail Gorbachov” của Myanmar không? Ở tuổi 66, ông Thein Sein, cũng như bà Suu Kyi, có thừa sự trải nghiệm chính trị, nhưng chắc không còn bầu nhiệt huyết và sung sức như thuở nào để vượt qua vô vàn rào cản đối nội nhằm thực hiện những biện pháp cải cách cấp tiến. Nhưng sự chín chắn chính trị có thể là cần thiết để họ lựa chọn những bước đi phù hợp cho các tiến trình cải cách ở Myanmar. Cả hai vị đều muốn đóng góp cho sự phục hưng Myanmar và để lại dấu ấn của mình đối với tiến trình lịch sử tiến bộ của đất nước. Nhưng bộ máy chính quyền Myanmar đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ phức tạp ấy chưa? Cuộc cải cách có còn bị nguy cơ đảo ngược hay không?

Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, với tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, có vị trí địa-chiến lược quan trọng cạnh hai trung tâm kinh tế đang trỗi dậy của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, được phát huy bằng các cải cách chính trị và kinh tế cần thiết, Myanmar trong hai thập kỷ nữa hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia thịnh vượng, một cường quốc bậc trung có vị trí xứng đáng trong đời sống quốc tế.

Người ta hy vọng rằng cuộc bầu cử bổ sung này sẽ tạo ra một tác nhân mới, một hình thái mới, một không gian chính trị mới và những thách thức mới cho các nhà chính trị Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bày tỏ một sự lạc quan thận trọng. Thế giới vẫn phải chờ đợi những bước đi tích cực tiếp theo tại Myanmar, để biết một sự kiện lịch sử có đóng góp vào tiến bộ lịch sử của Myanmar như thế nào./.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/6/y-kien-binh-luan/102774/myanmar-buoc-vao-chang-duong-lich-su-moi.aspx