Mỹ xây “Vạn lý trường thành” ngăn Trung Quốc ở Biển Đông

(Quốc phòng) - Philippines sẽ không bị bỏ lại một mình, không phải đơn độc, kề vai sát cánh với nước này đã có Mỹ - Báo Tiếng nói nước Nga vừa có bài phân tích về cuộc tập trận thường niên Mỹ - đồng minh và thông điệp chính trị của nó trong bối cảnh mới ở Châu Á Thái Bình Dương.

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và đồng minh

Ngày hôm qua đã có 7 ngàn binh lính và sĩ quan của lực lượng vũ trang hai nước tiến hành cuộc tập trận chung, hoàn thiện chiến thuật phối hợp trong trường hợp xảy ra tấn công bất ngờ vào Philippines.

Các cuộc diễn tập mang tên "Vai kề vai" (theo tiếng Philippines là Balikatan) diễn ra trên đảo Palawan và các vùng biển lân cận thuộc biển Đông.

Tuần trước, ở đây đã xảy ra vụ đối đầu lớn nhất trong thời gian qua giữa Trung Quốc và Philippines.

Căng thẳng kéo dài 6 ngày giữa 14 tàu đánh cá Trung Quốc và tàu hải quân Philippines tại vùng nước tranh chấp chủ quyền. Vụ việc xảy ra chưa dẫn đến xung đột công khai, tuy nhiên, mâu thuẫn không được giải quyết dứt điểm.

Tại các vùng biển tranh chấp mà cả Bắc Kinh lẫn Manila đều tuyên bố chủ quyền, hiện vẫn còn 11 tàu cá Trung Quốc đang hoạt động.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc tập trận Mỹ - Philippines được xem là biện pháp tạo áp lực lên Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích của Trường cao cấp Kinh tế Alexei Maslov nhận thấy một xu hướng đáng lo ngại:

"Hiện nay, các bên xung đột như phục hồi khái niệm răn đe quân sự. Trong khi, ở thập kỷ trước, các bên nỗ lực giải quyết mâu thuẫn bằng những biện pháp chính trị. Quả thật, điều này đã hạn chế sự leo thang xung đột.

Tuy nhiên, chiến lược răn đe quân sự không hề bị loại khỏi chương trình nghị sự. Chúng tôi nhận thấy, ngày càng có nhiều quốc gia khối ASEAN và các nước láng giềng tham gia tập trận quân sự khu vực".

Philippines và các đồng minh của Mỹ sẽ không bị bỏ lại một mình, không phải đơn độc trong bất kì tình huống nào

Để "kề vai sát cánh" chống Trung Quốc, Mỹ và Philippines còn mời gọi thêm lực lượng phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng vũ trang Hàn Quốc, Australia. Tất cả các quốc gia này lần đầu tiên tham gia vào cuộc tập trân quân sự thường kỳ "Balikatan".

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà Nhật Bản và Hàn Quốc đáp ứng lời mời của Mỹ, quyết định tham gia vào cuộc tập trận quân sự tại khu vực xung đột tiềm năng, trong bối cảnh tình hình căng thẳng đang gia tăng.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc từng tổ chức một cuộc tập trận chung, phô diễn lực lượng và các thiết bị quân sự chưa từng có tại khu vực Hoàng hải và biển Hoa Đông ngay sau sự cố giữa Bình Nhưỡng và Seoul ở đảo Yeonpyeong.

Các nước này tìm cách răn đe Bắc Triều Tiên và tạo áp lực quân sự, chính trị lên Trung Quốc.

Cục diện ở Châu Á Thái Binh Dương đang nóng hơn bao giờ hết

Đầu năm nay, Úc đồng ý cho Mỹ triển khai thêm lực lượng thủy quân lục chiến và máy bay ném bom chiến lược ở đảo Darwin.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc, Philippines tại biển Đông ngày càng gay gắt.

Quả thật, Úc đang đảm nhận vai trò bàn đạp quân sự để kìm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Căn cứ quân sự của Mỹ ở Darwin sẽ nằm ngoài tầm tiếp cận của tên lửa đạn đạo Trung Quốc.

Đồng thời, Hải quân Mỹ có thể tự do kiểm soát hoạt động tàu thuyền trong vùng biển Đông và qua eo biển Malacca.

Như vậy, lâu nay Mỹ đang xây dựng “Vạn lý trường thành” ngăn Trung Quốc với sự giúp đỡ của các đồng minh và các đối tác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Để mở rộng tường thành của mình đến vùng biển Đông, các quốc gia ASEAN cũng sẽ bị Mỹ lôi kéo vào liên minh này. Và quân bài đầu tiên chính là Philippines.

>>Ảnh độc vụ va chạm giữa soái hạm Philippines và tàu TQ

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xa-hoi/quoc-phong/201204/My-xay-Van-ly-truong-thanh-ngan-Trung-Quoc-o-Bien-dong-2148010/