Mỹ và Israel ngày càng khác biệt quan điểm về ngừng bắn ở Gaza

Các nỗ lực ngừng bắn tạm thời trong tháng Ramadan ở Gaza đã không mang lại kết quả đáng kể nào. Trong quá trình này, sự khác biệt về quan điểm giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như ngày càng sâu sắc ở một số khía cạnh. Chính quyền Tổng thống Mỹ đã có nhiều tuyên bố cứng rắn hơn đáng kể đối với Thủ tướng Israel và các chính sách của nước này.

Trong một lời chỉ trích bất thường, người đứng đầu Nhà Trắng hôm 9/3 cáo buộc Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang “làm hại nhiều hơn là có lợi cho Israel và lợi ích của nước này”. Tổng thống Joe Biden đã lặp lại quan điểm của mình rằng, Israel có “quyền tiếp tục tấn công Hamas”, nhưng lưu ý hoạt động của Israel ở Rafah sẽ là một “ranh giới đỏ”.

Những bình luận trên được đưa ra sau bài phát biểu trong Thông điệp Liên bang tại Quốc hội Mỹ, trong đó ông tuyên bố giải pháp hai nhà nước là “giải pháp thực sự duy nhất” và là cách duy nhất đảm bảo an ninh và dân chủ của Israel, rằng người Palestine có thể sống trong hòa bình và rằng, Israel có thể chung sống ổn định với tất cả các nước láng giềng, bao gồm cả Saudi Arabia.

Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng, ông đang nỗ lực để đạt được thỏa thuận về con tin và lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, đồng thời đang liên lạc với các nhà lãnh đạo Arab, bao gồm cả Saudi Arabia, những nước “chuẩn bị hoàn toàn công nhận Israel và bắt đầu xây dựng lại khu vực sau những gì xảy ra sau Gaza - đó là một quyết định khó khăn nhưng có rất nhiều điều có thể làm được”.

Bốc dỡ hàng viện trợ cho người dân Gaza tại khu vực cửa khẩu Rafah.

Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) nhận định rằng, những lời chỉ trích gay gắt của chính quyền Mỹ phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng và thậm chí là tức giận trước những gì họ cho là việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối đáp ứng các yêu cầu của Mỹ và trở thành một trở ngại cho sự tiến bộ.

Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn trên, trong nỗ lực mới nhất nhằm tránh bị gọi là liên quan đến “cuộc thảm sát ở Gaza” và để đối phó với tình thế ngày càng khó khăn trước cuộc bầu cử do phản ứng ngày càng tăng của công chúng Mỹ và đảng Dân chủ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch thiết lập một cảng tạm thời để cung cấp thực phẩm và viện trợ nhân đạo cần thiết khác cho Gaza.

Các chuyên gia lưu ý, sáng kiến này đặt ra nhiều dấu hỏi. Trước hết, theo nhận định của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, viện trợ được cung cấp qua hành lang biển tốn kém và khó khăn hơn nhiều so với viện trợ bằng đường bộ cả về số lượng và khả năng thực hiện. Mặc dù vậy, chính quyền Mỹ không muốn gây áp lực lên Israel trong việc ngăn cản việc cho phép đủ xe tải viện trợ qua cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom.

Mặt khác, trong những tuyên bố đầu tiên có nêu rằng, việc xây dựng “cảng tạm thời” có thể mất vài tuần, nhưng các đánh giá và tin tức mới nhất cho thấy khoảng thời gian xây dựng có thể lên tới 60 ngày. Ở Gaza, nơi số người chết vì đói ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các khu vực phía Bắc, người dân khó có thể trụ được lâu như vậy.

Hơn nữa, nếu cảng trên sẽ đi vào hoạt động sau 60 ngày được coi là một giải pháp cho một tình huống đặc biệt do quá trình xung đột gây ra. Điều đó có nghĩa là cuộc giao tranh dự kiến sẽ tiếp tục trong nhiều tháng, có thể là nhiều năm và không có chương trình nghị sự nào cho lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Mặc dù có phương án rằng, một số tàu sẽ khởi hành từ Nam Cyprus để cung cấp viện trợ cho Gaza trước khi cảng hoàn thành, nhưng dự kiến những chuyến hàng này sẽ không có quy mô lớn.

Một vấn đề khác là việc cung cấp viện trợ cho Gaza bằng đường biển sẽ làm giảm áp lực lên Israel và sẽ đảm bảo rằng các hành động gây thương vong nghiêm trọng đang diễn ra không còn nằm trong chương trình nghị sự nhiều như trước nữa, với lý do rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo đã dịu đi và viện trợ cần thiết đã được giải quyết. Ngoài ra, cảng được xây dựng với mục đích viện trợ nhân đạo thực tế có thể được sử dụng cho các mục đích sâu xa hơn và có thể được Israel ủng hộ vì lý do này.

Một trong những kịch bản được xét đến là cảng này sẽ đóng vai trò là nơi sơ tán cho người dân Gaza khi xung đột và các hoạt động quân sự ngày càng leo thang. Lựa chọn này có thể đã được đưa vào chương trình nghị sự sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh rằng, họ sẽ không chấp nhận người tị nạn Palestine ở Sinai.

Thực tế cho thấy, sự ủng hộ liên tục của Tổng thống Joe Biden cho Israel vẫn kiên định và quyết tâm của ông - ngay cả khi đối mặt với sự chỉ trích gay gắt của một số người trong đảng Dân chủ - là không sử dụng việc cung cấp vũ khí làm phương tiện gây ảnh hưởng đến chính sách của Israel cũng vẫn vững vàng.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của các nỗ lực giải thoát con tin và sự leo thang tiếp theo của cuộc giao tranh, bao gồm cả việc mở rộng xung đột sang khu vực Rafah, có thể đẩy nhanh sự thay đổi trong quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden, bao gồm cả quyết định sử dụng đòn bẩy chính trị (thúc đẩy một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về lệnh ngừng bắn) và quân sự (giảm viện trợ quân sự và/hoặc mở rộng các hạn chế sử dụng khoản viện trợ đó).

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/my-va-israel-ngay-cang-khac-biet-quan-diem-ve-ngung-ban-o-gaza-i725488/