Mỹ, Trung giành giật ảnh hưởng ở Myanmar

Khi các công nhân Trung Quốc cùng những chiếc máy ủi đào bới ở khắp các mảnh đất miền bắc Myanmar để phục vụ cho việc xây dựng các đường ống dầu và khí tới Trung Quốc, thì tập đoàn năng lượng lớn nhất Trung Quốc lại đang trả tiền cho cây, đất trồng nơi đặt ống dẫn, và xây dựng bệnh viện trường học cho những người dân ở một trong số các nước nghèo nhất trái đất.

Việc đền bù mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đang thực hiện phản ánh một bài học mà người Trung Quốc rút ra lúc làm kinh doanh trên một đất nước Myanmar mới mẻ và đang cải tổ theo con đường dân chủ sau khi công trình xây dựng đập thủy điện lớn của Trung Quốc bị đột ngột đình chỉ năm ngoái bởi làn sóng phản ứng dữ dội của dân địa phương trước những gì bị coi là thái độ hách dịch của Trung Quốc với người dân và môi trường của Myanmar.

Sự tiếp cận mềm mỏng hơn còn phản ánh khả năng tính toán một cách thận trọng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phải đua tranh với Mỹ nhằm giành giật ảnh hưởng trong khu vực. Khi Myanmar nới lỏng các hạn chế của nhiều thập niên dưới chế độ quân sự cứng rắn và cải thiện quan hệ với Mỹ, thì Trung Quốc lại càng lo ngại về sự đe dọa tới mối quan hệ chiến lược cung cấp sự tiếp cận với Ấn Độ Dương và con đường giao thương "đi tắt đón đầu" mà bấy lâu họ tìm kiếm với nguồn dầu từ Trung Đông.

Với việc Mỹ tái khẳng định sự hiện diện ở châu Á và một Trung Quốc đang trỗi dậy trong sức mạnh quân sự, kinh tế chưa từng có trước đây, thì mỗi bên đang làm tất cả những gì có thể để giành giật ưu thế với Myanmar - quốc gia đang vật lộn để phát triển kinh tế và sở hữu vị trí chiến lược.

Chính sách Mỹ, lợi thế Trung Quốc

Chính quyền Obama mong muốn một sự thành công trong thay đổi chính sách đối ngoại ở năm bầu cử. Có thêm một quốc gia khác chuyển từ chuyên quyền hướng tới dân chủ được Washington xem là một thành tựu chính trị; hơn thế nữa, có được một nước bạn bè ở giáp ranh với Trung Quốc sẽ là điều chiến lược.

Nhưng Mỹ gặp khó trong việc cung cấp những hỗ trợ một cách đầy đủ bởi quốc hội của họ khá miễn cưỡng về khả năng dỡ bỏ cấm vận kinh tế. Myanmar phải có một cuộc bầu cử quốc hội công bằng, chấm dứt xung đột với các nhóm thiểu số và thả nhiều hơn tù chính trị trước khi các biện pháp trừng phạt cứng rắn áp dụng hơn hai thập niên qua có thể được dỡ bỏ, quan chức chính quyền Obama khẳng định.

Trung Quốc, nhà bảo trợ chính của Myanmar nhiều năm qua mong muốn duy trì một mối quan hệ cho phép họ tiếp cận không giới hạn nguồn tài nguyên năng lượng của quốc gia Đông Nam Á. Nhưng Trung Quốc, thường quen với sự trung thành từ Myanmar tại LHQ và các diễn đàn ngoại giao khác, lại phải đối mặt với một chính phủ mới do Tổng thống U Thein Sein dẫn đầu. Chính phủ ấy đang thể hiện những dấu hiệu muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào người bạn cũ và quan tâm nhiều hơn tới những lo lắng của người dân.

Một biểu tượng có lẽ dễ nhận thấy nhất về sự cởi mở mới của Myanmar với phương Tây, đó là chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tháng 12 - vị ngoại trưởng đầu tiên làm điều này trong hơn 50 năm. Những hình ảnh bà bắt tay với lãnh đạo phe đối lập trong nụ cười rạng rỡ giờ đây được trưng nhiều ở quán cà phê hay trong các căn hộ - điều chưa từng xảy ra vào sáu tháng trước đây.

Bà Clinton đã cảnh báo rằng, các biện pháp cấm vận kinh tế sẽ không được dỡ bỏ sớm như Myanmar mong đợi. Dù như vậy, thì Mỹ cũng đã khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Myanmar - một phần thưởng cho những đổi thay chính trị và kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á tính đến thời điểm này.

Phản ứng trở lại, quan chức Trung Quốc đổ lỗi cho sự can thiệp của người Mỹ trong quyết định ngừng dự án xây đập thủy điện trị giá 3,6 tỉ USD hồi tháng 9 năm trước ở Myanmar, và nói rằng, các nỗ lực ngoại giao Mỹ là thách thức trực tiếp Trung Quốc trong sân sau của họ.

"Thật khó để người Trung Quốc hiểu rằng, Mỹ xích gần Myanmar không phải là nhằm vào Trung Quốc", Vận Tôn - một chuyên gia đối ngoại Trung Quốc tại Washington nói. "Mỹ là một cường quốc toàn cầu. Và là lẽ tự nhiên khi họ muốn có quan hệ với Myanmar. Nhưng Trung Quốc có sự độc quyền, và việc phải chia sẻ sẽ khiến họ khó chịu đựng được. Đó là lý do vì sao Trung Quốc bất mãn".

Một sử gia nổi tiếng người Trung Quốc, Tần Hồi tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) cảnh báo chính phủ của ông rằng, việc đổ lỗi cho phương Tây can thiệp vào dự án xây đập có thể khiến Trung Quốc mất điểm. Người dân Myanmar đã thể hiện "phản đối rõ ràng" việc xây con đập ở đầu nguồn sông Irrawaddy - con đường thủy lớn nhất nước này, ông viết như vậy.

Trung Quốc vẫn có lợi thế tại Myanmar. Trong khi Myanmar vẫn bị cô lập vì các lệnh cấm vận quốc tế, thì Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài chính của nước này, chưa kể lợi thế gần gũi quanh một đường biên giới dài. Bắc Kinh đã đổ hàng tỉ USD vào Myanmar, và Mỹ không thể cạnh tranh được, quan chức Washington nói.

Washington bị hạn chế theo lệnh cấm vận nên chỉ cung cấp được khoảng 30 triệu USD/năm viện trợ nhân đạo, một quan chức Mỹ nói, thậm chí là kể cả khi Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ tìm kiếm để thiết lập sự hiện diện tại Myanmar.

Tiếp cận mới

Kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc là một số doanh nhân Myanmar - những người coi sự ủng hộ cải cách của Mỹ là giải pháp tốt nhất cho nền kinh tế yếu kém bấy lâu và lo ngại rằng, việc chậm nới lỏng cấm vận của Mỹ có thể có lợi cho Trung Quốc.

Một doanh nhân giấu tên nói, nếu Mỹ khăng khăng duy trì cấm vận và nền kinh tế khó cất cánh, thì Trung Quốc sẽ tới giải cứu với hình thức cũ khi cung cấp các khoản cho vay lớn và những dự án cơ sở hạ tầng đồ sộ. Chỉ tính riêng hệ thống dẫn khí mới, dự kiến khánh thành năm tới, sẽ mang lại hàng tỉ đô la tiền bản quyền và phí quá cảnh. Hệ thống dẫn dầu khi hoàn tất sau đó cũng sẽ mang lại nguồn thu khá lớn.

Vì lý do đó, Washington cần có cách tiếp cận thực tế hơn, Aung Naing Oo, phó giám đốc Viện Phát triển Vahu - một tổ chức ở Thái Lan do những người tị nạn từ Myanmar thiết lập, nói. "Họ cần làm nhiều hơn nói", ông nói về chính quyền Obama. "Nếu tiếp tục cấm vận, Mỹ sẽ vô tình giúp những người muốn đưa chúng tôi trở lại những con đường cũ".

Chuyện ngừng dự án thủy điện vẫn khiến Trung Quốc nhớ tới. Công trình này đã gây ra sự phản đối rộng lớn. Đập thủy điện được xây trên sông Irrawaddy dp do một trong những công ty điện lực quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đầu tư. Khoảng 90% sản lượng điện từ công trình này sẽ được chuyển tới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, mặc dù theo Ngân hàng Thế giới, chưa đầy 20% hộ gia đình ở Myanmar có điện.

Hàng nghìn dân làng đã buộc phải tái định cư theo yêu cầu của quân đội, họ nhận được một số bồi thường, trong đó có cả tivi 21inch.

Trong một dấu hiệu chứng tỏ rằng, công ty điện Trung Quốc sẽ không từ bỏ, người đứng đầu công ty nói ở cuộc họp báo tại Bắc Kinh tháng này rằng, đã xảy ra những sai lầm và công ty sẽ cố gắng chăm sóc người dân địa phương tốt hơn. Tuy nhiên, việc chính phủ Myanmar có cho phép công việc xây dựng tiếp tục diễn ra hay không thì vẫn chưa rõ ràng.

Trong khi đó, dự án đường ống dẫn - bắt đầu ở một cảng nước sâu tại Vịnh Bengal và do CNPC xây dựng - đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Công ty cũng có những khoản đền bù tương đối rộng rãi cho những nông dân đói tiền mặt để họ từ bỏ mảnh đất màu mỡ.

Tập đoàn Trung Quốc gần đây cũng đã xây dựng trạm y tế ở một trong những ngôi làng gần nơi xây dựng hệ thống ống dẫn. Đó là một kết cấu bê tông tuonwg phản với những căn nhà tre gỗ mỏng manh.

Cách đông bắc Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, gần 10km, công ty Trung Quốc cũng tài trợ xây dựng một ngôi trường mới. "Họ xây dựng một đường ống dẫn gần đây cho chính nền kinh tế của họ", Daw Swe Oo, một giáo viên dạy toán nói. "Họ lấy đi nhiều tài nguyên của chúng tôi và tài trợ trở lại không nhiều. Nhưng tôi vui vì đã có ngôi trường mới để dạy học".

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-04-09-my-trung-gianh-giat-anh-huong-o-myanmar