Mỹ thừa nhận không ngăn nổi Saudi Arabia mua S-400

Động thái của Mỹ nhằm ngăn Saudi Arabia mua S-400 đang thiếu hiệu quả và Washington buộc phải thừa nhận vũ khí Nga sẽ thay đổi luật chơi tại Trung Đông.

Tạp chí The National Interest dẫn phân tích của Tiến sĩ Carlo Kopp- một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ đã có những phân tích về lý do Saudi Arabia mua hệ thống S-400 của Nga và vũ khí này sẽ thay đổi cán cân quân sự tại Trung Đông.

Theo Carlo Kopp, S-400 có thể được trang bị nhóm radar (RLS) phát hiện mục tiêu nhằm mục đích phá hủy những chiếc máy bay tàng hình hiện đại như F-22 và F-35. Khí tài này hoạt động ở dải tần số rộng, bao gồm tần số rất cao và siêu cao, cho phép chúng phát hiện máy bay chiến đấu được sở hữu công nghệ tàng hình Stels.

Máy bay tàng hình là mục tiêu S-400 có thể bắn hạ.

Điểm cơ bản của công nghệ này là nguyên tắc tàng hình trước các radar dải tần số cao như X, loại radar thường được sử dụng trong quân đội hoặc các tổ chức dân sự. Dần dần, toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các đồng minh, chủ yếu hoạt động trong băng tần X, sẽ trở nên lỗi thời, bởi vì Trung Quốc và Nga đang tích cực phát triển các công nghệ tầm nhìn thấp trong việc chế tạo ra máy bay và tên lửa mới.

Dù Nga sở hữu số máy bay hiện đại ít hơn Mỹ và NATO thì bên cạnh nhóm radar hiện đại (RLS) (có thể được cung cấp hoặc có thể không được cung cấp cho khách hàng nước ngoài), Nga còn có một hệ thống phòng không mạnh mẽ.

Một trong những lý do khiến Nga phát triển hệ thống phòng không và tạo ra các phương tiện để đối phó với tên lửa hành trình và máy bay tàng hình của Mỹ, đó là Nga không có kinh phí sản xuất một lực lượng máy bay chiến đấu hiện đại đông đảo, The National Interest nhận định.

Một trong những lợi thế của hệ thống tên lửa tầm xa S-400 là khả năng đánh chặn các mục tiêu nằm ngoài khu vực phòng không, kể cả máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry (AWACS). Những chiếc máy bay này, được Mỹ và các đồng minh NATO sử dụng, được triển khai tại căn cứ không quân Kadena (Nhật Bản) và căn cứ không quân Al-Dhafra của Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE).

Các máy bay này dễ bị S-400 tấn công và do đó mất đi lợi thế là không thể tiếp cận với các hệ thống phòng không của đối phương. Có vẻ như tiềm năng của các máy bay AWACS, được chế tạo vào những năm 1960, hiện đã cạn kiệt. S-400 cũng có thể được sử dụng chống lại các tên lửa đạn đạo. Điều này chính là lý do khiến Saudi Arabia chú ý đến loại khí tài này.

Nga đã có một bước đột phá khi cung cấp vũ khí cho một số quốc gia NATO có tương lai bất định trong khối (Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ) và các nước có quan hệ tốt với Mỹ như Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác như UAE.

Bước đột phá của Nga cũng rất quan trọng về mặt kỹ thuật. Hiện nay Mỹ không có hệ thống đối thủ cạnh tranh thực sự với S-400 và dường như Washington không có chút lo lắng lắng khi các hệ thống này đang tăng lên trên khắp thế giới. Tiến sĩ Carlo Kopp thừa nhận: "Thật đáng tiếc, nhưng bây giờ đã quá muộn để làm bất cứ điều gì".

Trước khi Mỹ có thừa nhận cay đắng này, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết thông qua một dự luật cho phép gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 khởi kiện Chính phủ Saudia Arabia về những mất mát mà họ phải hứng chịu.

Dự luật "Công lý chống bảo trợ hành động khủng bố" (JASTA), được nhất trí thông qua tại Hạ viện. Dự luận này cũng đã được Thượng viện Mỹ thông qua trước đó.

Giới phân tích cho rằng Hạ viện Mỹ đang dùng chính dự thảo luật này để gia tăng sức ép với Nhà Trắng trong việc trừng phạt Saudi Arabia cũng như có những đối sách cứng rắn với Nga. Mới đây Moscow và Riyadh đã cùng bắt tay ổn định thị trường dầu mỏ khiến Mỹ cũng như phương Tây cảm thấy lo lắng, bất ổn.

Truyền thông Nga vừa rầm rộ đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng nước này Alexandr Novak và Bộ trưởng Bộ Năng lượng tài nguyên khoáng sản Saudi Arabia Khalid Al-Falih đã có cuộc gặp gỡ và thống nhất đưa ra các biện pháp cũng như hành động cần thiết nhằm ổn định thị trường dầu mỏ.

Hai Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại về suy giảm chi phí trong ngành công nghiệp, cũng như hủy và hoãn các dự án đầu tư.

Để khắc phục vấn đề này, Nga và Saudi Arabia đã đi đến thống nhất phát triển hợp tác trong ngành dầu khí, bao gồm khai thác công nghệ mới, trao đổi thông tin và kinh nghiệm nhằm tăng cường sử dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiếp cận tài nguyên dầu khí, chế tạo thiết bị, cung cấp dịch vụ, đặc biệt là kỹ thuật, chuẩn bị và tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đồng thời trong các lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo.

Việc hợp tác này chắc chắn sẽ khiến Mỹ không vui và mang tâm trạng bất an. Bởi lẽ truyền thông Mỹ vừa dẫn báo cáo của Công ty Rystad Energy có trụ sở ở Oslo, Na Uy tuyên bố trữ lượng dầu lửa của Mỹ vượt Saudi Arabia và Nga, trong đó có một nửa là dầu đá phiến.

Không chỉ thế, trong bài phát biểu thường niên về tình hình ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ trước đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Viện Dầu mỏ Mỹ (API), Jack Gerard còn tự hào khẳng định, Washington hiện là nhà sản xuất dầu thô số một thế giới, giữ vai trò chi phối thị trường, một điều khó thấy ở thời điểm một thập niên trước đây.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-thua-nhan-khong-ngan-noi-saudi-arabia-mua-s-400-3345483/