Mỹ thử nghiệm máy bay chiến đấu F-16 tự lái bằng AI

Không quân Mỹ đang thử nghiệm máy bay chiến đấu F-16 tự lái bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Bộ trưởng Không quân Frank Kendall tuyên bố sẽ lên máy bay này để trải nghiệm.

Video Không quân Mỹ thử nghiệm máy bay F-16 sử dụng công nghệ AI tự lái.

Giá rẻ hơn máy bay truyền thống

Theo truyền thông Mỹ ngày 10/4, ông Kendall đã nói khi điều trần về dự toán ngân sách không quân năm 2025 trước Ủy ban Thẩm định Thượng viện: "Sẽ có một phi công bay cùng tôi, và anh ta sẽ theo dõi hoạt động của công nghệ lái tự động giống như tôi". Ông Kendall cũng nói ông hy vọng cả hai sẽ không cần phải lái chiếc máy bay chiến đấu đó.

Nếu công nghệ liên quan thành công, máy bay chiến đấu AI tự lái sẽ thông minh hơn, hiệu quả hơn và có giá trị kinh tế hơn so với máy bay chiến đấu có người lái thông thường.

Quân chủng Không quân Mỹ (USAF) đã đặt hàng một phi đội gồm hơn 1.000 chiếc máy bay không người lái AI. Những máy bay này có khả năng "thực hiện các nhiệm vụ cơ động có tính rủi ro cao hơn" so với máy bay chiến đấu do người lái.

Giá bán của mỗi máy bay chiến đấu AI là khoảng 10-20 triệu USD, thấp hơn nhiều so với máy bay chiến đấu truyền thống do phi công điều khiển. Hiện nay, một máy bay chiến đấu F-35 có giá 100 triệu USD, trong khi một máy bay ném bom B-21 có giá tới 750 triệu USD.

Chiếc máy bay chiến đấu F-16D được hoán cải thành máy bay AI tự lái (Ảnh: DARPA).

Những yếu tố này có thể rất quan trọng đối với sự kiểm soát bầu trời của Mỹ trong các cuộc chiến tranh trong tương lai. Lầu Năm Góc hồi tháng 3/2024 cho biết rằng họ sẽ tìm cách phát triển loại máy bay chiến đấu mới được điều khiển bằng AI. Những máy bay không người lái được trang bị đầy đủ vũ khí này sẽ hiệp đồng tác chiến với máy bay chiến đấu có người lái. Ngoài ra, chúng có thể đóng vai trò là máy bay trinh sát hoặc trung tâm liên lạc.

Đồng thời, Lầu Năm Góc cho biết sẽ cung cấp hai hợp đồng cho các công ty trong ngành đấu thầu với các nhà thầu hiện tại bao gồm Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman, General Atomics) và Anduril Industries...

Không thay thế hoàn toàn phi công

Cục kế hoạch Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc thông báo trí tuệ nhân tạo do cơ quan này phát triển đã điều khiển máy bay chiến đấu F-16 hoàn thành phi vụ kéo dài 17 giờ gồm cất cánh, hạ cánh và diễn tập chiến đấu.

Chiếc máy bay AI bay thử nghiệm (Ảnh: Lockheedmartin).

Theo báo cáo, chiếc máy bay chiến đấu phản lực được hoán cải từ loại máy bay chiến đấu F-16D, được gọi là "X-62A" hoặc "VISTA", đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại căn cứ không quân Edwards ở California vào tháng 12 năm ngoái.

Thử nghiệm này đánh dấu lần đầu tiên trí tuệ nhân tạo được sử dụng trên máy bay chiến thuật, trước đây chỉ được sử dụng trong mô phỏng trên máy tính về máy bay chiến đấu F-16.

Trong chuyến bay thử nghiệm, một phi công đã ngồi trên máy bay, sẵn sàng điều khiển nếu cần thiết. X-62A hiện đang trải qua một loạt cuộc kiểm tra và sẽ tiếp tục bay trong thời gian tới.

Trung tá không quân Mỹ Ryan Hefron cho biết mỗi chuyến bay của X-62A có nhiều thử nghiệm để kiểm tra thuật toán trong các điều kiện xuất phát khác nhau, chống lại nhiều đối thủ mô phỏng khác nhau và sử dụng vũ khí mô phỏng.

Không quân Mỹ thử nghiệm mô phỏng không chiến máy bay tự lái và máy bay thông thường trên máy (Ảnh: USAF).

Mặc dù X-62A là một chiếc F-16D đã được hoán cải nhưng các thuật toán của nó có thể được lập trình để áp dụng cho nhiều loại máy bay.

Ngay từ tháng 8/2020, DARPA đã cho các máy bay mô phỏng F-16 tự lái đọ sức với nhau trên máy tính, thuật toán chiến thắng đã đánh bại các phi công giàu kinh nghiệm trong một trận không chiến mô phỏng.

Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tiết lộ rằng một máy bay chiến đấu được trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ có cuộc đấu tay đôi ngoài đời thực với một máy bay có người lái vào năm 2024. Đến nay, điều này đã có thể trở thành hiện thực.

Ông Mark Esper khi đó nói trí tuệ nhân tạo sẽ giúp nâng cao toàn diện khả năng chiến đấu của Không quân Mỹ chứ không thay thế hoàn toàn phi công.

Các cơ quan quốc phòng trên thế giới được cho là đang phát triển máy bay chiến đấu tự lái vì chúng có thể tham gia vào các tình huống nguy hiểm mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của phi công. Chúng cũng có thể giảm chi phí đào tạo phi công theo tiêu chuẩn chiến đấu.

(Theo VOA, Chinatimes)

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-thu-nghiem-may-bay-chien-dau-f-16-tu-lai-bang-ai-post174247.html