Mỹ thay đổi tính toán tại Ukraine

Từ chỗ chỉ giúp đỡ Ukraine phòng thủ, Mỹ đã chuyển sang mục tiêu làm suy yếu sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Nga. Điều này khiến giới quan sát phần nào lo ngại vì rủi ro leo thang.

“Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu tới mức không còn làm được những điều mà họ đã làm ở Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố sau chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv hôm 25/4.

Quan chức Mỹ cho biết bình luận của ông Austin không phản ánh sự thay đổi trong chính sách của Nhà Trắng. Nhưng giới quan sát cho rằng phát ngôn này vẫn thể hiện sự chuyển biến đáng chú ý trong tính toán của Mỹ đối với giao tranh Ukraine.

Mỹ được cho là nhằm vào mục tiêu sau cùng là kiềm chế tầm ảnh hưởng của Moscow.

“Đây là một cột trụ mới quan trọng trong chiến lược của Mỹ”, Lauren Speranza, Giám đốc chương trình An ninh và Quốc phòng Xuyên Đại Tây Dương, thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, nói với CS Monitor.

 Những kiện hàng viện trợ cho Ukraine được xếp chồng lên nhau đằng sau Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) và Ngoại trưởng Antony Blinken vào hôm 25/4, sau khi hai vị quan chức Mỹ thăm Kyiv. Ảnh: AFP.

Những kiện hàng viện trợ cho Ukraine được xếp chồng lên nhau đằng sau Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) và Ngoại trưởng Antony Blinken vào hôm 25/4, sau khi hai vị quan chức Mỹ thăm Kyiv. Ảnh: AFP.

Thay đổi rõ rệt

Ba ngày sau bình luận của Bộ trưởng Austin, ngày 28/4, Tổng thống Joe Biden đề nghị Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ 33 tỷ USD cho Ukraine. Khoản viện trợ này lớn hơn gấp đôi so với gói 13,6 tỷ USD hồi tháng 3 và được cho là sẽ giúp Ukraine trong 5 tháng tiếp theo.

Theo đề xuất trên, Mỹ sẽ chuyển giao vũ khí hạng nặng, bao gồm hệ thống phòng ngự tên lửa và xe bọc thép, cho Ukraine. Điều này trái ngược với những gì xảy ra trước đó, khi chính quyền ông Biden tránh cung cấp dạng viện trợ quân sự như trên, một phần là bởi không muốn khiêu khích Nga.

“Ban đầu, chính quyền Biden rất lo ngại bị xem là can thiệp trực tiếp và còn chần chừ khi cung cấp vũ khí tầm xa như máy bay hoặc pháo tầm xa”, ông Richard Hooker, nghiên cứu viên cấp cao thuộc viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ, nói với CS Monitor.

“Nhưng trong khoảng tuần vừa qua, chúng ta đã bắt đầu thấy động thái dường như là sự thay đổi chính sách”, ông Hooker nói.

Chỉ trong vài tuần, Không quân Mỹ lắp ráp những loại drone tác chiến mới và đào tạo người Ukraine cách sử dụng. Sau thời gian do dự ban đầu, Washington cũng chia sẻ thông tin tình báo với Kyiv. Tại Đức và hai địa điểm bí mật khác, Vệ binh Quốc gia Florida đang huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành lựu pháo Mỹ.

 Đầu tháng 4, Mỹ tuyên bố sẽ phối hợp cùng đồng minh để chuyển xe tăng từ thời Xô Viết cho Ukraine. Ảnh: New York Times.

Đầu tháng 4, Mỹ tuyên bố sẽ phối hợp cùng đồng minh để chuyển xe tăng từ thời Xô Viết cho Ukraine. Ảnh: New York Times.

Bên cạnh tăng cường viện trợ, phương Tây còn đẩy mạnh lệnh trừng phạt.

Tuần trước, ông Biden đề xuất đạo luật mới cho phép chính phủ Mỹ bán tài sản tịch thu của các nhà tài phiệt Nga chịu lệnh trừng phạt và lấy tiền đó giúp đỡ Ukraine. Châu Âu gần đây cũng bắt đầu xem xét gói trừng phạt thứ 6, trong đó bao gồm lệnh cấm nhập dầu mỏ từ Nga.

Rủi ro leo thang

Những động thái mới nhất của Mỹ và đồng minh khiến giới quan sát cảm thấy lo ngại trước rủi ro Nga và phương Tây bị cuốn vào cuộc đối đầu trực diện hơn.

“Trong mắt Điện Kremlin, phương Tây không có ý định tốt với Nga. Trước đó điều này được ngầm hiểu, lúc này nó đã được nói ra”, ông Sean Monaghan, chuyên gia về châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói.

Sau phát ngôn của Bộ trưởng Austin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định bằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, NATO đang thực hiện cuộc chiến “ủy nhiệm” với Nga, từ đó làm phát sinh rủi ro xảy ra Thế chiến III với khả năng leo thang hạt nhân.

 Lựu đạn và đạn pháo không nổ còn sót lại từ các cuộc giao tranh tại sân bay Antonov ở Hostomel, ngoại ô Kyiv được gom lại vào ngày 5/5. Ảnh: AP.

Lựu đạn và đạn pháo không nổ còn sót lại từ các cuộc giao tranh tại sân bay Antonov ở Hostomel, ngoại ô Kyiv được gom lại vào ngày 5/5. Ảnh: AP.

Một số nhà quan sát lo lắng rằng thông qua tăng cường viện trợ và đẩy mạnh lệnh trừng phạt, ông Biden đang dồn Nga vào chân tường, nơi Moscow chỉ có thể tiếp tục đấu tranh hoặc đầu hàng. Và từ trước tới nay, Nga chưa bao giờ đầu hàng.

Trên Foreign Policy, George Beebe, cựu Giám đốc phân tích Nga của CIA, cho rằng chính quyền Biden có thể đã quên mất rằng “lợi ích quốc gia quan trọng nhất của Mỹ là tránh xung đột hạt nhân với Nga”.

“Nga có khả năng để đảm bảo nếu họ thua cuộc thì mọi người cùng thua”, ông Beebe nói. “Và đó có thể là cái đích mà chúng ta đang đi đến. Đó là một ngã rẽ nguy hiểm”.

Diễn biến đáng lo ngại nhất gần đây có lẽ là cuộc giao tranh Ukraine lúc này dường như không còn cơ hội được giải quyết bằng ngoại giao, bất chấp việc ông Putin nói vẫn hy vọng về một giải pháp như vậy trong lúc tiếp tổng thư ký Liên Hợp Quốc tới Moscow vào hôm 28/4.

“Chúng ta cần tìm cách nào đó để ngầm truyền đạt tới phía Nga rằng chúng ta sẵn sàng nới lệnh trừng phạt trong bối cảnh có thỏa thuận quốc tế”, ông Beebe nói. “Viện trợ quân sự cho Ukraine cũng có thể được dùng làm đòn bẩy”.

Nhưng tại thời điểm này, các cuộc trao đổi ấy ít có khả năng xảy ra hơn bao giờ hết. Cả hai bên dường như đều chuẩn bị cho một cuộc đối đầu dài hơi.

Hôm 26/4, Bộ trưởng Austin tổ chức hội nghị tại Đức với sự góp mặt của đại diện từ khoảng 40 nước từ khắp thế giới để kêu gọi hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Hội nghị này sẽ được tổ chức hàng tháng.

Phát biểu tại London hôm 27/4, Ngoại trưởng Anh Liz Truss khẳng định phương Tây cần chuẩn bị về lâu về dài.

Kho dầu của phe ly khai tại Ukraine cháy dữ dội Một kho dầu ở thành phố Makiivka, tỉnh Donetsk, Ukraine bốc cháy dữ dội hôm 3/5. Chính quyền địa phương thân Nga cho biết hơn 90 lính cứu hỏa đã được điều động dập lửa.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-thay-doi-tinh-toan-tai-ukraine-post1314737.html