Mỹ tăng áp lực với Đức về các biện pháp trừng phạt Nga

Mỹ đang gia tăng sức ép với Đức để tiếp tục thúc đẩy ý tưởng thiết lập một kế hoạch trừng phạt nghiêm khắc mới nhằm vào Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chuyên gia tư vấn chính trị Lucas Leiroz, nhà nghiên cứu Khoa học xã hội tại Đại học Rio de Janeiro bình luận trên trang globalresearch.ca rằng, mới đây các quan chức Mỹ đã trình bày bản dự thảo gói biện pháp trừng phạt Nga trong chuyến công du tới Berlin với mục tiêu rõ ràng là bóp nghẹt Nga về mặt kinh tế. Chuyến thăm của phái đoàn Mỹ tới Berlin dường như là nỗ lực nhằm ép buộc Đức áp dụng cùng một lập trường chống Nga mà Washington đã đặt ra.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại sân bay Brandenburg trong chuyến thăm Đức mới đây. Ảnh: DW

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại sân bay Brandenburg trong chuyến thăm Đức mới đây. Ảnh: DW

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố một gói trừng phạt nhằm vào Nga rong chuyến công du tới Berlin vào tuần trước. Chương trình do William Burns, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, thiết kế với mục tiêu chính là kích động một cuộc bao vây kinh tế mạnh mẽ nhằm vào Moskva trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Ukraine. Cũng cần nói thêm rằng ngoài các biện pháp kinh tế, còn có các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực ngoại giao, với mục tiêu giảm số lượng nhân viên ngoại giao Nga ở nước ngoài càng nhiều càng tốt.

Theo ông Leiroz, năng lực xuất khẩu của Nga là mục tiêu chính của gói trừng phạt mới. Hàng hóa và vũ khí là những lĩnh vực chiến lược có giá trị cao trong nền kinh tế xuất khẩu của Nga - và chương trình mới nhằm mục đích ngăn chặn các quốc gia khác có thể mua những sản phẩm này từ Nga. Theo dữ liệu do tờ Bild của Đức tiết lộ, nếu các lệnh trừng phạt thực sự được thực hiện, tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Nga sẽ tương đương hơn 50 tỷ USD - đó là lý do tại sao, tờ báo kết luận rằng Mỹ và phương Tây muốn tấn công Nga với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu thô lớn nhất thế giới.

Tờ Bild cũng đề cập rằng trong thời gian ở Berlin, ông Blinken tuyên bố rằng Mỹ muốn làm rõ tất cả các điểm của gói trừng phạt mới với các đồng minh của Washington trên thế giới, để mọi biện pháp được thực hiện. Ông nhấn mạnh các hạn chế mới là nhằm chặn các tuyến đường thương mại của Nga trên khắp thế giới, chặn các tuyến đường cung cấp mà Nga sử dụng và đảm bảo giảm mạnh nhân viên của các đại sứ quán Nga ở những nước phương Tây. Bên cạnh đó, ông Blinken đã phớt lờ mọi yêu cầu của các quan chức Đức về việc tiếp cận theo đường lối ngoại giao ít cứng rắn hơn.

Đức có lợi ích rất rõ ràng để yêu cầu cách tiếp cận ngoại giao hơn: vấn đề khí đốt. Berlin kêu gọi Washington thiết lập một chính sách mềm mỏng hơn, cam kết rằng hoạt động của Dự án dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ bị tê liệt nếu tình hình tiếp tục leo thang ở Ukraine, nhưng loại trừ khả năng hủy bỏ hoàn toàn hợp tác năng lượng. Ngược lại, Mỹ vẫn tiếp tục lập trường phản đối đường ống dẫn khí đốt trên, coi đây là điều không thể chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện tại ở Ukraine.

Xét về mặt nào đó, trong tình hình hiện nay, Mỹ đang đảm nhận vị trí lãnh đạo một liên minh chống lại Berlin trong lục địa châu Âu. Lập trường chủ quyền của Chính phủ Đức, vốn muốn bảo vệ lợi ích của chính mình trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây, không chỉ làm mất lòng Washington, mà còn cả Ba Lan và Ukraine, những nước muốn duy trì độc quyền vận chuyển khí đốt qua các tuyến đường cũ.

Với việc Mỹ phản đối Đức mua khí đốt của Nga, trục đường ống Ba Lan-Ukraine trở thành lựa chọn duy nhất cho Berlin. Tương tự như vậy, Anh, quốc gia đã áp dụng chính sách hoàn toàn theo Washington, ủng hộ tất cả các biện pháp này và tán thành việc hủy bỏ Nord Stream 2, thay thế bằng các tuyến vận chuyển khí đốt cũ. Điều này đang góp phần hình thành trục mới giữa Mỹ, Anh, Ba Lan và Ukraine để gây áp lực buộc Đức phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp chống Nga.

Trong nước, Chính phủ Đức cũng bị áp lực và chia rẽ, vì có nhiều quan chức ủng hộ Washington trong chính quyền mới, với thực tế là EU cũng bị phân cực trong vấn đề này. Do đó, việc ông Blinken lựa chọn đến Berlin có một ý nghĩa rất rõ ràng: gia tăng áp lực buộc Chính phủ mới ở Đức phải loại bỏ lập trường không phù hợp với kế hoạch trừng phạt.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-tang-ap-luc-voi-duc-ve-cac-bien-phap-trung-phat-nga-20220128173117382.htm