Mỹ 'quá tải chiến lược'?

Vào thời điểm các nguồn lực chiến lược của quân đội Mỹ đang chịu áp lực nặng nề do cuộc chiến ở Ukraine, xung đột Israel và lực lượng vũ trang Hamas lại nổ ra. Bên cạnh cam kết của quân đội Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã có một nghi ngại rằng Mỹ có bị 'quá tải chiến lược'.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford

Tàu sân bay thế hệ mới nhất của Hải quân Mỹ USS Gerald R. Ford đã đến phía Đông Địa Trung Hải, tăng cường vận chuyển trang thiết bị và đạn dược cho Israel. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cam kết sẽ viện trợ quân sự hơn nữa cho Israel. Dù vậy, giới phân tích cho rằng khả năng quân đội Mỹ trực tiếp hành động quân sự là rất nhỏ.

GS Douglas Streusand, Trường Chỉ huy và tham mưu lính thủy đánh bộ Mỹ, nhận định, dù Hamas có lượng lớn rocket dự trữ, Israel vẫn đủ sức đối phó với Hamas nên rất khó xảy ra khả năng Mỹ hành động quân sự tại đây.

GS Aaron Danis, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới của Mỹ, cũng nhìn nhận, tình hình hiện tại không cần quân đội Mỹ đối phó với Hamas ở Dải Gaza. Dù quân đội Mỹ có lực lượng tấn công và năng lực điều chuyển mà không quốc gia nào có được, nhưng các mục tiêu chiến lược của Washington nằm rải rác trên khắp thế giới. Sau chiến tranh lạnh, quân đội Mỹ nỗ lực duy trì khả năng giành chiến thắng đối với tình huống bất ngờ xảy ra ở các khu vực quan trọng. Nhưng cùng với thời gian, tiêu chuẩn này đã và đang bị hoài nghi.

Quỹ Di sản, tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, công bố một báo cáo cho biết chỉ số sức mạnh quân sự Mỹ năm 2023 chỉ ra rằng Mỹ không thể đảm nhiệm thêm nhiều sứ mệnh, không đủ năng lực để xử lý xung đột cùng một lúc ở 2 khu vực quan trọng.

GS Brands, Trường Nghiên cứu quốc tế cấp cao của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), từng dự đoán vào năm 2022 rằng, Mỹ không chỉ phải đối mặt với tình hình căng thẳng liên tục ở Thái Bình Dương mà còn cả cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng ở Trung Đông. Những điều này có thể ám chỉ vấn đề sâu xa, đã tích tụ nhiều năm: Sự quá tải chiến lược.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng quân đội Mỹ vẫn có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề thực tế.

Theo chuyên gia Dennis Snower, Viện Kinh tế thế giới Kiel của Đức, việc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford được cử đến Địa Trung Hải là đang tận dụng các nguồn lực hiện có đã được triển khai ở Địa Trung Hải và sẽ không cắt giảm năng lực ở nơi khác.

Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair tự tin, ngay cả khi cần tăng thêm quân ở vùng Vịnh, Mỹ vẫn có thể đảm bảo trong thời gian ngắn. Một số điều chỉnh chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ không ảnh hưởng đến khả năng điều chuyển quân sự của Mỹ ở Trung Đông.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/my-qua-tai-chien-luoc-post715637.html