Mỹ phóng tên lửa Minuteman 3 thất bại, Nga thử nghiệm thành công Bulava

Vụ phóng tên lửa xuyên lục địa Minuteman 3 của Mỹ thất bại, ngay lập tức, Quân đội Nga thử nghiệm thành công tên lửa Bulava mới nhất phóng từ tàu ngầm Borey-A. Đây là những đòn ăn miếng trả miếng giữa hai bên?

Trên website của Không quân Mỹ, vào ngày 2/11, Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ (AFSTRAT-AIR) đã tổ chức vụ phóng thử định kỳ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman-3 tại Căn cứ Không quân Vandenberg ở bang California.

Tuy nhiên, một tình huống bất ngờ đã xảy ra trong giai đoạn bay sau khi tên lửa được phóng; buộc Quân đội Mỹ phải kích nổ tên lửa trên khu vực Thái Bình Dương. Đây thường là một cách giải thích hợp lý khi nói rằng, vụ phóng tên lửa đã thất bại. Quân đội Mỹ ban đầu muốn "uốn cong cơ bắp" để chứng tỏ sức mạnh hạt nhân của mình, nhưng cuối cùng lại phải bối rối .

Nhưng chỉ 3 ngày sau, Nga lại có động thái mới, theo thông tin của hãng tin nhà nước Nga RIA Novosti, ngày 5/11, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Type 955A Borey-A của Hải quân Nga, đã hoàn thành thành công cuộc thử nghiệm tên lửa phóng từ tàu ngầm.

Tối 4/11, tàu Alexander III thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân Type 955A số 2 đã phóng tên lửa đạn đạo Bulava từ dưới mặt nước ở Biển Trắng, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu trên đảo Kula (thuộc bán đảo Kamchatka) đúng như dự định.

Cuộc thử nghiệm tên lửa Bulava là giai đoạn cuối cùng của cuộc thử nghiệm quốc gia của loại tên lửa này. Việc đưa tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 955A thứ hai đi vào hoạt động, sẽ cải thiện lớn cho sức mạnh hạt nhân chiến lược dưới nước của Nga.

Trong thời gian qua, Mỹ và Nga đang “ăn miếng trả miếng”, các vụ phóng thử tên lửa hạt nhân chiến lược liên tiếp, khiến cả hai nước “nồng nặc mùi thuốc súng” và thu hút sự chú ý rộng rãi từ thế giới bên ngoài.

Có hai động lực chính đằng sau việc Mỹ và Nga liên tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân: Thứ nhất, việc phô trương sức mạnh hạt nhân để khiến thế giới “sợ hãi” và khẳng định vai trò “siêu cường”. Mỹ luôn cho rằng, việc phóng tên lửa Minuteman-3 là "các vụ phóng thử nghiệm thông thường".

Quân đội Mỹ thường tổ chức phóng thử nghiệm mỗi năm một lần để thử nghiệm tên lửa Minuteman-3 được lưu trữ trong các hầm phóng. Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder trong cuộc họp báo ngày 31/10 cho biết “Tên lửa Minuteman-3 được kiểm tra ngẫu nhiên để suy ra trạng thái sẵn sàng chiến đấu đang làm nhiệm vụ trong hầm phóng”.

Tuy nhiên, lịch trình cụ thể rất “linh hoạt”, số lượng và thời gian phóng thử nghiệm mỗi năm đều khác nhau. Hơn nữa, trong lần phóng thử nghiệm này, Giám đốc Văn phòng Chính sách quốc phòng của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã được mời trước tới quan sát cuộc thử nghiệm. Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về chính sách vũ trụ Vipin Nalan cũng tham gia quan sát vụ phóng này.

Thứ hai là trò chơi giữa Mỹ và Nga trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ngày 2/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật thu hồi việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, luật có hiệu lực kể từ ngày ký kể từ khi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung Mỹ-Nga hết hạn vào năm 2019.

Hiệp ước “Cắt giảm vũ khí chiến lược mới” đã trở thành hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Mỹ và Nga. Nhưng cần chỉ ra rằng, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện không phải là hiệp ước song phương giữa Mỹ và Nga mà cần có sự chấp thuận chung của 44 quốc gia trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân và có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân trước khi có thể thực hiện. Tuy nhiên, do Mỹ chưa phê chuẩn nên hiệp ước này chưa bao giờ thực sự có hiệu lực.

Khi Duma Quốc gia Nga và Hội đồng Liên bang liên tiếp thông qua việc rút phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện vào tháng 10, Mỹ cũng đáp trả theo cách tương tự và tiến hành một vụ thử hạt nhân tại địa điểm thử hạt nhân ở Nevada vào ngày 18/10. Cuộc thử nghiệm được thực hiện "chỉ vài giờ sau khi Nga rút khỏi việc phê chuẩn hiệp ước".

Mục đích chính của việc Nga rút lại phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, là để theo đuổi vị thế bình đẳng với Mỹ trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Cái gọi là hiệp ước kiểm soát vũ khí do Mỹ đề xuất chỉ có thể hạn chế các nước khác chứ không thể kiểm soát.

Hơn nữa, quy mô và chất lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với những điều kiện tiên quyết như vậy, việc khởi động một hiệp ước kiểm soát vũ khí, nhằm giảm thiểu vũ khí hạt nhân của các quốc gia khác là không hợp lý.

Nga muốn có được vị thế ngang bằng với Mỹ trong hiệp ước kiểm soát vũ khí thông qua các biện pháp cứng rắn, từ đó đạt được sự cân bằng chiến lược với Mỹ. Tuy nhiên, sự cân bằng đó đòi hỏi sự thống nhất về các giá trị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga là quốc gia thừa kế Liên Xô về toàn bộ vũ khí hạt nhân; nhưng với lực hiện tại, việc đạt được sự cân bằng chiến lược hạt nhân với Mỹ là rất khó; do vậy Nga phải tìm cho mình lối đi riêng, nhằm khẳng định vai trò siêu cường hạt nhân.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/my-phong-ten-lua-minuteman-3-that-bai-nga-thu-nghiem-thanh-cong-bulava-1920914.html