Mỹ phản ứng quyết đoán trước 'Xoay trục' của Duterte sang Trung Quốc

Cuộc “đảo chính” thoát Mỹ, thân Trung đã được thực hiện ngoạn mục ở Bắc Kinh.

Philippines là một đồng minh lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á, và gần đây nhất là một đồng minh gần gũi nhất. Mỹ cai trị Philippines từ năm 1899 đến năm 1942. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ và Philippines cùng chống sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản. Năm 1951, hai nước ký hiệp ước an ninh. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và Chiến tranh Việt Nam, Philippines để Mỹ sử dụng căn cứ không quân Clark và hải quân Vịnh Subic. Năm 1992, các căn cứ này đóng cửa khi làn sóng chống Mỹ lên cao. 3 năm sau, bãi Vành Khăn do Philippines kiểm soát rơi vào tay Trung Quốc, người Philippines thấy rằng họ tự mình không thể chống chọi được với Trung Quốc. Năm 2012, Trung Quốc lại kiểm soát nốt bãi cạn Scarborough sau gần 3 tháng xung đột.

Từ 2012, nước Mỹ Xoay trục sang châu Á và Philippines trở thành một mắt xích trọng yếu. Năm 2014, hai nước ký hiệp định cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thường xuyên hơn các căn cứ quân sự ở Philippines và tăng cường nhịp độ tập trận huấn luyện và hợp tác quân sự.

Việc ông Duterte trúng cử tổng thống Philippines có sự hỗ trợ của các tỷ phú Philippines gốc Hoa và đàng sau họ là Trung Hoa. Bắc Kinh đã thành công khi phát huy “quyền lực ngầm” trong đời sống chính trị Philippines. Ông Duterte vốn là nhân vật trung tả, từ thời sinh viên đã cảm tình với Đảng Cộng sản Philippines và lực lượng vũ trang Maoit của Đảng này. Khi ông tuyên bố với cử tọa Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân “Mỹ đã thất bại”, thì dường như ông đã ám chỉ đến sự thất bại của Mỹ trước Trung Quốc tại Philippines: “Tại cuộc gặp này, tôi tuyên bố chia tay với Mỹ. Mỹ đã thất bại, có thể không phải là về mặt xã hội, song chắc chắn là về cả về quân sự cũng như kinh tế”.

Bắc Kinh hài lòng với các phát biểu "thân Trung" và "chia tay Mỹ" của Tổng thống Philippines

Cuộc “chia tay” này, nếu có thể diễn ra, như một nhận xét trên tạp chí Mỹ Chính sách Đối ngoại ngày 20/10, chỉ là vì tâm lý lập dị. Tại cuộc gặp nêu trên ở Bắc Kinh, ông nói: “Tôi có chung các quan điểm tư tưởng với các bạn, và có thể tôi cũng sẽ tới Nga để nói chuyện với Putin và nói với ông ấy rằng ba nước chúng ta - Trung Quốc, Philippines và Nga - cùng chống lại thế giới. Đó là cách duy nhất”.

Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Philippines, chiếm 10,5%; đứng thứ nhất là Nhật Bản, thứ ba là Mỹ, thứ tư là Singapore – ba nước chiếm 42,7% kim ngạch ngoại thương của Philippines.

Tại Bắc Kinh, hai bên đã lập ra cơ chế thương lượng để giải quyết những bất đồng trên biển. Với cuộc chơi “thân Trung”, Philippines có trở thành một cứ điểm thứ hai của Trung Quốc ở Đông Nam Á hay không, còn hạ hồi phân giải.

R. Duterte là tổng thống thân Trung giữa một đất nước thân Mỹ. Đó là nguyên nhân các mâu thuẫn và không nhất quán trong phát biểu và bình luận của ông này về quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Mỹ vẫn đang có được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Philippines: Hơn ¾ người dân Philippines cho biết họ vẫn đặt lòng tin to lớn vào Mỹ, chỉ có dưới ¼ bày tỏ sự tin tưởng với Trung Quốc. Những lời ca ngợi của ông Duterte đối với chế độ Tập Cận Bình đã làm dấy lên những chỉ trích trong nước.

Mỹ làm lễ chuyển giao một máy bay tuần thám cho quân đội Philippines ngay khi Tổng thống Duterte tuyên bố Xoay trục sang Trung Quốc

Phản ứng của Mỹ quyết đoán nhưng không quá khích

Trở về Philippines, một ngày sau, Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines “không thể tách khỏi Mỹ”. Hoặc khi thăm Tokyo, ông này nói, Philippines chỉ có một “đồng minh quân sự duy nhất là Mỹ” và quan hệ đồng minh đó “vẫn hiện hữu”. Nhưng đó là cách vừa đấm vừa xoa của nhà lãnh đạo Philippines. Cuộc “đảo chính” thoát Mỹ, thân Trung đã được thực hiện ngoạn mục ở Bắc Kinh. Và chính quyền Philippines đã được trả giá cao, qua việc Bắc Kinh đồng ý rót cho Manila 34 tỷ USD cho các chương trình đầu tư và cho vay nhẹ lãi. Theo Ramon Lopez, Bộ trưởng Thương mại Philippines, trong gói tài trợ này, có 9 tỷ USD tín dụng ưu đãi cho cơ sở hạ tầng và 15 tỷ USD đầu tư.

Ngày 21/10, Mỹ đã cử tàu khu trục USS Decatur thực hiện Tuần tra Tự do hàng hải (FONOP) gần đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Tàu chiến Mỹ đi ngoài vùng biển 12 hải lý của các đảo này, để làm cho cuộc tuần tra phù hợp với thông lệ quốc tế và giảm tính khiêu khích đối với Trung Quốc.

Sự kiện này có 3 ý nghĩa: Một, khẳng định tiếp tục chính sách Xoay trục của Mỹ tại châu Á, Biển Đông là một trọng điểm, dù hải quân Mỹ có thể hay không sử dụng các căn cứ tại Philippines. Hai, Mỹ vẫn quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải ngang qua Biển Đông của 5,3 ngàn tỷ USD hàng hóa, trong đó có 1,2 ngàn tỷ USD của Mỹ. Ba, Mỹ chống lại bất cứ quốc gia nào bá quyền Biển Đông hay các vùng biển trọng điểm khác.

Ngày 24/10, Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Văn phòng Đông Á-Thái Bình Dương Bộ Ngoại giao Mỹ, thăm Manila, nói với Ngoại trưởng nước chủ nhà: “Hàng loạt tuyên bố, bình luận gây tranh cãi và bầu không khí thực sự không chắc chắn về các ý định của Philippines đã tạo ra lo ngại tại một số nước, không riêng gì Mỹ”.

Mỹ đã rất khôn ngoan không phản ứng quá mạnh với những lời xúc phạm của ông Duterte, nhấn mạnh tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh và hợp tác song phương.

Chính quyền Philippines không dễ tiêu hóa 34 tỷ USD được cam kết. Trung Quốc thông qua cơ chế đàm phán được hai bên lập ra tại Bắc để đưa quan hệ Trung-Phi vào quỹ đạo mong muốn đối với Bắc Kinh. Có tin, các ngư dân Philippines sẽ sớm được trở lại hoạt động tại vùng biển Scarborough.

Những biến động khá kịch tính của quan hệ Philippines với Mỹ và Trung Quốc phản ánh tính phức tạp của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Chỉ có kiên định lập trường nguyên tắc, đồng thời biết vận dụng khôn khéo các đòn bẩy chiến lược, chiến thuật mới có thể tham gia vào cuộc chơi địa-chính trị , tối ưu hóa lợi ích quốc gia./.

Nguyễn Ngọc Trường

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/my-phan-ung-quyet-doan-truoc-xoay-truc-cua-duterte-sang-trung-quoc-216258.html