Mỹ nỗ lực tìm kiếm phương tiện đối phó với vũ khí siêu vượt âm của Nga

Không khó hiểu trước những động thái mới đây của Mỹ liên quan tới việc phát triển các dòng vũ khí mới đối phó với tên lửa siêu vượt âm tương lai của Nga như Kinzhal hay Vanguard. Trong khi chưa có các loại vũ khí làm đối trọng, Lầu Năm góc buộc phải mở rộng hầu bao để nhanh chóng đuổi kịp Nga và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển và đối phó với vũ khí siêu vượt âm mới. Tuy nhiên, chúng có thành công hay không thì vẫn còn quá sớm để khẳng định.

3 chương trình vũ khí phòng thủ truyền thống

Để đối phó với vũ khí siêu vượt âm tương lai, tháng 11-2018, Cơ quan Nghiên cứu và phát triển công nghệ tương lai (DAPRA) thuộc Lầu Năm góc đã mở gói thầu tìm kiếm, thiết kế các tổ hợp vũ khí đánh chặn mới. Sau gần 1 năm, kết quả gói thầu này được chia cho 3 tập đoàn vũ khí hàng đầu của Mỹ là Lockheed Martin, Boeing và Raytheon. Các nhà thầu Mỹ đều đi theo hướng phát triển truyền thống là tạo ra một tổ hợp vũ khí đánh chặn đủ nhanh để đối với vũ khí siêu vượt âm có tốc độ bay gấp nhiều lần tốc độ âm thanh (Mach).

Cụ thể, Lockheed Martin được nhận 4,442 triệu USD để phát triển khái niệm phòng thủ ngăn chặn vũ khí siêu vượt âm ở giai đoạn cuối - Hypersonic Terminal Hypersonic Terminal. Theo đó, Lockheed Martin sẽ phát triển phương tiện đánh chặn Valkyrie với kỳ vọng đối phó được với các loại vũ khí siêu vượt âm hiện đại của Nga và Trung Quốc.

 Để nhanh chóng có phương tiện đối phó với vũ khí siêu vượt âm tương lai, Mỹ đang đẩy mạnh quá trình phát triển và nâng cấp phương thức lá chắn tên lửa truyền thống. Ảnh: Tổ hợp Aegis và tên lửa đánh chặn SM-3 / DefenseTalk.

Để nhanh chóng có phương tiện đối phó với vũ khí siêu vượt âm tương lai, Mỹ đang đẩy mạnh quá trình phát triển và nâng cấp phương thức lá chắn tên lửa truyền thống. Ảnh: Tổ hợp Aegis và tên lửa đánh chặn SM-3 / DefenseTalk.

Raytheon Missile Systems nhận hợp đồng phác thảo và nâng cấp tổ hợp phòng thủ tên lửa SM-3-HAWK trị giá 4,445 triệu USD. Thực tế, SM-3-HAWK được xây dựng trên nền tảng các tổ hợp phòng thủ tên lửa hiện có như RIM-161 SM-3 được trang bị trên nhiều chiến hạm của Hải quân Mỹ. Tổ hợp tên lửa đánh chặn mới sẽ kết hợp với hệ thống điều phối hỏa lực Aegis và giếng phóng thẳng đứng Mk-41 để mở rộng chức năng đánh chặn các mục tiêu bay ở nhiều tầng khí quyển Trái Đất. Sau khi phát triển thành công, SM-3-HAWK có thể được Mỹ triển khai cùng các hệ thống Aegis Ashore ở Ba Lan và Rumania.

Còn lại là Boeing sẽ nhận hợp đồng trị giá 4.357 triệu USD phát triển khái niệm về vũ khí đánh chặn siêu âm - Hypervelocity Interceptor Concept for Hypersonic Weapons (HYVINT). Đây có thể là bước tiến mở rộng của chương trình phát triển vũ khí siêu âm X-51A Waverider đã tiến hành từ năm 2010. Trong một số thử nghiệm, nguyên mẫu tên lửa X-51A đã đạt tốc độ bay tới Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Các vụ thử nghiệm tên lửa X-51A có thể được nối lại trong năm 2020.

 Cùng với phòng thủ, vũ khí tấn công như X-51A Waverider cũng cần thiết. Ảnh: Boeing.

Cùng với phòng thủ, vũ khí tấn công như X-51A Waverider cũng cần thiết. Ảnh: Boeing.

Cùng với việc tìm kiếm vũ khí đánh chặn và đối phó mới, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tính tới khả năng mở rộng không gian phòng thủ lên quỹ đạo Trái Đất. Đầu năm 2019, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Michael Griffin nhấn mạnh, Mỹ cần tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa lên vũ trụ. Trước sự phát triển vũ khí siêu vượt âm mới của Nga và Trung Quốc, Mỹ cần hệ thống cảm biến cảnh báo sớm quy mô và nhạy hơn.

Tuy nhiên, để trở thành hiện thực, Lầu Năm góc cần thêm nhiều thời gian và những khoản chi phí khổng lồ. Ngoài ra, việc quân sự hóa không gian có thể tạo ra những mối đe dọa mới ngoài sức tưởng tượng, khi khởi đầu cho cuộc chạy đua vũ trang vào vũ trụ giữa các siêu cường.

Vũ khí laser và sóng năng lượng cao

Đầu tháng 9-2019, Văn phòng thử nghiệm và phát triển chiến lược (SDPE) thuộc Không quân Mỹ đã công bố kế hoạch phát triển các tổ hợp vũ khí năng lượng cao hợp nhất với tên mã là ONE nhằm mục đích bảo vệ các căn cứ quân sự của Mỹ khỏi mối đe dọa của tên lửa hành trình và phương tiện bay không người lái. Chính sự xuất hiện của các loại tên lửa hành trình Kalibr hay Burevestnik của Nga và kho vũ khí đang ngày một mở rộng của Trung Quốc đã khiến Lầu Năm góc phải tính toán tới khả năng phát triển ONE với trọng tâm là vũ khí laser và sóng năng lượng cao.

Theo định hướng của SDPE, vũ khí phòng thủ laser và sóng năng lượng mới sẽ không phải là các tổ hợp vũ khí độc lập, mà sẽ là một thành phần tích hợp trong các tổ hợp vũ khí phòng thủ tên lửa truyền thống như tên lửa đánh chặn. Mục tiêu chính của ONE là tạo ra sự kết hợp giữa vũ khí đánh chặn động năng và năng lượng cao để nâng cao hiệu quả phòng thủ.

 Mỹ là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực vũ khí năng lượng cao, laser, nhưng những kết quả đạt được chưa xứng với nguồn tài chính bỏ ra. Ảnh: US Navy.

Mỹ là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực vũ khí năng lượng cao, laser, nhưng những kết quả đạt được chưa xứng với nguồn tài chính bỏ ra. Ảnh: US Navy.

 Những khó khăn về công nghệ vẫn là rào cản để vũ khí năng lượng cao được phổ biến rộng rãi. Ảnh: Raytheon.

Những khó khăn về công nghệ vẫn là rào cản để vũ khí năng lượng cao được phổ biến rộng rãi. Ảnh: Raytheon.

Ý tưởng về việc sử dụng vũ khí dạng sóng năng lượng cho nhiệm vụ phòng thủ tên lửa không phải là mới, nhưng đã từng có nhiều dự án chết yểu tại Mỹ. Tuy nhiên, việc Nga triển khai tổ hợp vũ khí laser Peresvet có thể đã khiến giới chức Lầu Năm góc phải suy nghĩ lại về việc tái khởi động hướng phát triển vũ khí năng lượng đầy tiềm năng này.

Cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Michael Griffin từng khẳng định, Quân đội Mỹ sẽ tiếp nhận các tổ hợp vũ khí laser mới trong vòng 2-3 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách dành cho phát triển vũ khí năng lượng cao sẽ được tăng gấp 3-4 lần so với hiện tại. Đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh Quốc hội Mỹ yêu cầu Lầu Năm góc cắt giảm chi phí quốc phòng. Nhiều chương trình vũ khí năng lượng cao được cho là tiềm năng đã bị bác bỏ khi đệ trình lên Quốc hội Mỹ.

TUẤN SƠN (theo RIA, Lenta)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/my-no-luc-tim-kiem-phuong-tien-doi-pho-voi-vu-khi-sieu-vuot-am-cua-nga-591649