Mỹ nghiên cứu tích hợp vũ khí siêu thanh trên máy bay ném bom B-52

Không quân Mỹ đang nghiên cứu thử nghiệm để tích hợp vũ khí siêu thanh trên máy bay ném bom B-52 Stratofortress, một vai trò mà chúng phù hợp hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác của Mỹ, và sự thành công chắc chắn sẽ tác động đến các mô hình ném bom và tấn công đường không hiện có.

B-52 - tên lửa siêu thanh: “song kiếm hợp bích”?

Tháng 8/2018, trong cuộc họp tại Căn cứ không quân Tinker ở Oklahoma, Đại tá Không quân Mỹ - Giám đốc Chương trình Hệ thống B-1 và B-52, đã thông báo về kế hoạch liên quan đến hai máy bay ném bom B-1 và B-52. Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2016-2022, không quân sẽ tiến hành trình diễn ít nhất 7 hệ thống vũ khí, bao gồm các vũ khí chiến lược có khả năng hạt nhân khác nhau từ B-52, và 4 loại vũ khí siêu thanh đang trong quá trình phát triển.

Mỹ đang tích cực nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh. Nguồn: law-in-action.com

Mỹ đang tích cực nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh. Nguồn: law-in-action.com

Không quân Mỹ có kế hoạch thử nghiệm trước tiên trên B-52 vũ khí "Lượn Tăng cường Chiến thuật" (Tactical Boost Glide - TBG), mà họ đang hợp tác với Cơ quan phụ trách Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) và nguyên mẫu dự kiến hoạt động vào năm 2023. Không quân cũng đang làm việc với DARPA về tên lửa siêu thanh thở bằng không khí được gọi là "Xu hướng vũ khí thở siêu âm" (Hypersonic Air-breathing Weapon Concept - HAWC) có tốc độ bay từ Mach 5-10.

Bài thuyết trình của Đại tá Reynolds cũng đề cập đến việc tích hợp một “vũ khí đặc biệt” - thuật ngữ lâu đời ám chỉ vũ khí hạt nhân, trên B-52, trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2016-2021. Đây cũng có thể là một tên lửa hành trình tầm xa ngoài tầm nhìn (Long Range Stand Off - LRSO), có thể mang đầu đạn hạt nhân. Mặc dù tên vũ khí tấn công siêu thanh thông thường (Hypersonic Conventional Strike Weapon – HCSW) ám chỉ sẽ là phi hạt nhân, nhưng có thể ARRW có khả năng hạt nhân.

Không quân Mỹ đã hoàn thành một lần bắn mục tiêu mô phỏng cách xa 1.110 km bằng vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (Air-Launched Rapid Response Weapon – ARRW) AGM-183, khi B-52 nhận dữ liệu mục tiêu từ các cảm biến cách 1.600 km tại Căn cứ Liên hợp Elmendorf-Richardson, Alaska. ARRW là một loại vũ khí siêu thanh mới, có thể đạt tốc độ Mach 7. Mặc dù Mỹ đã có vũ khí siêu thanh đang phát triển khá nhanh, nhưng sự thúc đẩy gia tăng trong những năm gần đây một phần là do các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh và vũ khí mới của Nga và Trung Quốc.

Tháng 8/2018, Trung Quốc thông báo đã phóng thử thành công một phương tiện siêu thanh mới, được gọi là Starry Sky 2, được cho là đạt tốc độ tối đa Mach 6, tương tự với X-51A Waverider của không quân Mỹ. Tháng 3/2018, Nga cho biết họ đang tạm dừng công việc chế tạo một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới để tập trung phát triển phương tiện bay siêu thanh có khả năng mang tên lửa hạt nhân Avangard. Điện Kremlin đã đưa Kinzhal, một biến thể phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo Iskander có khả năng đạt tốc độ siêu âm vào trang bị…

Pháo đài bay B-52 là một trong những ứng viên nặng ký mang vũ khí siêu thanh. Nguồn: nationalinterest.org

Pháo đài bay B-52 là một trong những ứng viên nặng ký mang vũ khí siêu thanh. Nguồn: nationalinterest.org

Tốc độ cực cao và tầm bắn của vũ khí siêu thanh phù hợp với các bệ phóng không tàng hình, chẳng hạn như B-52, vì chúng cho phép máy bay khai hỏa khi ở cách xa hệ thống phòng không của đối phương. Ngoài ra, B-52 có khả năng chuyên chở tải trọng khá lớn trên khoảng cách xa và mỗi máy bay ném bom, tùy thuộc vào kích thước của các thiết kế ARRW và HCSW trong tương lai của không quân, có thể mang một lượng vũ khí lớn hơn đáng kể so với các phương tiện mang sẵn có khác. B-52 cũng có thể tấn công các mục tiêu sâu hơn bên trong lãnh thổ của đối phương bằng cách bay đến ngay rìa của các mạng lưới phòng thủ.

Máy bay ném bom nói chung mang lại sự linh hoạt hơn khi có thể duy trì cảnh báo trên không gần một khu vực nhất định, hoạt động như một biện pháp ngăn chặn tiềm năng đối với một cuộc xung đột và dễ dàng hủy kế hoạch nếu cần thiết để giảm leo thang tình hình. Điều này cũng giúp giải thích lý do tại sao không quân có kế hoạch duy trì hoạt động của các B-52 cho đến năm 2050, ngay cả khi họ có kế hoạch cho máy bay ném bom B-1 nghỉ hưu và tiếp tục mua máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider.

Kết hợp với động cơ tiết kiệm nhiên liệu mới và các nâng cấp khác đối với vũ khí thông thường và khả năng chia sẻ dữ liệu, cảm biến và hệ thống phòng thủ, B-52 sẽ là bệ phóng đặc biệt hiệu quả về chi phí để triển khai các loại vũ khí siêu thanh. Điều này cũng có thể giải thích lý do tại sao không quân đang tìm cách mua các giá treo dưới cánh hoàn toàn mới cho B-52 để có thể chuyên chở các tải trọng riêng lẻ nặng tới 9.000 kg. Một chiếc B-52J nâng cấp có lẽ sẽ là một trong những lựa chọn tốt nhất cho nhiệm vụ siêu thanh, trong khi vẫn giữ được khả năng sẵn sàng thực hiện các vai trò thông thường và chiến lược khác khi cần thiết.

Các chương trình nâng cấp hiện tại và trong tương lai đã được khuyến nghị để đảm bảo B-52 sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng của quân đội Mỹ với nhiều năng lực khác nhau. Người Mỹ hy vọng năm 2022 sẽ là năm không quân. Lockheed Martin kết hợp thành công một loạt các thế mạnh của B-52 và tên lửa siêu thanh. Việc bổ sung các loại vũ khí như ARRW và HCSW sẽ khiến máy bay ném bom trở thành thứ không thể thiếu trong các cuộc xung đột trong tương lai, đặc biệt là khi hệ thống vũ khí siêu thanh tiếp tục đóng vai trò trung tâm./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/my-nghien-cuu-tich-hop-vu-khi-sieu-thanh-tren-may-bay-nem-bom-b-52-post911622.vov