Mỹ, Nga chính thức khởi động đàm phán về quân sự ở Syria

Sau những cáo buộc và hàng loạt nghi ngờ về sự hỗ trợ quân sự của Nga cho chính quyền Bashar al-Assad, Bộ trưởng Bộ quốc phòng hai nước Mỹ và Nga đã có cuộc hội đàm chính thức để làm sáng tỏ vấn đề.

Cuộc đàm phán quân sự giữa Mỹ và Nga về cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu vào hôm qua thông qua cuộc gọi điện thoại giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter và người đồng cấp phía Nga ông Sergei Shoygu.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter trong cuộc hội đàm với Nga (Ảnh: AP)

Theo nguồn tin từ Lầu Năm Góc, hai Bộ trưởng đã đàm phán về những quan điểm chồng chéo lên nhau và những khu vực mà quân đội cũng như máy bay chiến đấu của Nga xuất hiện tại Syria.

Nga xác nhận đã gửi máy bay chiến đấu tới Syria để hỗ trợ nước này chống lại IS. Bộ trưởng hai nước cũng nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận về việc làm thế nào để ngăn chặn đụng độ giữa các cuộc không kích của hai nước khi đều nhằm vào IS.

Lực lượng chiến binh Hồi giáo tại Syria đã tấn công lực lượng người Kurd do Mỹ hỗ trợ, trong khi đó, quân đội chính phủ của Syria cũng nhiều lần bị IS tấn công, do đó, chính quyền Assad đã nhờ đến sự hỗ trợ từ phía Nga. Hiện nay cả Nga và Mỹ đều hỗ trợ quân sự cho hai lực lượng đối lập nhau tại Syria để chống lại IS.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga đang tập trung vào việc “cố gắng tìm ra những gì mà Nga có thể làm ở Syria và mục tiêu của Nga tại Syria có phải chỉ là đánh bại IS”.

“Chúng tôi thể hiện quan điểm rõ ràng rằng Mỹ hoan nghênh việc Nga sẽ thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS để đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhưng chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được việc Nga hỗ trợ quân sự cho chính phủ Syria và coi Assad là đối tác tin cậy trong việc chống lại IS”, ông Toner nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các cuộc thảo luận giữa hai bên về vấn đề chuyển đổi thể chế chính trị tại Syria cùng với các cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai nước hiện nay”. Bộ trưởng Lầu Năm Góc cho biết: “Sau khi đánh bại IS, sự chuyển đổi chính trị sẽ diễn ra ngay sau đó, Mỹ và Nga cần làm rõ về vị trí và thế lực của mình tại Syria, khi cả hai nước lớn đều hỗ trợ cho hai lực lượng đối lập nhau tại Syria”.

Trước cuộc hội đàm của Bộ trưởng hai nước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có buổi thảo luận tại London về vấn đề Syria, ông Kerry cho biết Tổng thống Obama “tin rằng Mỹ và Nga cần có nhiều buổi hội đàm trực tiếp với nhau nhiều hơn nữa để làm rõ vấn đề”.

Lầu Năm Góc cũng tiết lộ thông tin cho rằng hiện nay Nga đã xây dựng được một căn cứ quân sự tại Syria, nhiều xe tăng, chuyên gia quân sự, quân nhân cũng như máy bay chiến đấu của Nga đều được gửi đến căn cứ này vào tuần qua. Điều này càng làm dấy lên lo ngại của Mỹ về sự hiện diện quá mạnh của Nga tại Syria – chiến trường chính của Mỹ.

Trước đó, chính phủ Syria do Thủ tướng Bashar al-Assad đứng đầu đã ra lệnh cho việc tiến hành hàng loạt các cuộc không kích nhằm vào lực lượng IS. Tuy nhiên, đại sứ Mỹ tại Syria cho biết, các cuộc không kích này của chế độ độc tài Assad không chỉ nhằm vào IS mà còn nhằm vào lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn.

Cơ quan giám sát nhân quyền tại Syria đã đưa ra hàng loạt cáo buộc về hành động của chính phủ Syria khi hàng chục cuộc không kích vào thứ năm và thứ sáu vừa qua tại Raqqa, Aleppo đã giết chết 53 người dân, trong đó có 15 phụ nữ và trẻ em.

Thành phố Aleppo của Syria sau cuộc không kích của chính quyền Assad (Ảnh: AFP)

“Mỹ nhắc lại rằng tất cả các cuộc không kích của chính phủ Syria là không thể chấp nhận được. Lực lượng chính phủ Syria cần chấm dứt ngay các cuộc không kích bất hợp pháp vào thường dân, bệnh viện, trường học, nhà thờ và nghiêm túc tuân thủ pháp luật quốc tế”, Đại sứ quán Mỹ tại Syria cho biết.

Hiện cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về vấn đề quân sự Syria vẫn chưa đi đến hồi kết khi lãnh đạo hai bên chưa đưa ra được quan điểm thống nhất nào về cuộc khủng hoảng Syria.

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/my-nga-chinh-thuc-khoi-dong-dam-phan-ve-quan-su-o-syria-d54987.html