Mỹ muốn mua tên lửa Kh-35 Nga

Chế tạo và thiết kế các tên lửa hiện đại–đấy là một trong những bí mật lớn nhất của không chỉ Nga-Mỹ-Trung mà còn ở các nước khác trên thế giới.

Trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền cho báo “Izvestia” (Tin tức) Nga ngày 15/5/2017, Tổng công trình sư thiết kế tên lửa Kh-35E của Tập đoàn “Vũ khí tên lửa chiến thuật” (Nga) Nhikolai Vasilev (ảnh) – “người trong cuộc” xịn nhất đã kể về việc tại sao Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) lại sợ và muốn mua những tên lửa này.

Chúng tôi xin được giới thiệu với bạn đọc và phần sau có bổ sung thêm một số thông tin:

- Tên lửa Kh-35E không nổi tiếng như tên lửa có cánh “Calibr”. Nhưng Hải quân Nga và nhiều nước khác đang hăng hái mua các tên lửa này, không chỉ cho các tàu, mà còn để trang bị cho các tổ hợp tên lửa bờ và cho máy bay. Tại sao lại có sự quan tâm như vậy (đối với Kh-35E)?

- Tên lửa kiểu Kh-35E – đấy là tên lửa quy chuẩn đầu tiên của Nga có thể sử dụng được cho các loại phương tiện mang khác nhau.

Trước đó (trước khi có Kh-35E), bản chất cách tiếp cận cổ điển (khi thiết kế tên lửa) là: đối với mỗi loại phương tiện mang khác nhau của các quân chủng (máy bay, máy bay lên thẳng, tàu chiến, các tổ hợp bờ) – thiết kế một kiểu tên lửa riêng.

Chế tạo nhiều kiểu vũ khí như vậy – đó là một thú vui rất tốn kém (nguyên văn).

Chính vì thế, để tối ưu hóa chi phí, đã có quyết định chế tạo một kiểu tên lửa quy chuẩn mà cả máy bay, máy bay lên thẳng, tàu nổi, các tổ hợp tên lửa bờ và trong trường hợp cực kỳ cần thiết thì cả các tàu ngầm đều có thể sử dụng được.

- Ông có thể gọi tên những tên lửa của nước ngoài là đối thủ cạnh tranh của Kh-35E?

- Trước hết, đó là tên lửa Mỹ Harpoon và tên lửa Pháp Exocet. Và nói một cách tổng thể thì bất cứ một quốc gia hiện đại nào muốn duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước mình cũng đều cần phải có loại vũ khí như vậy.

Ngoài tên lửa Mỹ và Pháp, còn có những thiết kế của người Thụy Điển – đấy là tên lửa RBS-15.

Trung Quốc có tên lửa tương tự là C-801. Nhật Bản và Bắc Triều Tiên cũng đang có gắng thiết kế những “sản phẩm” kiểu này.

- Có thể nói gì về Kh-35E nếu so với những tên lửa tương tự của nước ngoài?

- Cho đến cách đây không lâu, kiểu tên lửa “đỉnh” nhất được cho là Harpoon của Mỹ. Nhưng Mỹ chỉ cung cấp Harpoon cho những đồng minh thân cận nhất. Chính vì thế mà những nước khác đã lựa chọn những mẫu “vừa túi tiền hơn”.

Ví dụ như Exocet của Pháp hay C-801 tương tự của Trung Quốc. Tôi thường xuyên được tham gia các cuộc đàm phán với nhiều khách hàng nước ngoài.

Những khách hàng đó, trước khi bắt đầu thương thảo với chúng ta, bao giờ họ cũng đưa ra các phân tích về tất cả các vũ khí tên lửa lớp đó.

Và thú thật, với tư cách là nhà thiết kế, tôi cảm thấy rất vui khi nghe các khách hàng kết luận rằng Kh-35E là một trong tên lửa tốt nhất trong những tên lửa cùng lớp. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân khi tuyên bố rằng:

Kh-35 và biến thể của nó là Kh-35UE không chỉ không thua kém các tên lửa nước ngoài, mà còn có nhiều tham số vượt trội những tên lửa (nước ngoài) đó.

- Ưu thế chủ yếu của tên lửa do các ông thiết kế so với các đối thủ cạnh tranh là gì?

- Bí mật lớn nhất của bất kỳ tên lửa nào – đó là khả năng chống nhiễu của nó, có nghĩa là khả năng “trơ” trước nhiễu của đối phương khi bị tác động.

Nhiễu có thể là nhiễu chủ động, khi các tín hiệu vô tuyến điện tử mạnh làm “điếc” đầu tự dẫn của tên lửa. Và còn cả nhiễu thụ động.

Ví dụ, như cái được gọi là phản xạ lưỡng cực, hoặc các lá kim loạt dát mỏng cắt nhỏ, sợi quang và v.v . Chúng được phóng vào không khí và các đầu tự dẫn radar thu nhỏ tiếp nhận một khối lượng cực lớn các tín hiệu phản xạ và không thể tìm thấy mục tiêu đã cho trước trong số những tín hiệu đó.

Hiệu quả tác chiến của tên lửa được xác định bằng hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất – chính bản thân tên lửa, khả năng tiêu diệt mục tiêu của nó. Ví dụ, chỉ cần một quả tên lửa cũng đủ để đánh chìm một tàu mang tên lửa lượng giãn nước từ 500 đến 1.500 tấn.

Nhưng để có thể bay đến chiếc tàu mang tên lửa này, cần phải, ví dụ, phóng tới 8 quả tên lửa. Bảy quả trong số đó hoặc là sẽ bị bắn hạ, hoặc là bị hệ thống tác chiến điện tử của đối phương vô hiệu hóa. Chỉ có một quả tên lửa tiếp cận được và tiêu diệt mục tiêu.

Khả năng chống nhiễu của tên lửa càng tốt thì càng cần ít tên lửa hơn. Việc sử dụng các đầu tác chiến có khả năng tự bảo vệ tốt sẽ giúp giảm số lượng phương tiện tác chiến cần sử dụng: không cần phải phóng tới 8 quả tên lửa, mà chỉ cần 4 quả.

Tiêu chí thứ hai để đánh giá hiệu quả tác chiến – cái giá tương đối để tiêu diệt mục tiêu. Đấy là tỷ lệ so sánh giữa số lượng tên lửa cần phải sử dụng để tiêu diệt mục tiêu với giá trị của chính mục tiêu.

Các giải pháp kỹ thuật đảm bảo khả năng chống nhiễu của tên lửa – đấy là bí mật quốc gia. Nhưng tôi có thể tiết lộ: khả năng chống nhiễu của Kh-35E tốt hơn nhiều so với các tên lửa của nước ngoài, kể cả Harpoon.

- Có đúng là Mỹ thực sự đã từng muốn mua đầu tự dẫn của Kh-35E để lắp cho các tên lửa Harpoon của mình không?

- Đúng, quả thực là trong các năm 1990, đã có cuộc gặp giữa đại diện Xí nghiệp khoa học – công nghiệp “Radar MMC”, tức là đơn vị sản xuất đầu tự dẫn cho Kh-35E với đại diện Hãng Lockheed (Mỹ).

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-muon-mua-ten-lua-kh-35-nga-3335560/