Mỹ muốn đánh chặn mọi thứ bằng laser

Với hệ thống vũ khí laser công suất 50kw trên xe chiến đấu Stryker, giới quân sự tin rằng họ có thể đánh chặn mọi mục tiêu trong tầm bắn.

Theo Bộ tư lệnh tác chiến tương lai của quân đội Mỹ, hiện nay các nhà phát triển đang tích cực phối hợp với quân đội Mỹ thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống vũ khí laser công suất lớn lên xe chiến đấu Stryker.

"Hệ thống laser trên cỗ xe chiến đấu này sẽ đủ mạnh để đốt cháy bất kỳ mục tiêu nào trong tầm tác chiến như máy bay không người lái, trực thăng, tên lửa hành trình, rocket... Những cuộc thử nghiệm đầu tiên đã sẵn sàng", Bộ tư lệnh Mỹ cho biết.

Mô phỏng cuộc tấn công của Stryker bằng vũ khí laser.

Đánh giá về kế hoạch đầy tham vọng của Mỹ, chuyên gia quân sự người Nga, Mikhail Khodarenok cho rằng, sẽ rất khó để Lầu Năm Góc thành công với chương trình này bởi một chiếc xe chiến đấu nhỏ như Stryker không thể trang bị vũ khí laser với công suất lên tới 50kW.

Mikhail Khodarenok dẫn chứng, một chiếc tàu cỡ lớn như tàu đổ bộ USS Ponce (LPD-15) của Mỹ cũng chỉ mới được trang bị vũ khí laser với công suất là 30 KW. Rõ ràng kế hoạch trang bị vũ khí laser công suất cao cho xe chiến đấu Stryker của Mỹ không mang tính thực tế.

Stryker chỉ có thể diệt được mục tiêu cỡ nhỏ bằng vũ khí laser với công suất khiêm tốn hơn rất nhiều.

Tuyên bố của vị chuyên gia Nga được đưa ra bất chấp việc Giám đốc hoạch định chiến lược Tim Reese, ông Reese khẳng định, vũ khí laser HEL MD (Tập đoàn Boeing phát triển) đã được thử nghiệm thành công nhiều lần trên xe Stryker dù trong điều kiện có sương mù và gió mạnh vẫn. Tình đến thời điểm hiện tại, vũ khí này đã bắn rơi máy bay không người lái (UAV) và gần 100 quả đạn cối 60 mm.

Để phát hiện và bám mục tiêu, HEL MD sử dụng 1 kính viễn vọng và 1 camera hồng ngoại góc rộng. Nhân viên vận hành ngồi trong xe và điều khiển hệ thống tác chiến bằng một máy tính xách tay và thiết bị điều khiển Microsoft Xbox. Hệ thống hoàn toàn cơ động, có thể chạy không chỉ trên đường mà cả địa hình chia cắt.

Và để ngắm bắn trong sương mù, HEL MD sử dụng tia laser tham chiếu cho phép xác định các điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến tia laser chiến đấu như thế nào. Sau đó, hệ thống thay đổi độ hội tụ của tia laser chính để nó không bị biến dạng.

Boeing dự định tăng công suất của mẫu HEL MD tiếp theo lên đến hàng chục KW. Điều đó sẽ cho phép đưa hệ thống lên một trình độ hoàn toàn khác. Hệ thống đó sẽ tác chiến hiệu quả chống tên lửa và đạn pháo của đối phương, cũng như chống các máy bay không người lái quân sự cỡ lớn và cả tên lửa.

"Thành tựu về vũ khí laser của Mỹ là không thể phủ nhận nhưng để tích hợp vũ khí công suất lớn lên cỗ xe chiến đấu Stryker là điều không thể", vị chuyên gia Nga khẳng định.

Theo Đan Nguyên/Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/my-muon-danh-chan-moi-thu-bang-laser/20210111081254467