Mỹ lo Nga bắn máy bay ở Syria: Nhân tố bất ngờ

Nếu Mỹ thiết lập một vùng cấm bay tại Syria, họ không chỉ phải đối diện với không quân Nga mà chính quyền Assad cũng đang ở trong tư thế sẵn sàng.

Mỹ lo Nga bắn hạ máy bay ở Syria

Ngày 25/10, trả lời phỏng vấn kênh CBS, ông James Clapper, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng Nga có thể bắn hạ máy bay Mỹ nếu một vùng cấm bay được thiết lập ở Syria.

“Tôi sẽ không loại trừ khả năng họ (Nga) sẽ bắn hạ máy bay Mỹ nếu họ cảm thấy điều đó đe dọa đến lực lượng của họ dưới mặt đất”, ông James Clapper lo lắng.

Theo ông Clapper, Nga đã triển khai một hệ thống phòng không rất hiện đại và có khả năng hoạt động tốt tại Syria. Nếu không sử dụng đến hệ thống phòng không này, chắc chắn điện Kremlin sẽ không bao giờ thiết lập nó tại Syria.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Obama đã nhiều lần kiềm chế trong việc thiết lập một vùng cấm bay hay vùng an toàn cho dân thường ở Syria. Một phần Washington e ngại sự phức tạp trong việc bố trí lực lượng cũng như khả năng đảm bảo việc thực thi tại các khu vực đó. Ngoài ra, vùng cấm bay còn có thể là nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Nga.

Mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng Nga có thể bắn hạ máy bay Mỹ nếu một vùng cấm bay được thiết lập ở Syria.

Những mối lo ngại của ông Clapper càng khẳng những căng thẳng có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như Mỹ cố tình kích hoạt chảo lửa Syria.

Còn nhớ, đầu tháng 10, ông Igor Konashekov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga từng cảnh báo tới Mỹ về ý định cố tình can thiệp quân sự vào Syria và sớm sẽ lãnh hậu quả.

“Tôi đề nghị các đồng nghiệp của chúng tôi tại Washington cần cân nhắc kỹ lưỡng về những hậu quả có thể xảy ra khi thực hiện những kế hoạch như vậy”, ông Konashekov nói.

Dù không nói trực tiếp nhưng ai cũng hiểu được ý của ông Konashekov ám chỉ tới hai hệ thống phòng không S-300 và S-400 hoàn toàn có khả năng kiểm soát được các máy bay của Mỹ và sẵn sàng bắn hạ.

Ông cũng cảnh báo là tầm bắn của chúng “có thể gây bất ngờ với bất cứ loại vật thể bay không xác định nào”.

Vị phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga còn dẫn thêm một ví dụ nữa cho việc Mỹ đã cố tình thực hiện cuộc không kích hôm 17/9 khi quân đội Mỹ vô tình sát hại hàng chục binh sỹ quân đội Syria. Lầu Năm Góc nói cuộc không kích là một sự nhầm lẫn nhưng ông Igor Konashekov nói Nga đã chuẩn bị để phòng ngừa mọi sự “nhầm lẫn” tương tự như vậy với binh sĩ Nga.

Trước mối lo ngại trên, Washington đã cố tìm cách xoa dịu tình hình bằng cách bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với Moskva.

Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Catter trong một cuộc họp báo ở Bangdad (Iraq) đã bất ngờ dành những lời có cánh như “hành động chuyên nghiệp” đối với các phi công Nga đang thực hiện nhiệm vụ ở Syria.

“Chúng tôi (Mỹ và Nga) đang hành động với phong cách rất chuyên nghiệp, chúng tôi xử lý vấn đề gây tranh cãi ngay trong quá trình các hoạt động của không quân. Trong vấn đề này, Nga hành động rất chuyên nghiệp. Chúng tôi và liên quân cũng làm việc với nghiệp vụ rất tốt. Bởi vậy, đây là một mối quan hệ rất chuyên nghiệp” - trang web Bộ Quốc phòng Mỹ trích dẫn tuyên bố của ông Carter.

Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, ông “luôn luôn để ngỏ cửa cho sự hợp tác rộng hơn, không những ở Iraq mà đặc biệt là ở Syria, “nhưng chưa thể “thực sự mở tung cánh cửa”.

Mượn tay Syria?

Dù đã đánh tiếng với Nga và tự trấn an mình nhưng điều Mỹ chưa tính đến là Moskva hoàn toàn có thể mượn tay chính phủ Syria để bắn hạ máy bay của nước này nếu một vùng cấm bay được thiết lập ở Damascus.

Trong một thông báo phát đi sáng 20/10, Bộ Quốc phòng Syria phản ứng gay gắt trước việc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đánh bom lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria. Chính quyền Tổng thống Assad cáo buộc các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm vào dân thường.

Nga cũng có thể mượn tay Syria để bắn rơi máy bay Mỹ?

“Syria coi đây là một diễn biến nguy hiểm có thể làm gia tăng căng thẳng. Bất cứ hành động vi phạm không phận Syria lần nào nữa của các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải lĩnh hậu quả, chúng tôi đã có sẵn biện pháp để bắn rơi các máy bay này”, tuyên bố nhấn mạnh.

Về phía Mỹ, ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định Washington không liên quan đến các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đêm 19/10.

Ông Kirby nhấn mạnh, Mỹ kêu gọi các bên tránh các hoạt động không phối hợp bởi điều này chỉ có lợi cho những kẻ khủng bố IS.

Trước đó, hồi tháng 6/2012, Syria đã bắn rơi một máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ khi đang làm hoạt động trinh sát ở vùng cách bờ biển Syria chỉ 1km.

Vào thời điểm đó, Damascus đã tuyên bố rằng quyết định trên là hành động phòng vệ biên giới, trong khi Ankara cáo buộc nước láng giềng đã vi phạm luật quốc tế.

Tuy nhiên về sau Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận máy bay quân sự của họ đã đi vào không phận của Syria do “nhầm lẫn”, nhưng lại bị bắn rơi khi đã ra khỏi không phận Syria và ở trong không phận quốc tế.

Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Mỹ nên thận trọng với những lời cảnh báo từ phía chính quyền Damascus. Chắc chắn nếu lãnh thổ Syria bị xâm phạm, quân đội chính phủ và Tổng thống Assad sẽ không để yên, dù quốc gia đó có là Mỹ.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-lo-nga-ban-may-bay-o-syria-nhan-to-bat-ngo-3321633/