Mỹ Latin bó tay trước nạn ma túy?

(CATP) Mỹ Latin chìm trong một biển máu thực sự. Đây là lục địa bạo động nhất thế giới, qua mặt cả châu Phi. Trong số 14 quốc gia có mức độ giết người cao nhất thế giới, bảy nước ở Mỹ Latin mà dẫn đầu là Salvador, nơi người ta có nguy cơ mất mạng cao hơn cả Iraq trong lúc chiến tranh diễn ra tàn khốc nhất.

Suốt 40 năm qua, kể từ khi Richard Nixon còn là tổng thống, Hoa Kỳ đã dẫn đầu một chính sách đàn áp ma túy trên khắp lục địa châu Mỹ. Với sự cứng rắn của luật pháp, bọn tội phạm đã được bảo đảm độc quyền một trong các thị trường béo bở nhất, và từ đó giúp chúng tự trang bị vũ khí hiện đại. Mức độ bạo động lên cao chưa từng thấy. Oái oăm là tiền dành cho y tế và giáo dục luôn luôn èo uột, nhưng chi tiêu cho ma túy lại không ngừng tăng. Cuộc chiến chống ma túy hiện nay lại là trở lực chính để phát triển châu Mỹ Latin.

Nhưng gió đã xoay chiều. Tháng 5-2012, Tổng thống Guatemala Otto Perez Molina đã yêu cầu các đồng nghiệp Mỹ Latin bắt đầu suy nghĩ lại để tìm giải pháp cho vấn đề này. Ông nêu cả giải pháp: “Nhà nước lập ra cửa hàng bán ma túy để cạnh tranh giá cả với bọn buôn lậu, nhằm hạn chế nạn buôn bán vũ khí bất hợp pháp”.

Các quốc gia khác như Colombia, Mexico, Argentine, Chilê và Uruguay nhanh chóng ủng hộ sáng kiến gan lỳ này. Cựu tổng thống Colombia César Gaviria quả quyết phần lớn các quan chức cao cấp trong chính phủ Mỹ cũng biết cuộc chiến chống ma túy là một sai lầm, chỉ dựa vào một niềm tin đơn giản như một cỗ máy tự động.

Giữa cơn hỗn loạn này, chỉ còn một quốc gia mà lập trường trở nên then chốt, đó là Brazil. Nếu Tổng thống Dilma Rousseff tuyên bố ủng hộ rõ ràng sáng kiến này thì Brazil, Mexico và Colombia, ba nền kinh tế cốt lõi của Mỹ Latin, sẽ chung một tiếng nói và có thể ngăn chặn được biển máu trong khu vực. Thế nhưng Brazil lại... “lửng lơ”. Bộ ngoại giao từ chối mọi bình luận, ngoài một câu tuyên bố mơ hồ: Brazil không chống đối tranh luận về vấn đề này.

Ngày 8-4-2012, các cựu tổng thống Mỹ Latin: Fernando Henrique Cardoso (Brazil, 1995 - 2003), César Gaviria (Colombia, 1990 - 1994) và Ernesto Zedillo (Mexico, 1994 - 2000) công bố một tư liệu mới về ma túy tại Nam Mỹ. Họ lặp lại tuyên bố trước đây bốn năm của mình, trong khuôn khổ của Ủy ban chống ma túy toàn cầu. Họ nói rõ, luật lệ về ma túy cũng phải có mức độ tương đương với rượu và thuốc lá và nhắc lại những kinh nghiệm mới đây của châu Âu về y tế và giảm thiểu thiệt hại, các bác sĩ tại một số tiểu bang ở Hoa Kỳ cho phép sử dụng cần sa để chữa bệnh, huy động lãnh vực tư nhân và các nhà khoa học nhập cuộc, cũng như giới trẻ...

Nhờ các nỗ lực này, tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Cartagena, Colombia từ ngày 14 - 15-4-2012, vấn đề được mang ra tranh cãi giữa các nguyên thủ quốc gia. Lần đầu tiên, một tổng thống Hoa Kỳ bị buộc phải lắng nghe phát biểu về những tai họa thảm khốc và kết quả vô vọng của cuộc chiến chống ma túy. Các Tổng thống Juan Manuel Santos (Colombia), Otto Perez Molina (Guatemala) và Laura Chinchilla (Costa Rica) đều quả quyết: đây mới là khởi đầu của một tiến trình dài. Chỉ có thời gian và bàn luận mới có thể thuyết phục được ông Barack Obama và những kẻ kế tục ông rằng: chính sách chống ma túy trong 40 năm qua là một thất bại thực sự.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=1120&id=473032&mod=detnews&p=