Mỹ không 'chùn bước' trước thách thức của TQ trên Biển Đông

Ông Tillerson cáo buộc Bắc Kinh thách thức các tập quán quốc tế trong việc gìn giữ an ninh toàn cầu, đồng thời kêu gọi Washington và New Delhi tăng cường hợp tác chiến lược.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 18/10 đã có bài phát biểu về quan hệ Trung - Ấn trước thềm chuyến thăm quốc gia Nam Á vào tuần tới với những lời lẽ "có thể khiến Washington thân thiết hơn với một cường quốc châu Á nhưng lại trở nên lạnh nhạt với một cường quốc khác ở khu vực", AP nhận định.

Ông Tillerson nói thế giới cần Mỹ và Ấn Độ duy trì quan hệ đối tác vững chắc và tiếp tục là "người dẫn đường ở phương Đông và phương Tây" hướng đến một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp vốn đang càng ngày càng bị "bóp méo".

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại CSIS hôm 18/10. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại CSIS hôm 18/10. Ảnh: AP.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều hưởng lợi từ trật tự đó nhưng theo ngoại trưởng Mỹ, trong khi Ấn Độ tôn trọng luật pháp và tập quán quốc tế thì Trung Quốc "đôi khi" lại vi phạm những điều này. Ông Tillerson viện dẫn các hoạt động bồi lấp đảo trái phép và tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông thời gian qua.

"Những hành động khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông đã trực tiếp thách thức luật pháp và tập quán quốc tế mà Mỹ và Ấn Độ đều tuân thủ", AP dẫn lời ông Tillerson phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.

Ngoại trưởng Mỹ nói Washington muốn tìm kiếm quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh nhưng sẽ "không chùn bước" trước những thách thức mà Trung Quốc đặt ra bởi việc "phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng cũng như gây bất lợi cho Mỹ và những người bạn của Mỹ".

Quan hệ Mỹ - Ấn phát triển mạnh trong những năm qua, một phần là do cùng chia sẻ mối quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoại trưởng Tillerson phát biểu trong bối cảnh đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc cùng ngày và Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh "giờ là lúc để Trung Quốc giành lấy vũ đài trung tâm của thế giới".

Trung - Ấn căng thẳng vì cuộc đối đầu ở ngã ba biên giới. Đồ họa: Nhân Lê.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lên đường thăm châu Á trong 3 tuần nữa và Bắc Kinh sẽ là một trong những điểm dừng chân. Sau khi nhậm chức, ông Trump đã cho thấy ý định làm sâu sắc hợp tác với Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên song ông cũng muốn tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Ấn Độ, đối thủ lâu năm của Trung Quốc ở châu Á.

Quan hệ Trung - Ấn vốn đang căng thẳng vì cuộc đối đầu ở khu vực ngã ba biên giới với Bhutan suốt nhiều tháng qua. New Delhi đã quyết định rút quân khỏi khu vực song Bắc Kinh khẳng định quân đội nước này sẽ tiếp tục hiện diện và thực thi chủ quyền của họ.

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Tillerson cho hay Mỹ muốn tăng cường năng lực quân sự của Ấn Độ với các đề nghị bán máy bay do thám không người lái Guardian, công nghệ tàu sân bay cũng như chiến đấu cơ F-18, F-16.

Hashtag tuần qua: Căng thẳng Trung - Ấn bao trùm Himalaya Tranh chấp biên giới giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á tại khu vực cao nguyên quanh dãy Himalaya đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh quốc tế.

Đông Phong

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-khong-chun-buoc-truoc-thach-thuc-cua-tq-tren-bien-dong-post788683.html