Mỹ 'hốt hoảng' nâng cấp M1A2 Abrams vì sợ lạc hậu với Nga

Mặc dù sở hữu các loại vũ khí hiện đại nhất trên thế giới nhưng trong lĩnh vực xe tăng, Mỹ lại tỏ ra khá lạc hậu hơn so với Nga, hoặc thậm chí là các nước đồng minh như Đức hay Israel. Chính vì vậy, quân đội Mỹ hiện đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu hoặc mua các công nghệ chế tạo hệ thống tự vệ chủ động (APS), vốn cho phép các xe tăng tự động ngăn chặn những mối đe dọa như tên lửa, đạn pháo.

Khi ra mắt xe tăng Armata T-14, Nga luôn khẳng định rằng, hệ thống APS Afganit nâng cấp có khả năng sống sót trước một cuộc tấn công của trực thăng Apache nhờ sử dụng nguyên lí phòng vệ mới. Mặc dù tính xác thực của tuyên bố này vẫn cần được xác minh, tuy nhiên, có điều không thể phủ nhận rằng, việc phát triển APS đang là lĩnh vực mà Nga rất thông thạo do nhiều xe tăng Nga như T-72 và T-90 đã sống sót đáng kinh ngạc tại nhiều chiến trường như Iran hay Syria.

Trong khi đó, Mỹ, do phớt lờ lĩnh vực phát triển xe tăng trong hàng thập kỉ qua nên các xe tăng chủ lực như M1A2 Abrams đều thiếu đi các hệ thống APS hữu dụng.

APS là một hệ thống phức tạp sử dụng cảm biến, radar, máy tính, công nghệ kiểm soát hỏa lực cùng vũ khí đánh chặn để tìm kiếm và tiêu diệt các mối đe dọa như tên lửa chống tăng, lựu đạn hay pháo cối.

Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ vẫn được cho là có khả năng sống sót cao trên chiến trường nhờ lớp giáp phản ứng nổ (ERA) bao quanh thân xe, tuy nhiên, phụ thuộc vào chủng loại, tầm và vị trí bắn của các loại tên lửa chống tăng, nó vẫn có thể bị hạ gục. Ngoài ra, nếu tên lửa tấn công trúng khoang chứa đạn hoặc thùng xăng, kíp lái của M1A2 còn có thể thiệt mạng. Chính vì vậy, Mỹ cần APS như một lớp phòng thủ mở rộng nhằm đảm bảo việc tên lửa chạm vào được xe tăng sẽ chỉ là hy hữu.

Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ

Hiện nay Mỹ đang cân nhắc các hệ thống APS được sản xuất bởi các nhà thầu quân sự trong nước cũng như quốc tế để trang bị trên các xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams sau đó, họ sẽ triển khai thêm lên xe chiến đấu bộ binh Bradley hay xe bọc thép Stryker.

Một vài hệ thống APS Mỹ đang tính thử nghiệm bao gồm Trophy, Iron Fist của Israel, ADS của Đức hoặc Iron Curtain của nhà thầu nội địa.

Trophy

Troyphy, được phát triển bởi hãng Rafael Advanced Defense Systems của Israel, là hệ thống có tiềm năng nhất do nó đã chứng minh được khả năng trong thực chiến tại dải Gaza. Bộ phận quan trọng của Trophy là radar EL/M 2133 bao gồm 4 ăng ten được gắn trên xe, cung cấp trường quan sát 360 độ, và hỗ trợ bởi các cảm biến nhằm nhiệm vụ phát hiện, kiểm soát, phân loại các mối đe dọa.

Xe tăng Merkava của Israel với hệ thống APS Trophy

Khi mối đe dọa được xác định, máy tính sẽ tính toán thời gian và kích nổ hệ thống phóng các viên kim loại nhỏ về phía tên lửa chống tăng và vô hiệu hóa nó ở khoảng cách an toàn. Hệ thống kích nổ bố trí hai bên hông của xe, sử dụng một tay robot nạp tự động đặt bên trong xe. Cánh tay được lập trình sẵn để hướng vụ nổ về phía mục tiêu.

Trong trường hợp tên lửa chống tăng không bị phá hủy hoàn toàn, năng lượng từ vụ nổ cũng làm giảm đáng kể, khiến quả đạn không thể thực hiện nhiệm vụ xuyên thủng vỏ giáp như mong muốn.

Ngoài chức năng bảo vệ chủ động cho xe tăng, hệ thống còn giúp phát hiện ra chổ trú ẩn của đối phương ngay sau khi tên lửa được phóng ra. Từ đó, đơn vị tham chiến có thể nhanh chóng tiêu diệt đối phương, loại bỏ mối nguy hiểm cho đơn vị.

Iron Curtain

Hệ thống Iron Curtain của tập đoàn Artis (Mỹ) sử dụng radar CrossCue có khả năng phát hiện, phân loại và xác định quỹ đạo tên lửa chống tăng đối phương bắn tới. Quá trình đánh chặn của Iron Curtain được tiến hành khi đạn chống tăng bay tới gần mục tiêu.

Theo đó, đạn đánh chặn được bố trí trên nóc xe sẽ đánh chụp trực tiếp vào đạn chống tăng bắn tới để giảm khả năng công phá của đạn chống tăng hoặc phá hủy hoàn toàn nó.

Do biện pháp đánh chặn hoạt động theo hướng từ trên xuống dưới và sát với mục tiêu cần bảo vệ nên những người ở gần mục tiêu không bị tổn hại. Các nhà thiết kế cho biết, các ưu điểm của Iron Curtain là khả năng phòng thủ vòng tròn, trọng lượng nhẹ, bố trí đơn giản, có nhiều đạn, xác suất kích hoạt nhầm rất nhỏ và rẻ tiền.

Iron Fist

Công ty IMISystems của Israel đã phát triển hệ thống APS Iron Fist, sử dụng nhiều cảm biến cảnh báo sớm bằng tín hiệu radar hoặc hồng ngoại. Nguyên lí hoạt động của Iron Fist tương đương hệ thống Trophy tuy nhiên ít nguy hiểm hơn cho bộ binh cùng khả năng bao quát được 360 độ.

Ngoài khả năng vô hiệu hóa các tên lửa và rocket trang bị đầu đạn nổ lõm, Iron Fist còn có khả năng vô hiệu hóa đạn động năng, đặc biệt là đạn xuyên giáp ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) có thanh xuyên làm từ uranium nghèo.

Hệ thống Iron Fist có kích thước nhỏ và nhẹ nên gắn được trên tất cả các loại tăng thiết giáp, ngoài ra thiết kế dạng mô-đun cũng khiến nó dễ dàng nâng cấp. Tuy nhiên nếu phải chống đỡ 2 phát rocket cùng lúc từ 2 hướng khác nhau thì Iron Fist cũng phải chịu thua. Trong trường hợp này, Iron Fist sẽ ưu tiên chống lại quả nào radar phát hiện trước còn quả thứ 2 đành phải phó mặt cho giáp của xe tăng.

Active Defense System

Cận cảnh hệ thống ADS trên Leopard 2

2 hãng sản xuất vũ khí Đức là Rheinmetall là IBD Deisenroth đã cùng phát triển hệ thống tự vệ Active Defense System (ADS), có khả năng thích ứng lắp đặt trên mọi phương tiện quân sự từ xe tăng hạng nặng cho tới các loại xe bọc thép hạnh nhẹ.

Hệ thống này có đánh chặn tên lửa bằng các mảnh đạn theo hướng từ trên xuống với hệ thống Iron Curtain của Israel nên giảm thiểu được sát thương cho lực lượng bộ binh xung quanh và được cho là phản ứng với các mối đe dọa chỉ trong vài phần trăm giây. Hiện nay nó đang được trang bị trên các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cải tiến của Đức.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/my-hot-hoang-nang-cap-m1a2-abrams-vi-so-lac-hau-voi-nga-713171.html