Mỹ giáng đòn thù vặt chống Nga

Đáng chú ý, những biện pháp mới của Mỹ mang tính nhỏ lẻ như nhằm vào các hãng truyền thông hay công ty phần mềm Nga.

Mỹ tung tiểu xảo

Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Nga-Mỹ tiếp tục gia tăng, Washington tiếp tục có thêm những động thái được cho là “đổ thêm dầu vào lửa”. Đáng chú ý, những biện pháp mới của Mỹ mang tính nhỏ lẻ như nhằm vào các hãng truyền thông hay công ty phần mềm Nga.

Chính báo chí Mỹ cũng thừa nhận, trong suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Donald Trump liên tục mâu thuẫn với giới lãnh đạo tình báo về kết luận cho rằng Nga đã tiến hành một chiến dịch nhằm can thiệp vào kết quả cuộc bầu cử 2016 theo hướng có lợi cho ông, đồng thời khiến nhiều quan chức trong Quốc hội thất vọng khi có những động thái ngả về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tuy nhiên, trong khi Nhà Trắng hạn chế bình luận về Nga, chuyển hướng các câu hỏi về tiến trình điều tra sang phía luật sư của ông Trump, thì nhiều cơ quan khác của Mỹ lại đang tích cực cho một nỗ lực khác.

Bất chấp mong muốn của hai tổng thống Nga-Mỹ, mối quan hệ song phương vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng

Ngày 11/9, trang tin tức RT của hãng thông tấn Russia Today thuộc chính phủ Nga đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Russia Today đăng ký hoạt động với tư cách một hãng đại diện nước ngoài theo Luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA), một điều luật có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Nếu Russia Today tuân thủ yêu cầu này, các nội dung của RT sẽ bị xem là nhằm mục đích tuyên truyền cho Nga thay vì đưa tin thông thường.

Còn Yahoo News cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra đài Sputnik của Nga và có thể cũng sẽ yêu cầu Sputnik tuân thủ chặt chẽ FARA.

Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo News, Andrew Feinberg, cựu phóng viên đưa tin từ Nhà Trắng cho Sputnik cho biết FBI đã thẩm vấn ông các thông tin về “cơ cấu nội bộ, tiến trình xuất bản và kinh phí hoạt động” của đài này.

Ông nói: “Họ muốn biết xem lệnh được đưa ra từ đâu và liệu tôi có nhận chỉ đạo từ Moscow hay không. Họ rất quan tâm tới những vấn đề như việc tôi được định hướng để đưa tin về một số vấn đề cụ thể”.

Ông Feinberg đã bị người đứng đầu chi nhánh của Sputnik tại Washington sa thải vào hồi cuối tháng 5 với lý do “làm việc kém hiệu quả”, song trong cuộc trao đổi với Yahoo News, ông cho rằng lý do chính khiến ông mất việc là bởi ông không chịu hỏi Thư ký báo chí của Nhà Trắng về một thông tin sai lệch mà Fox News đã đăng tải trước đó.

Hình ảnh máy bay chiến đấu của Nga tại Syria được đăng tải trên trang Sputnik

Tiếp theo, ngày 13/9, Bộ An ninh Nội địa đã yêu cầu mọi cơ quan nhà nước phải ngừng sử dụng các sản phẩm của Kaspersky Lab do lo ngại công ty chuyên về an ninh mạng có trụ sở tại Moscow này có quan hệ với tình báo Nga và đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Elaine Duke đã chỉ thị cho tất cả các văn phòng của chính phủ phải gỡ bỏ hoặc thay thế bất cứ phần mềm chống tin tặc nào của công ty Kaspersky trong vòng 90 ngày.

Bà Duke tuyên bố: "Bộ An ninh Nội địa quan ngại về mối quan hệ giữa một số quan chức Kaspersky với tình báo Nga và các cơ quan chính phủ khác".

Bà cũng bày tỏ quan ngại rằng các cơ quan tình báo Nga có thể dựa vào pháp luật để yêu cầu hoặc ép buộc sự hỗ trợ từ Kaspersky. Bà Duke nêu rõ: "Nguy cơ Chính phủ Nga, dù tự mình hành động hay phối hợp với Kaspersky, có thể lợi dụng việc truy cập thông qua các sản phẩm của Kaspersky nhằm xâm nhập các hệ thống thông tin và thông tin liên bang trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia Mỹ".

Kaspersky Labs nhanh chóng phản pháo khi cho rằng “các cáo buộc này xuất phát từ những nhận định hoàn toàn sai lầm”.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-giang-don-thu-vat-chong-nga-3343075/