Mỹ đối thoại 2+2 với Nhật nhưng lại 'nhòm' Trung Quốc

Tại Đối thoại 2+2 diễn ra ở Tokyo ngày 16/3, Mỹ và Nhật Bản tái khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc, phản đối mọi hành động gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Motegi Toshimitsu tại cuộc họp ở Tokyo ngày 16/3.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Motegi Toshimitsu tại cuộc họp ở Tokyo ngày 16/3.

Bộ trưởng hai bộ Ngoại giao và Quốc phòng của Mỹ và Nhật Bản có cuộc họp đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Đối thoại 2+2 diễn ra ở Tokyo ngày 16/3.

Vấn đề Trung Quốc 'chiếm sóng'

Trong một tuyên bố chung được AFP trích dẫn, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước bày tỏ “những quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây gây rối loạn trong khu vực”, trong đó có Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc liên quan đến những yêu sách chủ quyền vô căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Ngoài ra, các bộ trưởng cho rằng “hành vi của Trung Quốc, vốn không phù hợp với trật tự quốc tế hiện hành, trở thành những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với liên minh và cộng đồng quốc tế”.

Chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Anthony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin khẳng định Washington muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh trong khu vực sau 4 năm ngoại giao sóng gió dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhằm hình thành một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc.

Chiến lược này được hai Bộ trưởng Mỹ nêu rõ trong một tuyên bố chung, đăng trên tờ Washington Post hôm 15/3 khi họ đến Tokyo. Hai nhà lãnh đạo nêu rõ: “Sức mạnh phối hợp giúp chúng ta mạnh mẽ hơn khi chúng ta phải đẩy lùi sự hiếu chiến và những mối đe dọa của Trung Quốc. Chúng ta sẽ cùng nhau buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền và những yêu sách về quyền hàng hải ở Biển Đông”.

Hai nhà lãnh đạo kết luận: “Nếu chúng ta không hành động quyết đoán và không hành động trước thì Trung Quốc sẽ làm như vậy”.

Đằng sau chủ ý nối lại quan hệ với các nước đồng minh ít được chú ý, thậm chí là bị chèn ép dưới thời Donald Trump, chính quyền mới của Mỹ còn xác nhận rõ ràng ý định hình thành một mặt trận chung đối phó Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho biết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc đã chiếm phần lớn trong các cuộc đàm phán hai chiều của ông với Blinken, đồng thời bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với “nỗ lực đơn phương” của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng quan hệ Mỹ-Nhật “không nên nhắm mục tiêu hoặc làm suy yếu lợi ích của bất kỳ bên thứ ba nào” và nên thúc đẩy “hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương”.

Động lực của Bộ tứ

Việc kìm hãm sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực cũng là trọng tâm cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia vào tuần trước.

Theo Akhil Bery, nhà phân tích Nam Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đang xây dựng dựa trên khuôn khổ mà chính quyền Trump để lại liên quan đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đang phát triển một liên minh các đối tác.

GS. Harsh Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát ở New Delhi, cho rằng nhóm Bộ tứ sẽ đảm nhận một vai trò quan trọng hơn nhiều trong khu vực và có khả năng trở thành “hạt nhân của một cấu trúc an ninh khu vực lớn hơn” trong tương lai.

Theo nhà nghiên cứu Pant, trong hơn một thập kỷ, Bộ tứ đã tồn tại mờ nhạt ngay cả sau khi căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên tồi tệ bắt đầu từ năm 2017, sau đó là sự xấu đi trong quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, vai trò và hoạt động của nhóm Bộ tứ đã thăng hạng trong vài tháng qua.

Tại Đối thoại 2+2 ngày 16/3, Mỹ-Nhật tái khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc, phản đối mọi hành động gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vực. (Nguồn: AP)

Tại Đối thoại 2+2 ngày 16/3, Mỹ-Nhật tái khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc, phản đối mọi hành động gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vực. (Nguồn: AP)

Cân bằng lợi ích kinh tế

Trong khi đó, bàn về vấn đề kinh tế, Ekaterina Arapova, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Học viện Ngoại giao Moscow (MGIMO), chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, cho rằng Nhật Bản cần phải tách các ưu tiên kinh tế khỏi các ưu tiên chính trị.

Nhật Bản luôn khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh với Mỹ nhưng đồng thời, trong quan hệ kinh tế, Tokyo theo chủ nghĩa thực dụng.

Nhật Bản đang tập trung mạnh mẽ vào cả thị trường Mỹ và Trung Quốc. Do đó, chính sách kinh tế của Nhật Bản sẽ rất đa dạng. Tokyo không thể ủng hộ cách tiếp cận của Washington trong tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể, Mỹ và Nhật Bản có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, kỹ thuật sinh học, công nghệ sinh học. Tuy nhiên, trong những lĩnh vực mà Nhật Bản tập trung vào thị trường Trung Quốc, các đối tác Trung Quốc sẽ là ưu tiên đối với Tokyo. Đây là những nguồn cung cấp kim loại hiếm và cơ khí công nghệ cao.

Theo ông Ekaterina Arapova, trong quan hệ kinh tế, Nhật Bản sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời sẽ cố gắng duy trì quan hệ đối tác chính trị với Washington.

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Ekaterina Arapova nhận xét rằng Mỹ sẽ không chỉ thất bại trong việc rút Nhật Bản ra khỏi chuỗi sản xuất Trung Quốc mà họ cũng sẽ không phản ứng gay gắt với việc Nhật Bản tìm kiếm sự cân bằng giữa thị trường Trung Quốc và Mỹ.

Theo bà Ekaterina Arapova, điều quan trọng đối với Tổng thống Biden hiện nay là thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các đối tác. Ông Biden thực sự muốn khôi phục và củng cố những mối quan hệ đã bị ảnh hưởng tiêu cực dưới thời ông Trump. Ngay cả khi thấy Nhật Bản cố gắng tìm kiếm sự cân bằng, Mỹ sẽ không có phản ứng gay gắt, ít nhất là trong ngắn hạn.

Lập luận này sẽ giúp Nhật Bản tự tin hơn theo đuổi chính sách thực dụng đối với Trung Quốc. Hơn nữa, Nhật Bản hiện có thể thu được những lợi ích khá lớn từ việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Trung Quốc cũng đang theo đuổi chính sách cân bằng và hưởng lợi từ việc ký kết thỏa thuận hợp tác này.

Vì vậy, các mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ phát triển theo những hướng khác nhau, không phụ thuộc vào lập trường của Mỹ.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-doi-thoai-22-voi-nhat-nhung-lai-nhom-trung-quoc-139531.html