Mỹ đối mặt nguy cơ Quốc hội 'treo' sau khi Chủ tịch Hạ viện McCathy bị phế truất

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCathy hôm 3/10 đã bị phế truất trong một bỏ phiếu 'có một không hai' tại Hạ viện Mỹ nhằm bãi nhiệm người đứng đầu cơ quan này.

Đáng chú ý trong số những lá phiếu thuận, có 8 phiếu đến từ đảng Cộng hòa, nơi ông Kevin McCathy là thành viên. Kết quả cuộc bỏ phiếu không chỉ đặt ra những thách thức đối với đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới, mà còn đặt nước Mỹ trước nguy cơ một Quốc hội “treo”, với nhiều vấn đề nóng bị đình lại.

Quốc hội Mỹ: Politico/Getty Images.

Quốc hội Mỹ: Politico/Getty Images.

Phản ứng trước kết quả cuộc bỏ phiếu, một số thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã bày tỏ sự thất vọng và cho biết không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi ông McCathybị phế truất khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện.

Đại diện Đảng Cộng hòa Bryan Steil cho biết: “Một số ít các thành viên đảng Cộng hòa đã khiến chúng ta rơi vào tình cảnh hoãn loạn. Họ không có kế hoạch để tiến lên, không quan tâm đến những gì đang diễn ra. Sẽ có rất nhiều thứ để xem xét trong vài ngày tới bởi chúng ta có quá nhiều việc giải quyết, từ biên giới giữa Mỹ-Mexico, nợ quốc gia, chi tiêu thâm hụt đến lạm phát, cuộc chiến năng lượng”.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện với đa số sít sao 221 - 212 và chỉ cần có 5 người “nổi loạn” là có thể đe dọa quyền lực của ông McCathy nếu tất cả các thành viên Dân chủ tại Hạ viện cùng bỏ phiếu phế truất và kịch bản tồi tệ nhất đã xảy ra. Thách thức trước mắt đối với đảng Cộng hòa là tìm ra một ứng cử viên tiềm năng có đủ khả năng thay thế ông McCathy và vượt qua được bỏ phiếu tại Hạ viện dự kiến vào tuần tới.

Trong một tuyên bố ngay tối 3/10, ông McCathy cho biết, ông sẽ không tái tranh cử ngay cả khi các quy định của Quốc hội cho phép ông làm như vậy: "Làm điều đúng đắn không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng điều đó là cần thiết. Tôi không hối hận vì đã đứng lên lựa chọn chính phủ thay vì phàn nàn. Đó là trách nhiệm của tôi. Chính phủ được tạo ra để tìm sự thỏa hiệp. Tôi không hối tiếc về nỗ lực xây dựng liên minh và tìm giải pháp. Tôi được nuôi dạy để giải quyết vấn đề chứ không phải tạo ra chúng. Tôi tin rằng tôi có thể tiếp tục chiến đấu, nhưng có thể theo một cách khác. Tôi sẽ không tranh cử chức Chủ tịch Hạ viện nữa”.

Theo giới quan sát, việc thiếu vắng vị trí lãnh đạo nhiều khả năng dẫn đến bế tắc tại Quốc hội Mỹ trong việc hoạch định chính sách, vì về nguyên tắc, Hạ viện sẽ không thể thông qua bất cứ dự luật nào cho tới khi vị chủ tịch mới được bầu ra và tuyên thệ nhậm chức.

Trong phát biểu đầu tiên sau khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCathy bị phế truất, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Hạ viện nhanh chóng bầu người thay thế. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời khẳng định ông luôn mong muốn làm việc với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách quốc gia.

Những cuộc tranh cãi tại quốc hội gây ra một số hậu quả và vụ mới nhất trước mắt có thể dẫn đến một đợt hạ bậc tín dụng khác, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ. Trong mùa hè, tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa suýt khiến Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên kể từ khi quốc gia này được thành lập cách đây gần 250 năm.

Sau đó, vào cuối tuần qua, chính phủ đã tránh được việc đóng cửa trong gang tấc nhờ một thỏa thuận mà Chủ tịch Hạ viện Kevin McCathy đạt được với đảng Dân chủ. Tuy nhiên, động thái chỉ giúp duy trì nguồn tiền cho chính phủ cho đến giữa tháng 11 và tất cả đều đang dõi theo các diễn biến tại Hạ viện Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry, sinh năm 1975, đại diện của bang Bắc Carolina sẽ tạm thời đảm nhận vị trị Quyền Chủ tịch Hạ viện cho đến khi cơ quan lập pháp này bầu nhà lãnh đạo mới dự kiến vào tuần sau.

Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-doi-mat-nguy-co-quoc-hoi-treo-sau-khi-chu-tich-ha-vien-mccathy-bi-phe-truat-post1050308.vov