Mỹ đối mặt khủng hoảng tài khóa

Chính phủ Mỹ đã đạt mức trần nợ công 31,4 nghìn tỉ đô la vào hôm 19-1, buộc Bộ Tài chính phải sử dụng các biện pháp đặc biệt để thanh toán cho các khoản chi tiêu, tránh nguy cơ vỡ nợ trước mắt. Nhưng cuộc đối đầu giằng co hiện nay giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ trong vấn đề trần nợ công có thể sẽ gây ra cuộc khủng hoảng tài khóa ở nền kinh tế lớn nhất thế giới kéo dài trong vài tháng.

Sau khi nợ công của chính phủ Mỹ chạm trần, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Bộ Tài chính bắt đầu sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cho đến ngày 5-6. Ảnh: FT/Bloomberg

Hôm 19-1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo với các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ, bao gồm cả tân Chủ tịch hạ viện Kevin McCarthy, rằng Bộ Tài chính bắt đầu sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ cho đến ngày 5-6.

Các biện pháp này liên quan đến thủ thuật kế toán, bao gồm đình chỉ đầu tư cho một số tài khoản chính phủ, giúp Bộ Tài chính tiếp tục thanh toán nghĩa vụ trả nợ cho trái chủ, chi trả cho người nhận lương hưu và các phúc lợi khác trong chương trình an sinh xã hội.

Tuy nhiên, bà Yellen cảnh báo nỗ lực kéo thời gian sử dụng các biện pháp đặc biệt đến đầu tháng 6 là điều không chắc chắn vì Bộ Tài chính khó có thể dự báo các khoản thanh toán và nguồn thu của chính phủ trong những tháng tới.

“Tôi trân trọng kêu gọi quốc hội hành động kịp thời để bảo vệ uy tín trả nợ của Mỹ”, Yellen viết trong thư gửi các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ.

Trong các cuộc đàm phán sắp tới, với đa số ghế mới giành được tại Hạ viện Mỹ, phe Cộng hòa sẽ gây áp lực để buộc Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ, nơi đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát, cắt giảm các chương trình chi tiêu để tránh vỡ nợ. Trong khi đó, phe Dân chủ muốn thúc đẩy quốc hội đình chỉ hoặc tăng trần nợ công.

Chủ tịch Hạ viên Mỹ Kevin McCarthy và các nghị sĩ Cộng hòa khác tuyên bố sẽ phản đối tăng trần nợ công trừ khi đảng Dân chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu liên bang. Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện Mỹ nói rằng họ sẽ không cho phép phe Cộng hòa gây áp lực, buộc họ phải cắt giảm các chương trình chi tiêu liên bang.

Cho đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden sẵn sàng nhượng bộ.

Các nghị sĩ Cộng hòa đang theo đuổi kế hoạch “ưu tiên trả nợ” nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ bằng cách thúc giục Bộ Tài chính ưu tiên thanh toán nợ và có thể là các ưu tiên chi tiêu cho các chương trình khác như an sinh xã hội (Social Security) và bảo hiểm y tế cho người già (Medicare), nếu mức trần nợ công bị vi phạm trong quá trình đàm phán. Đảng Cộng hòa kỳ vọng sẽ xây dựng xong luật về ưu tiên trả nợ và chi tiêu vào cuối tháng 3.

Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng, nhấn mạnh những rủi ro đối với nền kinh tế đất nước cũng như vị thế toàn cầu của Mỹ nếu xảy ra tình trạng không chắc chắn về việc liệu Mỹ có tôn trọng các cam kết trả nợ của mình.

Viễn cảnh hai phe Cộng hòa và Dân chủ “quyết đấu” đến cùng làm dấy lên mối lo ngại ở Washington và Phố Wall về cuộc tranh cãi gay gắt liên quan đến mức trần nợ công trong năm nay. Ít nhất, tình thế bế tắc này có thể gây biến động trên các thị trường tài chính giống như cuộc tranh cãi về trần nợ công kéo dài vào năm 2011, khiến mức xếp hạng tín dụng của Mỹ bị hạ và trong nhiều năm sau đó chính phủ Mỹ buộc phải giảm chi tiêu cho quân sự và các chương trình khác ở trong nước.

Việc chính phủ Mỹ không thanh toán nợ đúng hạn có thể gây ra những hậu quả kinh tế và tài chính sâu rộng. Nợ công của chính phủ Mỹ đóng vai trò quan trọng trong phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu, và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm được xem lợi suất chuẩn trong toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Việc các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng thanh toán nợ của Mỹ có thể kích hoạt làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, dẫn đến cơn hỗn loạn trên thị trường tài chính, đồng thời đẩy tăng chi phí vay đối với các khoản nợ của Mỹ. Các khoản chi trả bị trễ khác, bao gồm các khoản trợ cấp trong chương trình an sinh xã hội, cũng có thể gây ra tổn thương kinh tế trên toàn quốc.

“Chúng tôi sẽ không vỡ nợ. Chúng tôi có khả năng quản lý chi phí trả nợ. Nhưng Mỹ không nên tăng trần nợ công một cách mù quáng”, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Roy, một người giữ quan điểm bảo thủ về vấn đề nợ công, nói với Reuters.

Quốc hội Mỹ đã thông qua luật để giới hạn mức nợ tối đa mà chính phủ có thể huy động vào năm 1939 với mục đích hạn chế tăng trưởng nợ. Tuy nhiên, trong những năm qua, mức trần nợ công đã được tăng lên hoặc bị đình chỉ nhiều lần để giúp chính phủ Mỹ tránh được kịch bản tồi tệ nhất: vỡ nợ.

Các cuộc đàm phán về ưu tiên trả nợ và chi tiêu dự kiến sẽ diễn ra căng thẳng vào tuần tới. Kế hoạch của Đảng Cộng hòa là kêu gọi cân bằng ngân sách liên bang trong 10 năm tới bằng cách giới hạn ngân sách chi tiêu tùy ý ở mức của năm 2022, đồng thời sử dụng vai trò giám sát của Hạ viện để xác định các chương trình chi tiêu liên bang có thể bị loại bỏ hoặc thu hẹp.

Các hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối các khoản chi tiêu liên bang lớn do Thượng viên đề xuất, tương tự như gói chi tiêu trị giá 1,66 nghìn tỉ đô la mà hai đảng ở quốc hội Mỹ đã thông qua vào năm ngoái.

Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng lưu ý phe Cộng hòa đã nhiều lần ủng hộ tăng mức trần nợ công dưới thời kỳ Donald Trump làm tổng thống.

“Chúng tôi lạc quan rằng phe Dân chủ sẽ ngồi vào bàn đàm phán với thái độ thiện chí. Có rất nhiều dư địa để đàm phán khi nói đến các bước có thể được thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng tài khóa mà chúng ta đang đối mặt”, hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Cline, người đứng đầu một nhóm đặc nhiệm bảo thủ về ngân sách và chi tiêu, nói.

Theo Reuters, WSJ

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/my-doi-mat-khung-hoang-tai-khoa/