'Mỹ đào tạo phi công Việt Nam là cột mốc trong quan hệ song phương'

Nhiều quan chức cấp cao không quân Mỹ đã có mặt tại buổi lễ tốt nghiệp, đánh giá việc phối hợp huấn luyện phi công là một cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ.

Thông cáo của không quân Mỹ ngày 6/6 cho biết thượng úy Đặng Đức Toại đã trở thành sĩ quan không quân đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP). Đây là chương trình do không quân Mỹ tài trợ học bổng huấn luyện phi công cho sĩ quan không quân các nước đang phát triển và đối tác của Mỹ.

Buổi lễ tốt nghiệp của thượng úy Toại được tổ chức tại căn cứ không quân Columbus, bang Mississippi, vào ngày 30/5. Đây cũng là buổi lễ tốt nghiệp của Lớp Huấn luyện Phi công Đặc biệt 19-10/16.

Thượng úy Đặng Đức Toại cùng các học viên Lớp Huấn luyện Phi công Đặc biệt 19-10/16. Ảnh: Không quân Mỹ.

Thượng úy Đặng Đức Toại cùng các học viên Lớp Huấn luyện Phi công Đặc biệt 19-10/16. Ảnh: Không quân Mỹ.

Cột mốc quan trọng với quan hệ Việt - Mỹ

Phát biểu tại buổi lễ, thiếu tướng Edward Vaughan, Trợ lý đặc biệt cho Chủ nhiệm Huấn luyện và Sẵn sàng tác chiến kiêm Phó chủ nhiệm Tác chiến Không quân Mỹ, đánh giá cao sự tham gia và nỗ lực hoàn thành khóa học của thượng úy Toại.

"Tôi mong anh bay, chiến đấu và chiến thắng. Đây là một niềm vinh hạnh lớn khi được nói chuyện và chào đón anh giờ đây với tư cách một trong những cộng sự của chúng tôi", ông nhấn mạnh.

Trung tướng Steve Kwast, lãnh đạo Bộ tư lệnh Giáo dục và Đào tạo Không quân Mỹ, cũng đánh giá việc thượng úy Toại hoàn thành khóa học là một bước tiến to lớn cho quan hệ hợp tác của không quân hai nước.

"Việt Nam tham dự ALP là một cột mốc to lớn trong quan hệ hợp tác giữa không quân Mỹ và lực lượng phòng không - không quân Việt Nam. Mô hình huấn luyện và hợp tác này sẽ giúp không quân Việt Nam cải thiện năng lực các nhiệm vụ hàng không lẫn hàng hải", ông nhấn mạnh. "Mối quan hệ đối tác này góp phần đảm bảo an ninh và ổn định của khu vực và thế giới".

Thượng úy Đặng Đức Toại (trái) và trung úy Doãn Văn Cảnh trong buổi lễ hôm 31/5 tại căn cứ Columbus. Ảnh: Không quân Mỹ.

Thượng úy Đặng Đức Toại (trái) và trung úy Doãn Văn Cảnh trong buổi lễ hôm 31/5 tại căn cứ Columbus. Ảnh: Không quân Mỹ.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Chiến lược, Kế hoạch và Các chương trình Thái Bình Dương của Không quân Mỹ, thiếu tướng Michael Winkler khẳng định những kiến thức và kỹ năng mà thượng úy Toại thu được sau khóa học cũng minh chứng cho cam kết "tiếp tục hợp tác cùng các đối tác và ủng hộ mạnh mẽ trong khu vực".

"Chúng tôi kỳ vọng hợp tác giữa quân đội hai nước sẽ tiếp tục giúp Việt Nam và Mỹ phối hợp hiệu quả hơn trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Winkler chia sẻ tại buổi lễ trao chứng nhận hoàn thành khóa học cho thượng úy Đặng Đức Toại.

Gần 3 năm đào tạo tại Mỹ

Theo thông cáo của không quân Mỹ, chương trình huấn luyện tại căn cứ không quân Columbus của thượng úy Toại kéo dài 12 tháng. Trước khi đến học tại căn cứ, các học viên ALP còn được đào tạo ngoại ngữ tại Trung tâm Anh ngữ thuộc Viện Ngôn ngữ Quốc phòng (DLIELC), đặt ở căn cứ Lackland, thuộc San Antonio, bang Texas.

Thượng úy Toại bắt đầu chương trình đào tạo ngoại ngữ vào năm 2016, rồi đến căn cứ Columbus và bắt đầu chương trình ALP vào tháng 5/2018. Anh đã có hơn 167 giờ bay chuyên cơ huấn luyện hai động cơ T-6 Texan II.

"Đến với khóa học này là cơ hội tốt để tôi được học những điều mới", thượng úy Toại chia sẻ.

Thượng úy Đặng Đức Toại trao đổi cùng đại úy Mitchell Dobson, Phi đội bay huấn luyện số 41 và là phi công hướng dẫn sử dụng mẫu máy bay T-6 Texan II, chuẩn bị cho chuyến bay cuối khóa học ngày 29/5. Ảnh: Không quân Mỹ.

Thượng úy Đặng Đức Toại trao đổi cùng đại úy Mitchell Dobson, Phi đội bay huấn luyện số 41 và là phi công hướng dẫn sử dụng mẫu máy bay T-6 Texan II, chuẩn bị cho chuyến bay cuối khóa học ngày 29/5. Ảnh: Không quân Mỹ.

Anh nói đang mong được giúp đỡ các đồng đội của mình bằng những kiến thức mà anh đã học được trong chương trình ALP sau khi quay về Việt Nam. Anh có thể được phân công điều khiển máy bay vận tải chiến thuật EADS CASA 295 hai động cơ.

Theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội ngày 3/6, khóa ALP lần này có hai sĩ quan không quân Việt Nam tốt nghiệp. Sau thượng úy Đặng Đức Toại, trung úy Doãn Văn Cảnh sẽ là sĩ quan tiếp theo tốt nghiệp.

"Không quân Mỹ mong muốn có thêm nhiều phi công Việt Nam tham dự chương trình Lãnh đạo Hàng không trong tương lai!", Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội viết trên Facebook.

Cận cảnh ScanEagle - máy bay trinh sát Mỹ bán cho Việt Nam Máy bay trinh sát không người lái ScanEagle được sử dụng phổ biến trong quân đội Mỹ và xuất khẩu sang nhiều nước vì tính hiệu quả cao, tầm hoạt động rộng và dễ dàng điều khiển.

Lê Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/my-dao-tao-phi-cong-viet-nam-la-cot-moc-trong-quan-he-song-phuong-post954242.html