Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp do COVID-19 vào ngày 11/5

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Massachusetts, Mỹ ngày 11/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ sẽ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 vào ngày 11/5 tới.

Tình trạng khẩn cấp do COVID-19 lần đầu tiên được Mỹ đưa ra cách đây hơn 3 năm, nhằm cung cấp kinh phí và nguồn lực chống đại dịch toàn cầu này.

Kể từ khi nhậm chức năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần gia hạn tình trạng khẩn cấp này. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã đưa ra một lộ trình để từng bước chuyển đổi tiến tới chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Người dân có thể vẫn được tiêm miễn phí vắcxin ngừa COVID-19 ít nhất cho tới ngày 30/9/2024, nhưng có thể sẽ phải tự trang trải các chi phí xét nghiệm và điều trị COVID-19 dựa trên bảo hiểm y tế cá nhân.

Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi của người dân Mỹ, gia tăng sức ép đối với những người có bảo hiểm ở mức thấp hoặc không có bảo hiểm.

Quy định bắt buộc chia sẻ kết quả xét nghiệm COVID-19 cũng như dữ liệu tiêm vắcxin giữa các địa phương tại Mỹ với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tại nước này cũng sẽ được dỡ bỏ khi kết thúc tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19.

Quyết định trên được Mỹ đưa ra trong bối cảnh ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.

Lần đầu tiên WHO đưa ra mức cảnh báo cao nhất về COVID-19 vào ngày 30/1/2020. Mức cảnh báo này được hội đồng chuyên gia y tế toàn cầu của WHO duy trì tại các cuộc họp tổ chức 3 tháng một lần kể từ đó đến nay.

Vào tháng 3/2020, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh này lây lan mạnh trên toàn thế giới.

Theo dữ liệu của WHO, tỉ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm từ mức kỷ lục hơn 100.000 người/tuần trong tháng 1/2021 xuống còn hơn 3.500 người/tuần trong tuần từ ngày 14-21/4 vừa qua.

Tuy nhiên, WHO khẳng định vẫn chưa thể coi COVID-19 là cúm mùa. Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh Có điểm tương đồng giữa COVID-19 và cúm mùa. Tuy nhiên COVID-19 không theo mùa, trong khi cúm mùa thường vào mùa đông. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về COVID-19 và có thể nói rằng quá sớm để khẳng định COVID-19 giống như bệnh cúm mùa.

Tại Thái Lan, phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn phát biểu người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri hôm 8/5 cho hay Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và Bộ Y tế Công cộng nước này vẫn lo ngại về sự tái bùng phát của dịch COVID-19, mặc dù WHO hôm 5/5 đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 trên toàn cầu.

Theo ông Anucha, một số quốc gia vẫn đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 và dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương khác nhau. Người dân được khuyến cáo nên thận trọng, tiêm vắcxin nhắc lại để duy trì khả năng miễn dịch tốt chống lại virus SARS-CoV-2.

Việc loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới hoặc từng khu vực cụ thể hiện là điều khó có thể thực hiện được vì loại virus này có thể lây truyền giữa động vật và người (nhiễm virus từ động vật).

Do vậy việc loại bỏ hoàn toàn sự lây lan của virus ở động vật và sự lây nhiễm đối với con người là vô cùng khó khăn. WHO vẫn coi COVID-19 là đại dịch toàn cầu chứ không phải bệnh lưu hành ở một số khu vực nhất định.

Các đợt bùng phát COVID-19 không giống bệnh truyền nhiễm theo mùa như bệnh cúm vì WHO chưa xác định được các kiểu lây lan theo mùa vào các thời điểm khác nhau trong năm. Do đó, bất cứ khi nào virus SARS-CoV-2 biến đổi, dịch bệnh có thể bùng phát vào bất kỳ mùa nào.

WHO hiện không có đủ dữ liệu để xác định khoảng thời gian và tần suất thích hợp để tiêm vắcxin và tiêm mũi nhắc lại. Tuy nhiên, WHO vẫn tiếp tục ủng hộ việc tiêm vắcxin, nhất là đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường miễn dịch khi đối mặt với dịch bệnh này.

Ông Anucha lưu ý thêm rằng mặc dù tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan và thế giới đã được cải thiện, nhưng chính phủ nước này vẫn thận trọng về một đợt bùng phát dịch bệnh khác bất cứ lúc nào, điều này một lần nữa có thể ảnh hưởng xấu đến công chúng, doanh nghiệp và nền kinh tế của quốc gia.

Cùng ngày 8/5, chuyên gia Trung Quốc cho biết các biến thể phụ XBB của Omicron đang là những biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại nước này và hiện không có sự thay đổi lớn nào đối với khả năng gây bệnh của những biến thể trên.

Nhà nghiên cứu Chen Cao tại Viện Kiểm soát và phòng ngừa bệnh do virus thuộc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc nêu rõ tỉ lệ nhiễm biến thể phụ XBB tại Trung Quốc đã tăng từ 0,2% vào giữa tháng Hai lên 74,4% vào cuối tháng 4.

Trong số các ca nhập cảnh, có tới 97,5% số ca ghi nhận vào cuối tháng 4 là nhiễm biến thể phụ XBB, tương tự như xu hướng dịch bệnh hiện nay trên toàn cầu. Chuyên gia Chen Cao cho hay Trung Quốc đã thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo liên quan COVID-19 tại các bệnh viện và địa điểm quan trọng, các phòng khám, khu xử lý nước thải đô thị, đồng thời khuyến nghị người dân cần duy trì thói quen vệ sinh và ứng phó thận trọng với tình hình dịch bệnh.

Một quan chức y tế hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch COVID-19, song virus SARS-CoV-2 gây bệnh vẫn có hại và Trung Quốc sẽ tiếp tục theo dõi cũng như tăng cường tiêm chủng cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/298343/my-chinh-thuc-cham-dut-tinh-trang-khan-cap-do-covid-19-vao-ngay-11-5.html