Mỹ cân nhắc lao vào một cuộc chiến mới

Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng can thiệp vào tình hình Philippines, nơi chính quyền địa phương đang phải đối mặt với cuộc chiến chống các chiến binh Hồi giáo nổi dậy hơn 2 tháng qua.

Thiết quân luật đã được ban bố ở Marawi hơn 2 tháng qua, song chưa giúp giải phóng thành phố này khỏi IS.

Hơn 2 tháng nay, lực lượng vũ trang Philippines đã tiến hành các trận chiến khốc liệt với các nhóm chiến binh Hồi giáo trong nước, trước hết là tại đảo Mindanao. Quân đội Philippines đã nhanh chóng giải phóng được phần lớn thành phố Marawi, tuy nhiên vẫn chưa thể giành lại toàn bộ thành phố cũng như các phần khác của hòn đảo này. Theo các nguồn tin, cả 2 tổ chức Hồi giáo là Abu Sayyaf và Mauthe tham gia cuộc nổi dậy này từng tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và nhận sự hỗ trợ tích cực từ IS. Trong hàng ngũ của các nhóm chiến binh Hồi giáo này có nhiều tay súng nước ngoài. Bởi vậy, Chính phủ Phillippines không chỉ phải chiến đấu với các phiến quân địa phương mà còn với IS. Trong bối cảnh IS bị bại trận ở Iraq và Syria, Đông Nam Á đứng trước nguy cơ trở thành một trong những địa điểm mới cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Rất nhiều hòn đảo, phần lớn không có người ở được cây xanh bao phủ kín, được xem là các khu vực thích hợp cho các chiến binh cực đoan trú ẩn.

Trong 2 tháng qua, Mỹ đã có động thái giúp đỡ Manila thông qua hoạt động huấn luyện cho quân đội địa phương, đồng thời hỗ trợ tư vấn cho các hoạt động chống khủng bố của Philippines. Ngoài ra, Washington cung cấp cho Manila vũ khí, thậm chí cả máy bay do thám. Mỹ đang nhận thức rằng Philippines sẽ không thể tự mình giành chiến thắng trước các chiến binh cực đoan nổi dậy. Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét khả năng phát động chiến dịch quân sự ở Philippines chống lại các tay súng của IS. Chiến dịch can thiệp mới này sẽ có sự tham gia của lực lượng không quân Mỹ nhằm tấn công vào các vị trí của các chiến binh với sự hỗ trợ của các thiết bị bay không người lái (UAV).

Giới chuyên gia nhận định các động thái mới của Washington là nhằm thể hiện sự thành công của mình trong chính sách đối ngoại, và họ đã chọn Philippines vì đây là lựa chọn ít lo ngại hơn so với Syria - nơi còn có cả các lợi ích của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác. Có thể Mỹ đang tính đến một cuộc chiến với thắng lợi nhỏ nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những thất bại ở Iraq và Syria.

Thực tế là nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, quân đội Philippines khó có thể đối phó với các chiến binh cực đoan. Ở Marawi đòi hỏi những hoạt động quân sự thận trọng, vì có rất nhiều dân thường nên không thể ném bom. Trong khi đó, các chiến binh cực đoan đang chiến đấu điên cuồng, thậm chí sẵn sàng hy sinh "đến giọt máu cuối cùng”. Những kẻ khủng bố cũng có những cơ sở đào tạo và huấn luyện ở trên núi và ở những hòn đảo nhỏ không người ở, nơi chúng tiến hành cướp bóc. Khu vực rộng lớn này không thể kiểm tra được xem có bao nhiêu tàu ra vào.

Chiến dịch này sẽ kéo dài bao lâu? Chính người Mỹ cũng không biết điều này, nhưng chắc chắn không thể chỉ là một tháng. Nếu so với tình hình ở Iraq, chiến dịch tại đây sẽ dễ dàng hơn một chút vì lực lượng an ninh của Philippines về cơ bản vẫn kiểm soát được lãnh thổ đất nước. Nhưng vấn đề là có những người dân địa phương ủng hộ các chiến binh cực đoan. Một điểm khác biệt nữa là nếu như chiến sự ở Iraq và Syria diễn ra trong một không gian giới hạn là các thành phố, thì ở Philippines là địa hình rừng núi khó khăn, những hòn đảo với thảm thực vật tươi tốt bao phủ. Tất cả những yếu tố này đều cản trở chiến dịch tìm kiếm và tiêu diệt khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ có khá nhiều kinh nghiệm trong sử dụng UAV, và đây sẽ là vũ khí hữu hiệu để giành chiến thắng.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/my-can-nhac-lao-vao-mot-cuoc-chien-moi.aspx