Mưu sinh trong cái rét tê tái

Những ngày này, thời tiết trên địa bàn thành phố Bắc Kạn rét sâu, nhất là khoảng thời gian gần đêm, rạng sáng nhiệt độ chỉ từ 5 - 6 độ C. Trong cái rét tê tái cuối năm, người lao động vẫn miệt mài mưu sinh.

Trời rét buốt, việc buôn bán của người lao động gặp nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Bổng, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang.

Dậy từ 3 rưỡi sáng, bà Phạm Thị Bổng, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang soi đèn hái rau chuẩn bị mang ra chợ bán. Lá rau còn đẫm sương, bà gạt đi rồi hái bó lại, xếp ngay ngắn vào rổ. Mặc dù có đeo găng tay nhưng thời tiết lạnh cóng, rau ướt sương nên tay bà Bổng vẫn sưng đỏ, môi tái đi. Hái xong vài chục mớ rau, bà Bổng hơ qua lửa để tay bớt cóng rồi quẩy gánh ra chợ Bắc Kạn bán. Trời cũng vừa sáng.

Bà Bổng bảo: “Không hái bán kịp thì thời tiết rét như thế này rau cũng táp hỏng hết. Hơn nữa vườn rau là kế sinh nhai của gia đình nên phải khắc phục thời tiết”.

Chị Nguyễn Thị Hiếu mặc nhiều lớp áo ngồi bán xôi khi nhiệt độ buổi sáng xuống thấp.

Cũng dậy vào khoảng thời gian trên, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hiếu, bán đồ ăn sáng tại Chợ Bắc Kạn cảm nhận rõ cái rét thấu xương. Từ nhà ra quán chừng 1km nhưng đi đường vào thời điểm tờ mờ sáng, dù mặc đến 4 lớp áo mà chị Hiếu vẫn thấy lạnh len lỏi vào bên trong, cằm tê cứng. Quán của chị Hiếu bán xôi, bánh mỳ và bún đậu. Sờ vào cái gì cũng thấy lạnh nhưng khâu rửa rau là ngại nhất vì phải tiếp xúc với nước lạnh cóng. Thấy gió lùa mạnh, chị Hiếu bảo chồng đóng cửa sau lại, nhưng cũng chỉ đỡ phần nào, tay chị vẫn run bần bật, mặt rét tái.

Nền nhiệt độ thành phố Bắc Kạn xuống thấp dù đã hơn 7h sáng.

Khu vực chợ nông thôn chủ yếu là các chị, các bà ngồi bán hàng. Dù đã mặc rất nhiều áo, đeo khẩu trang, găng tay, nhưng ai nấy đều co ro như muốn trốn chạy cái rét cắt da. Vất vả nhất phải kể đến dãy hàng bán cá vì các chị liên tục tiếp xúc với nước.

Chị Nguyễn Thị Thuận, bán cá tại Chợ Bắc Kạn chia sẻ: “Để có hàng bán lúc 6 rưỡi sáng, tôi đã dậy trước đó hơn 1 tiếng để lên xã Quân Bình (Bạch Thông) lấy cá từ các ao. Liệu trước trời rét nên tôi đã mặc áo giữ nhiệt, 02 áo khoác và cả áo mưa nhưng đi đường vẫn run lên. Về đến chợ, tay cóng đến nỗi không tự bê sọt cá xuống được mà phải nhờ người khiêng, mổ cá còn suýt dao cắt vào tay. Vất vả lắm, nhưng không dám nghỉ buổi chợ vì sắp Tết rồi phải cố kiếm tiền chăm lo cho con cái”.

Người dân đốt lửa ven đường để sưởi ấm.

Thường mọi khi quán ốc Huy Bằng ở đường Thanh Niên phải 1 – 2h sáng mới nghỉ nhưng mấy hôm nay nhiệt độ xuống thấp nên chủ động cất dọn đồ sớm hơn. Chủ quán cũng lấy thêm chăn để nhân viên bảo đảm ngủ ấm hơn, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.

Chị Bùi Thị Trang, chủ quán ốc Huy Bằng chia sẻ: Quán em ở bên sông, gió thổi mạnh nên càng thấm rét hơn. Đứng nấu ăn hay chạy đi chạy lại bưng đồ cho khách đỡ rét chứ đứng một chỗ thì co ro không chịu được.

Dù trời chưa sáng và nhiệt độ xuống thấp, công nhân vệ sinh môi trường đã miệt mài quét dọn trên các tuyến phố.

Câu chuyện làm việc, mưu sinh trong cái rét thấu xương còn phải kể đến những người lao công dậy từ sáng sớm đi thu gom rác khắp tuyến đường; là những shipper dù mưa rét vẫn bền bỉ ngoài đường giao hàng cho khách đến 21h đêm chưa được ăn cơm; những quán vỉa hè lúc sáng sớm hay đêm khuya vẫn mở bán…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt rét đậm, rét hại lần này kéo dài đến cuối tuần. Vì thế, công cuộc mưu sinh của người dân trên địa bàn thành phố và các địa phương khác trong tỉnh sẽ còn gặp thêm khó khăn./.

Xuân Nghiệp

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/muu-sinh-trong-cai-ret-te-tai-post60389.html