Mường Nhé thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội huyện Mường Nhé tích cực tuyên truyền, vận động, phát triển đối tượng tham gia, góp phần đưa bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) đến gần hơn với người dân. Bằng hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả, BHXH huyện Mường Nhé nâng cao nhận thức các đối tượng thụ hưởng về lợi ích của BHXH, BHYT, BHTN. Nhờ đó, việc thực hiện các chính sách bảo hiểm đạt nhiều kết quả khả quan.

Cán bộ BHXH huyện Mường Nhé phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền chính sách BHXH tại bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé. Ảnh: C.T.V

Những năm gần đây, BHXH huyện Mường Nhé đẩy mạnh các biện pháp truyền thông và phát triển đối tượng, nâng cao chất lượng, linh hoạt cách thức tuyên truyền để tiếp cận với người dân. Ðơn vị đã tăng cường hoạt động tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực quan thông qua phát tờ rơi, tờ gấp, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh cơ sở. Ðơn vị phối hợp các phòng, ban, ngành, UBND các xã, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện trong phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, tuyên truyền trực tiếp đến từng cộng đồng dân cư, hộ gia đình, tổ chức hội nghị, đối thoại… Qua đó, cán bộ, người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa và lợi ích cụ thể của chính sách BHXH, BHYT; những thay đổi trong thực hiện chính sách qua từng thời kỳ để người dân hiểu, nắm rõ quyền lợi và tích cực tham gia. Ðặc biệt là chính sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi.

Cơ quan BHXH huyện cũng phối hợp với UBND các xã tập trung việc rà soát cơ sở dữ liệu để cấp thẻ BHYT kịp thời cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi bổ sung cho những người còn thiếu; hiệu chỉnh thông tin các thẻ BHYT còn sai sót…

Cùng với đó, BHXH huyện Mường Nhé phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHTN cho người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, đối thoại về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHTN đối với người lao động, người sử dụng lao động. BHXH huyện cũng kịp thời thanh, kiểm tra việc thi hành pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi trốn đóng, nợ đóng. Ngoài ra, BHXH huyện hướng dẫn công tác kê khai lao động của các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện thực hiện kê khai, báo cáo tình hình sử dụng lao động và việc tham gia BHXH cho người lao động theo đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phối hợp giữa BHXH huyện, đại lý thu tại cơ sở, việc thực hiện chính sách về bảo hiểm trên địa bàn huyện Mường Nhé có chuyển biến tích cực. Ðến hết tháng 10/2023, số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.332 người, đạt 94,5% kế hoạch giao; 397 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 45,2% kế hoạch giao; 1.842 người tham gia BHTN, đạt 85,4% kế hoạch giao; 49.032 người tham gia BHYT, đạt 97,3% kế hoạch giao. Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn là 98,4% dân số toàn huyện.

Tuy vậy, việc thực hiện chính sách bảo hiểm ở Mường Nhé vẫn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN vẫn còn thấp so với lực lượng lao động theo mục tiêu thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH tự nguyện những năm gần đây tăng mạnh so với trước, nhưng vẫn thấp so với lực lượng lao động của huyện. Bên cạnh đó, một số người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tương đối thấp, đa phần bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Một số tổ chức, đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện các chính sách BHXH, BHYT cho người lao động, tình trạng trốn đóng, chậm đóng dẫn đến nợ đọng kéo dài còn xảy ra ở một số doanh nghiệp. Một số UBND xã, trường học tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN chưa kịp thời báo tăng, giảm lao động, quỹ lương và đóng BHXH, BHYT chưa đầy đủ thường xuyên theo tháng để tồn đọng.

Nguyên nhân được xác định là các đối tượng tham gia bảo hiểm sống rải rác tại các địa bàn cách xa trung tâm, nên công tác tuyên truyền, khai thác phát triển đối tượng còn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia BHXH tại các xã mỏng, năng lực tuyên truyền còn hạn chế. Người lao động trên địa bàn đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoại tỉnh chủ yếu là lao động thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, giao khoán công việc nên không tham gia BHXH do vậy tỷ lệ người lao động tham gia đóng BHXH chưa cao. Trong khi, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện có quy mô hoạt động vừa và nhỏ, công việc ít, phần lớn thuê lao động theo công việc mùa vụ, nhận giao khoán, do đó người lao động không có nguyện vọng tham gia BHXH. Lực lượng lao động tại huyện Mường Nhé tuy lớn nhưng lại không có thu nhập ổn định, thường xuyên và có mức thu nhập bình quân thấp do chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người nghèo. Ngoài ra, UBND các xã chưa chủ động rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn (đặc biệt là đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số) để điều chỉnh bổ sung hàng tháng theo quy định…

Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/210534/muong-nhe-thuc-hien-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi