Mường Khoa nhân rộng các mô hình kinh tế

Phát huy lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, những năm qua, xã Mường Khoa (Bắc Yên) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát triển các mô hình kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Người dân bản Khoa, xã Mường Khoa (Bắc Yên) phát triển mô hình trồng nấm.

Hàng năm, xã chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp; tổ chức cho các hộ thăm quan học tập các mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài huyện. Đồng thời, tạo điều kiện có các hộ vay vốn ngân hàng thông qua các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác để đầu tư phát triển sản xuất. Qua đó, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện địa hình và khí hậu của địa phương, như: Triển khai các mô hình nuôi trồng nấm, sản xuất rau sạch, vịt thả suối, trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng; mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP...

Bản Pót là một trong những bản tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã Mường Khoa. Đồng chí Lừ Văn Đức, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pót, thông tin: Ban quản lý bản tuyên truyền, vận động người dân phát triển các mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tạo sản phẩm an toàn, có sức cạnh tranh, góp phần cải thiện cuộc sống, phấn đấu xây dựng bản nông thôn mới nâng cao đầu tiên của xã. Bản hiện có 67 hộ thì có tới 40 hộ đang trồng cây ăn quả với diện tích 25ha, sản lượng đạt gần 150 tấn quả/năm; duy trì đàn gia súc hơn 800 con, đàn gia cầm trên 1.000 con... Nhờ đó, đời sống của các hộ ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,4%.

Với 2 ha trồng cây ăn quả cùng với trồng cỏ chăn nuôi 10 con bò đã đem lại cho gia đình anh Lừ Văn Ính, bản Pót thu nhập khá. Anh Ính cho biết: Ngày trước, chỉ trồng lúa nương, ngô, sắn năm được, năm mất, giá cả bấp bênh không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Từ năm 2016, gia đình tôi đã cải tạo vườn, đồi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên cho thu nhập cao hơn nhiều so với trước, đạt bình quân từ 150-180 triệu đồng/năm.

Người dân bản Khoa cũng tích cực phát triển các mô hình kinh tế như trồng nấm, nuôi vịt giống bản địa để nâng cao thu nhập. Anh Lừ Văn Muôn chia sẻ: Năm 2010, tôi được cán bộ khuyến nông huyện tập huấn về kỹ thuật trồng nấm, nên gia đình tôi đã tận dụng diện tích, đầu tư vật liệu dựng lán, thu mua các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để làm nguyên liệu trồng nấm. Trồng nấm không đòi hỏi kỹ thuật cao, với gần 100 m² trồng nấm, trừ chi phí được 25 triệu đồng/tháng.

Đánh giá về các mô hình phát triển kinh tế của xã, ông Lừ Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã Mường Khoa, cho biết: Hiện toàn xã có 20 mô hình kinh tế phát triển theo hướng trang trại, 2 HTX, cùng hàng trăm mô hình kinh tế hộ đang phát huy hiệu quả. Hiện thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt gần 39 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 6%.

Với chủ trương xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có giá trị kinh tế cao đang là hướng đi đúng đắn để nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để xã Mường Khoa tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/muong-khoa-nhan-rong-cac-mo-hinh-kinh-te-45248