'Mương được cấp sổ đỏ' là đúng luật?

TP - Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) trích dẫn khẳng định của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội rằng: “Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tuân thủ theo đúng quy định của nhà nước” (?!).

Sáng 27/7, Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) có cuộc họp với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và đại diện một số cơ quan chức năng của thành phố về dự án mương Phan Kế Bính. Cụ thể, theo báo cáo của Sở KH&ĐT, Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình có biên bản kiểm tra công trình ngày 3/7, trong đó đã kiểm tra hiện trạng công trình theo hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở và giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp. Theo đó, công trình Showroom- văn phòng có diện tích xây dựng 1.046m2. Tầng 1,2, tầng áp mái xây tường ra ngoài trục C khoảng cách 1,16m có để ô trống. Tầng 2, tầng áp mái cơ bản lắp dựng xong vách kính mặt dựng ngoài trục 1, A. Trục 12 dựng vách nhôm trang trí mặt ngoài (từ tầng 2 trở lên). Tầng áp mái đang xây quây các bức tường gạch diện tích khoảng 170m2, đang lát nền gạch và lắp đặt hệ thống kỹ thuật, trần chống nóng. Báo cáo cũng nêu rõ, chiều cao tầng áp mái là 3,7m trong khi tầng 2 của tòa nhà là 3,3m. Tổng chiều cao tòa nhà là 12,2m (thiết kế cơ sở là 10,7m). Về nhà phụ trợ, báo cáo khẳng định tầng 2 và tầng áp mái có diện tích 227m2 (bao gồm cả ban công). Như vậy so với giấy phép được cấp thì tầng 2 tòa nhà đã vượt 56 m2. Chủ đầu tư xây dựng thêm 227m2 tầng áp mái. Tương tự, độ cao của tầng áp mái là 3,39m ( tầng 2 của tòa nhà là 3,39m). Tổng chiều cao tòa nhà là 9,77m (thiết kế cơ sở là 8,6m). Sở KH&ĐT Hà Nội trong văn bản của mình (căn cứ vào biên bản của Thanh tra Xây dựng quận Ba Đình) thừa nhận chủ đầu tư cho xây dựng thêm tầng áp mái của Showroom-văn phòng và tầng áp mái nhà phụ trợ. Như vậy, diện tích sàn mà chủ đầu tư vi phạm xây dựng vượt lên khoảng 1.500m2 so với giấy phép xây dựng. Lạ thay, trong báo cáo 5302 trước đó, Sở Xây dựng không đề cập đến tầng áp mái (tầng 3) của hai tòa nhà mà chỉ thừa nhận đó là tum thang và vì thế diện tích vi phạm của chủ đầu tư chỉ là 230m2 sàn? Việc thừa nhận có tầng áp mái cũng đã làm cho hệ số sử dụng đất thay đổi đáng kể chứ không chỉ tăng 0,04 lần như báo cáo của Sở Xây dựng. Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đưa ra nhiều câu hỏi như, vì sao lại có tòa nhà Showroom-văn phòng tại dự án cống hóa làm bãi đỗ xe; vì sao lại có những dãy nhà tạm diện tích gần ngàn mét vuông..., dù chưa được trả lời thỏa đáng. Về phần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mương Phan Kế Bính, thay vì trích dẫn các quy định của Luật Đất đai, Nghị định của Chính phủ, Sở KH&ĐT Hà Nội trích dẫn Văn bản số 3784/ BTNMT-ĐĐ ngày 2/10/2007 của Bộ TN&MT. Theo đó, văn bản này nói rõ, đối với sử dụng đất thực hiện các dự án cống hóa các tuyến mương nội thành, các chủ đầu tư thực hiện dự án cống hóa bằng nguồn vốn của mình (vốn ngoài ngân sách) và sau đó sử dụng một phần diện tích mặt mương khai thác làm bãi đỗ xe tĩnh theo quy hoạch để thu hồi vốn đầu tư; trong trường hợp này, đối với diện tích mà chủ đầu tư đang khai thác làm bãi đỗ xe tĩnh theo quy hoạch sẽ được coi như diện tích đất được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Vốn đầu tư thực hiện dự án cống hóa các tuyến mương được trừ vào tiền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do UBND TP quy định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Vì vậy, Sở TN&MT khẳng định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tuân thủ theo đúng quy định. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở TN&MT và UBND Quận Ba Đình báo cáo về dự án cống hóa mương Phan Kế Bính theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Các đơn vị này phải báo cáo trung thực sự việc và đưa ra kiến nghị, giải pháp xử lý, gửi về UBND TP Hà Nội trước ngày 31/7. Trước hết, có thể thấy báo cáo của Sở KH&ĐT có sự nhầm lẫn nào đó, dẫn đến vận dụng sai và lẽ đó, khẳng định của Sở TN&MT cần được xem xét lại. Cụ thể, Văn bản số 3784 của Bộ TN&MT nêu rõ: “...trong trường hợp này, đối với diện tích mà chủ đầu tư đang khai thác làm bãi đỗ xe tĩnh theo quy hoạch sẽ được coi như diện tích đất được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất...”. Vậy mương Phan Kế Bính có được quy hoạch làm bãi đỗ xe? Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Ba Đình tỷ lệ 1/2000 thì mương Phan Kế Bính được quy hoạch làm đường. Hơn nữa, theo quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe của thành phố Hà Nội cũng không có cái tên Phan Kế Bính. Vì lẽ đó, việc cấp sổ đỏ cho mương Phan Kế Bính thực chất là cấp sổ cho đường Phan Kế Bính. Điều này có đúng Luật? Theo Nghị định 181/CP, mương thoát nước sử dụng vào mục đích công cộng, đất để xây dựng hệ thống thoát nước không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ( Điều 91). Vì lẽ đó, văn bản 3784 của Bộ TN&MT cũng phải xem xét lại.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=167365&channelid=2