Muốn mua bán tín chỉ carbon ở Việt Nam, phải làm theo quy trình sau

Thị trường tín chỉ carbon Việt Nam vẫn còn mới mẻ nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về cách thức hoạt động. Nếu thực hiện theo quy trình tư vấn của chuyên gia khí hậu, doanh nghiệp sẽ dễ dàng thu được tín chỉ carbon và bắt đầu giao dịch.

Hướng tới mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 - Net Zero, Việt Nam đã hòa vào cùng dòng chảy của thế giới để phát triển thị trường tín chỉ carbon. Tuy nhiên, tín chỉ carbon vẫn đang là đề tài khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nắm bắt được cơ hội tăng doanh thu từ tín chỉ carbon, nhưng để đi đến được cái đích nhận được tiền từ giao dịch tín chỉ carbon lại là cả một chặng đường dài, đặc biệt là với các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ.

Việt Nam vẫn chưa có sàn giao dịch tín chỉ carbon

Năm 1997 kể từ sau Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các quốc gia đã bắt đầu hướng tới mục tiêu giảm phát thải nhà kính bằng cách tự giảm trực tiếp hoặc nếu không tự giảm được, sẽ phải mua lại chứng chỉ giảm phát thải từ các quốc gia khác. Thị trường tín chỉ carbon ra đời từ đó, hàng hóa giao dịch trên thị trường chính là tín chỉ carbon, hiểu đơn giản là những giấy phép phát thải khí carbon.

 Lượng phát thải chính là đơn vị dùng để đo lường tín chỉ carbon.

Lượng phát thải chính là đơn vị dùng để đo lường tín chỉ carbon.

 Sàn giao dịch tín chỉ carbon dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2028.

Sàn giao dịch tín chỉ carbon dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2028.

Thị trường tín chỉ carbon được phân ra làm 2 loại, bao gồm thị trường bắt buộc (Compliance Market) và thị trường tự nguyện (Voluntary Market). Trong đó, thị trường bắt buộc yêu cầu các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp phải giảm phát thải khí nhà kính, có quyền trao đổi, buôn bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính cũng như tín chỉ carbon. Ngược lại, thị trường tự nguyện hoạt động dựa trên nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính giữa các tổ chức, doanh nghiệp mà không cần ràng buộc pháp lý giữa các quốc gia.

Cho tới nay, thế giới đã có 58 quốc gia sở hữu thị trường carbon với các sàn giao dịch tự nguyện. Qua nhiều năm xây dựng, hình thành và phát triển, thị trường tín chỉ carbon thế giới đã có nhiều giao dịch và tạo ra nguồn thu lớn. Các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, thậm chí tại Đông Nam Á có Singapore đều đã sở hữu những sàn giao dịch carbon riêng đang hoạt động sôi nổi.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon riêng để hướng tới nền kinh tế bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon tại Việt Nam còn chưa rõ ràng nên tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có sàn giao dịch carbon tự nguyện.

Theo dự kiến, thị trường carbon Việt nam tự nguyện sẽ được thành lập và vận hành thí điểm từ năm 2025. Trong giai đoạn này, chính phủ sẽ triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Giai đoạn đến năm 2027, chính phủ mới hoàn thiện xây dựng các quy định về quản lý trao đổi, mua bán tín chỉ carbon để đi tới hoạt động chính thức từ năm 2028.

Làm thế nào để mua bán tín chỉ carbon tại Việt Nam?

Chính vì hiện nay thị trường tín chỉ carbon Việt Nam vẫn đang trong thời gian hình thành, chưa có sàn giao dịch chính thức nên tất cả mới chỉ trao đổi trên cơ chế tự nguyện. Cá nhân, doanh nghiệp chưa thể trực tiếp mua bán tín chỉ carbon như thị trường nước ngoài. Khó khăn của cơ chế thị trường tự nguyện là quy mô nhỏ, tín chỉ carbon có thời hạn cụ thể. Khi sắp hết hạn tín chỉ carbon, cá nhân và doanh nghiệp buộc phải bán dù giá rẻ.

Như đã biết, đến năm 2025, thị trường tín chỉ carbon Việt Nam mới bắt đầu thử nghiệm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá quốc tế của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu cho biết, trong thời gian chờ đợi, các doanh nghiệp cần chuẩn bị trước từ bây giờ. Trước tiên, dự án cần được đăng ký và được duyệt thông qua cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Đây sẽ là cơ sở để chứng minh được việc giảm phát thải của dự án sau này.

Trong thời gian vận hành dự án, cá nhân, doanh nghiệp cần phải ghi lại báo cáo về tình trạng phát thải khí nhà kính của dự án. Tất nhiên, tình trạng này vẫn phải tuân thủ theo đúng quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Để xác định được dự án có đạt tiêu chuẩn hay không cần thông qua đo đạc, đánh giá của bên thứ ba độc lập. Công tác kiểm kê này sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng phân bổ hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp. Sau khi phân bổ, kế hoạch sản xuất hằng năm sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra tín chỉ carbon từ cơ sở sản xuất của mình. Lúc này, tín chỉ carbon mới bắt đầu được mua bán trên thị trường.

Chặng đường tới ngày mua bán tín chỉ carbon Việt Nam đang trong giai đoạn gấp rút. Từ bây giờ, các cá nhân, doanh nghiệp cần nắm vững được quy trình để có thể chuẩn bị tăng doanh thu từ đồng tiền tệ vô hình mang tên tín chỉ carbon.

 Kiểm kê phát thải carbon phải thông qua một bên thứ ba độc lập.

Kiểm kê phát thải carbon phải thông qua một bên thứ ba độc lập.

Theo: Tổng hợp

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/muon-mua-ban-tin-chi-carbon-o-viet-nam-phai-lam-theo-quy-trinh-sau-88035.html