Muôn kiểu chuẩn bị thực phẩm sạch ăn Tết

Chuẩn bị thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe vui Tết, đón xuân là vấn đề quan trọng, được đại đa số người Hải Dương đặc biệt quan tâm.

Anh Nguyễn Văn Vũ ở thôn Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách) nuôi lợn sạch ăn Tết

Chuộng thực phẩm "nhà quê"

Việc người thành phố về quê tìm thực phẩm sạch để chuẩn bị đón Tết dường như đã trở thành một xu hướng trong những năm gần đây. Anh Nguyễn Công Khánh ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) cho biết ngay từ tháng 4 năm ngoái đã nhờ người cậu ruột ở huyện Gia Lộc nuôi một con lợn mán và một đàn gà hơn 10 con theo kiểu "thả rông" để đón Tết Giáp Thìn 2024. Số vật nuôi này chỉ ăn cám, thóc, bèo, cỏ, nói không với thức ăn công nghiệp và thuốc kháng sinh. "Năm ngoái tôi cũng nhờ cậu nuôi kiểu này, thịt lợn và gà rất thơm ngon. Quan trọng hơn cả là bản thân mình và mọi người trong nhà thấy yên tâm. Mua thực phẩm bên ngoài cũng được nhưng sợ nếu không may xảy ra vấn đề gì liên quan đến ngộ độc thực phẩm, phải đi bệnh viện thì Tết chẳng còn ý nghĩa gì", anh Khánh cho biết.

Ngay từ tháng 1/2023, anh Nguyễn Văn Vũ ở xã Nam Tân (Nam Sách) đã nuôi 3 con lợn sạch để vừa phục vụ nhu cầu của người quen trên phố, vừa phục vụ gia đình ăn Tết. Hằng ngày, đàn lợn chỉ được ăn cám, cơm thừa, canh cặn kết hợp một số loại rau củ quả như khoai lang, cà rốt, rau xanh... Tuy lớn chậm nhưng bù lại lợn rất khỏe, thịt săn chắc. Anh Vũ chia sẻ: "Nhiều người ở phố liên hệ hỏi mua nhưng số lợn này nhà tôi đã có người đặt mua hết. Gia đình tôi cũng để lại một con để thịt liên hoan tất niên và phục vụ các bữa ăn dịp Tết cho yên tâm".

Cùng thôn với anh Vũ, có một gia đình nuôi khoảng 20 con lợn bằng phương pháp như trên. Số lợn này đều đã được khách ở phố và những xã lân cận đặt mua hết. Tuy giá lợn hơi nuôi bằng phương pháp thủ công cao hơn từ 10.000 đồng/kg trở lên so với nuôi công nghiệp nhưng với nhiều người điều này không quan trọng vì được mạnh khỏe để quây quần bên gia đình vui Tết mới là ưu tiên hàng đầu.

Nhiều gia đình sinh sống ở phố nhờ người dưới quê nuôi gà để phục vụ bữa cơm ngày Tết

Không chỉ gia súc, gia cầm mà từ quả trứng, củ hành, mớ rau... phục vụ bữa ăn ngày Tết cũng được nhiều người coi trọng. Do đặc thù công việc nên gia đình chị Chị Phạm Thị Luyến (quê Tứ Kỳ) thường ăn Tết ở Hà Nội. Phải đến mùng 4 Tết trở ra nhà chị mới về quê thắp hương được cho tổ tiên, ông bà. Thế nên cứ tầm ngày 24-25 tháng chạp hằng năm là chị lại về quê "khuân" cả cốp xe ô tô thực phẩm lên thủ đô ăn Tết. "Rau xanh thì nhờ thím tôi trồng ở vườn, không phun thuốc trừ sâu. Gấc nấu xôi cúng tất niên, mùng 1 cũng hái từ vườn nhà. Hành, tỏi, cà chua, khoai tây, rau gia vị.. thì tôi thuê một người họ hàng trồng một luống riêng ngoài ruộng, cũng nói không với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích. Với gia đình tôi dịp Tết cứ phải ăn sạch để duy trì sức khỏe ổn định, thế mới vui", chị Luyến cho biết.

Ở khu vực thành thị đất chật, người đông, không hiếm gia đình đã tận dụng khoảng đất trống, sân thượng, ban công để đặt những hộp xốp trồng rau xanh, rau gia vị phục vụ bữa ăn ngày Tết. Chị Nguyễn Thu Phương ở phường Cẩm Thượng còn chuẩn bị tự làm giá đỗ, rau mầm và mua cả máy khử độc thực phẩm để chuẩn bị cho những ngày Tết sắp tới... "Thực phẩm ở phố thì phong phú, muốn mua cái gì cũng có. Tuy nhiên, tôi vẫn lo thực phẩm ngậm hóa chất độc hại nên tự tay chuẩn bị và mua thêm cái máy khử độc cho yên tâm", chị Phương cho hay.

Tiêu dùng thông thái

Thị trường thực phẩm ngày Tết đa dạng, phong phú hơn ngày thường nhiều lần. Bên cạnh những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng thì vẫn có không ít mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, bảo quản không đúng cách. Không ai dám chắc những loại thực phẩm này có an toàn hay không. Trong khi đó, các cơ quan chức năng không đủ lực lượng để đi thanh tra, kiểm tra tất cả các cửa hàng, nhất là những cơ sở buôn bán nhỏ lẻ... Nếu không biết cách lựa chọn thực phẩm, tham mặt hàng giá rẻ thì nguy cơ xảy ra ngộ độc đối với người dân là không nhỏ.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên mua thực phẩm ở những cửa hàng, ki-ốt có uy tín để bảo đảm sức khỏe vui Tết, đón xuân. Trong ảnh: Người dân mua thịt lợn tại chợ Tân Kim (TP Hải Dương)

Bởi vậy, ông Trần Huy Khương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ (Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương) đánh giá rất cao ý thức, sự chủ động của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm cho ngày Tết. Với những gia đình không có thời gian về quê chuẩn bị thực phẩm sạch, ông Khương khuyến cáo: "Bất kỳ thực phẩm gì thì cũng cần mua ở siêu thị, cửa hàng, ki-ốt cố định, có uy tín. Cần kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, nếu không thấy địa chỉ sản xuất, điện thoại, không ghi rõ thời hạn sử dụng... thì không nên mua. Tuân thủ nghiêm những nguyên tắc trong lựa chọn thực phẩm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hãy là người tiêu dùng thông thái để đón một cái Tết vui vẻ, khỏe mạnh".

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/muon-kieu-chuan-bi-thuc-pham-sach-an-tet-371503.html